11:04, 04/04/2017

Khổ sở bên mỏ đá

Nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân thuộc hai thôn Tân Hiệp và Giải Phóng (xã Cam Phước Đông, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) phải chịu cảnh ô nhiễm bụi và tiếng ồn của các mỏ khai thác đá hoạt động trên địa bàn.

Nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân thuộc hai thôn Tân Hiệp và Giải Phóng (xã Cam Phước Đông, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) phải chịu cảnh ô nhiễm bụi và tiếng ồn của các mỏ khai thác đá hoạt động trên địa bàn. Chưa hết khổ, người dân nơi đây lại nhận thông tin có thêm 2 công ty nữa đang xin phép khai thác đá tại thôn Giải Phóng.


Sống dưới chân mỏ đá


Dọc đường lên mỏ đá Hóa An của Công ty TNHH Đá Hóa An 1, chúng tôi phải liên tục dừng xe áp sát vào lề để né những xe tải chạy bạt mạng; đường đi đầy ổ voi, ổ gà, bụi bay mù mịt, khó chịu. Dẫn chúng tôi lên mỏ đá, ông Hà Đình Mơ - Trưởng thôn Giải Phóng dặn đi dặn lại phải cẩn thận, bởi đoạn đường này từng xảy ra nhiều vụ tai nạn do xe tải chở đá gây ra.

 

Nhà dân nằm sát khu vực mỏ đá Hóa An đang khai thác
Nhà dân nằm sát khu vực mỏ đá Hóa An đang khai thác


Dưới chân núi, ngay sát mỏ đá Hóa An là hàng chục ngôi nhà nằm san sát nhau. Tiếng máy xúc, máy ủi, máy nghiền đá ầm ĩ cả ngày lẫn đêm khiến nơi đây như một đại công trường. Mỗi ngày, hàng trăm xe tải lớn nhỏ ra vào mỏ đá khiến bụi bay mù mịt cả một vùng. Chỉ tay về phía mỏ đá, bà Mấu Thị Sinh (ấp Bà Hùng, thôn Giải Phóng, có nhà sát ngay mỏ đá) cho biết: “Tiếng ồn, bụi bặm cả ngày lẫn đêm khiến cuộc sống người dân rất ngột ngạt. Trước Tết, nhà tôi có 3 sào lúa chuẩn bị thu hoạch, nhưng chỉ sau một cơn mưa lớn, toàn bộ nước mang theo bột đá tràn xuống lấp hết. Nhiều hộ khác cũng bị như tôi, thế nhưng chẳng thấy chủ mỏ đá đền bù hay hỗ trợ để người dân bớt khó khăn”.


Chạy thêm khoảng vài trăm mét, trước mắt chúng tôi là mỏ đá Hố Hành của Công ty TNHH Phước Thành. Tuy mỏ đá mới đi vào hoạt động vài năm, nhưng cả một góc núi ở đây đã bị cạo sạch. Dọc đường Bà Hùng dẫn lên mỏ đá Hố Hành, cây cối đều phủ một lớp bụi trắng xóa. Nhiều gia đình phải đóng cửa cả ngày lẫn đêm để trốn bụi. Một số hộ trong thôn phải lên rẫy làm chòi ở vì không chịu nỗi ô nhiễm. “Người dân ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, nên họ thấy ô nhiễm thì đóng cửa lên rẫy cả tháng mới về. Nhiều gia đình có con cái đi học rất lo lắng, bởi xe tải chạy ẩu, rất nguy hiểm”, Trưởng thôn Giải phóng cho hay.

 

Điểm trường Bà Hùng nằm gần khu vực khai thác của mỏ đá Hố Hành
Điểm trường Bà Hùng nằm gần khu vực khai thác của mỏ đá Hố Hành


Gần đó là điểm trường Bà Hùng, thuộc Trường Tiểu học Cam Phước Đông 2. Theo quan sát của chúng tôi, trường nằm gần mỏ đá Hố Hành nên chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bụi bẩn và tiếng ồn. Một giáo viên tại đây cho biết, điểm trường có 62 học sinh; không những ô nhiễm, xe tải chạy liên tục khiến việc đi lại của học sinh rất nguy hiểm.


Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đông - Phó Chủ tịch HĐND xã Cam Phước Đông cho biết, từ khi hai mỏ đá này đi vào hoạt động, đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân. Xe tải chạy cả ngày lẫn đêm khiến đường xá bị hư hỏng nặng, nắng thì bụi, mưa thì lầy lội. Bụi bặm khiến dân ở sát mỏ đá và hai bên đường phải đóng cửa thường xuyên. “Trước đây, có tình trạng nhà dân bị nứt nhưng sau đó các chủ mỏ đá đã tiến hành thỏa thuận với người dân nên khoảng một năm nay không thấy dân ý kiến. Họ cũng khắc phục bụi bằng cách tưới nước ra đường nhưng việc này không được thực hiện đều đặn nên vẫn ô nhiễm”, ông Đông cho hay.


Ông Nguyễn Ngọc Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Phước Đông cho biết, mỏ đá Hố Hành được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác ngày 27-8-2013, có diện tích 25ha, công suất 200.000m3/năm. Mỏ đá Hóa An được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác ngày 6-4-2011, có diện tích 25,6ha, công suất 490.000m3/năm. Hai mỏ đá này đều có thời hạn 30 năm, nằm ở thôn Giải Phóng. Tuy nhiên, do mỏ đá Hố Hành nằm giáp thôn Tân Hiệp nên quá trình khai thác đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân ở thôn này.


Thêm 2 dự án?


Nhiều tháng nay, người dân ở thôn Giải Phóng xôn xao chuyện cơ quan chức năng tiếp tục cho 2 doanh nghiệp đến khai thác đá trên địa bàn. Nhiều người bức xúc vì 2 mỏ đá Hóa An và Hố Hành đã khiến đời sống người dân khổ sở, giờ thêm 2 mỏ đá nữa chắc người dân bỏ xứ mà đi.

 

Xe tải nối đuôi nhau chở đá từ mỏ đá Hóa An đi tiêu thụ
Xe tải nối đuôi nhau chở đá từ mỏ đá Hóa An đi tiêu thụ


Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tại khu vực núi Tà Lương (xóm Suối 2), UBND tỉnh đã cấp giấy phép cho Công ty Cổ phần Khoáng Việt Nha Trang thực hiện thăm dò khoáng sản đất, đá làm vật liệu xây dựng trên diện tích 15ha. Ngày 25-1, UBND tỉnh cũng có quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản trong báo cáo kết quả thăm dò của công ty. Tại khu vực thăm dò có 10 hộ đồng bào dân tộc thiểu số có đất canh tác, trong đó có 6 hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hiện nay, Công ty Cổ phần Khoáng Việt Nha Trang đã tự thỏa thuận với 10 hộ này để thực hiện giao dịch chuyển nhượng.


Tại khu vực núi Hòn Ông, Công ty TNHH Lực Kỹ đã hoàn thành việc thăm dò và được UBND tỉnh phê duyệt trữ lượng khoáng sản của dự án khai thác đá tại đây. Mới đây, UBND tỉnh cũng có hai quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và đề án phục hồi môi trường của dự án này. Hiện nay, Công ty Lực Kỹ đang thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép khai thác.


Chiều 27-3, ông Cao Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Cam Phước Đông đã chủ trì cuộc họp với người dân để tham vấn ý kiến về tác động môi trường đối với dự án của Công ty Cổ phần Khoáng Việt Nha Trang. Cuộc họp có có hơn 100 hộ tham dự. Tuy đại diện đơn vị tư vấn thiết kế cho biết, chủ đầu tư có phương án bảo vệ môi trường, khai thác bằng công nghệ mới. Nhưng đa số ý kiến người dân không đồng ý làm dự án, bởi 2 mỏ đá đang khai thác trong thôn đã để lại hệ lụy quá lớn.


Kiến nghị hủy 2 dự án mới


Ngày 7-3, trong báo cáo gửi UBND TP. Cam Ranh về tình hình hoạt động khai thác khoáng sản, vấn đề môi trường trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn xã, UBND xã Cam Phước Đông kiến nghị Phòng Tài nguyên - Môi trường thường xuyên phối hợp với UBND xã trong công tác kiểm tra khai thác khoáng sản đối với mỏ đá đã được cấp phép; phối hợp kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở, tổ chức, cá nhân vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản trên địa bàn. Đối với vị trí đã tiến hành hoạt động thăm dò khoáng sản của 2 đơn vị: Công ty TNHH Lực Kỹ và Công ty Cổ phần Khoáng Việt Nha Trang, UBND xã nhận thấy nếu 2 dự án được cấp phép khai thác, đi vào hoạt động thì khả năng xảy ra ô nhiễm, ảnh hưởng đến điều kiện sinh hoạt, sản xuất của người dân và việc học tập của học sinh… Vì vậy, đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét kỹ trước khi cấp phép.

 

Ông Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh: Về hai công ty đang thực hiện thăm dò xin giấy phép khai thác đá ở núi Tà Lương và núi Hòn Ông, quan điểm của tôi là không đồng ý cấp phép khai thác. Thôn Giải Phóng chỉ có chừng đó đồi núi, đã có 2 mỏ rồi giờ thêm 2 mỏ khai thác đá nữa thì người dân sống ở đâu? Hệ lụy về môi trường sẽ rất lớn. Tôi sẽ báo cáo với UBND tỉnh về vấn đề này. 

Đầu tháng 3-2017, HĐND TP. Cam Ranh tiến hành khảo sát những vấn đề nổi cộm, bức xúc do cử tri phản ánh tại xã Cam Phước Đông. Báo cáo do bà Võ Thị Kim Thoa - Phó Chủ tịch HĐND TP. Cam Ranh ký có nội dung: Khoảng cách từ ranh giới khu vực Công ty Cổ phần Khoáng Việt Nha Trang thăm dò, tiến hành xin cấp phép khai thác đá đến vị trí gần nhất của khu vực thôn Suối 2 và hai điểm trường tiểu học và mầm non là 315m. Khi mỏ đá đi vào hoạt động sẽ sử dụng mặt bằng làm bãi chứa nguyên vật liệu, máy móc khai thác và chế biến thì vị trí khai thác càng sát với dân hơn. Trong quá trình khai thác, sử dụng chất nổ, bụi bặm, vận chuyển đá… sẽ gây ra tiếng ồn và ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân, nhất là đối với điểm trường mầm non và tiểu học tại đây.


Đối với dự án của Công ty TNHH Lực Kỹ, khoảng cách từ ranh giới khu vực công ty thăm dò khai thác đến khu dân cư hiện hữu (thuộc khu quy hoạch đất sản xuất, đất tái định cư của đồng bào dân tộc thiểu số theo quy hoạch nông thôn mới của xã đã được phê duyệt) và nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn Giải Phóng khoảng 150m. Vì vậy, khi mỏ đá đi vào hoạt động sẽ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến đời sống, điều kiện sinh hoạt và sản xuất của người dân khu vực này.


HĐND TP. Cam Ranh đã đề nghị UBND TP. Cam Ranh kiến nghị UBND tỉnh xem xét không cấp phép khai thác khoáng sản đối với Công ty Cổ phần Khoáng Việt Nha Trang và Công ty TNHH Lực Kỹ. Đồng thời, kiến nghị HĐND tỉnh có ý kiến đối với các sở, ngành và UBND tỉnh xem xét không cấp phép khai thác đá ở thôn Giải Phóng cho 2 doanh nghiệp này.



VĂN KỲ