04:03, 08/03/2017

Tình mẹ

"Mẹ như vạt nắng bình minh/Đem nguồn nhựa sống để dành cho con". Dòng thơ trên không chỉ ngợi ca tấm lòng cao cả của người mẹ nói chung mà khiến chúng tôi nhớ đến hình bóng của các mẹ ở Làng trẻ em SOS Nha Trang. 

“Mẹ như vạt nắng bình minh/Đem nguồn nhựa sống để dành cho con”. Dòng thơ trên không chỉ ngợi ca tấm lòng cao cả của người mẹ nói chung mà khiến chúng tôi nhớ đến hình bóng của các mẹ ở Làng trẻ em SOS Nha Trang.  


Gần 20 năm làm mẹ


Buổi sáng, khung cảnh Làng trẻ em SOS Nha Trang khá thanh bình với những hàng cây xanh mát, những ngôi nhà san sát nhau... Tại ngôi nhà số 9, một phụ nữ có nước da rám nắng đang tỉ mẩn rửa rau, cá, thịt chuẩn bị bữa trưa. Bà là Phạm Thị Kim Yến (53 tuổi, ở xã Vĩnh Hiệp, TP. Nha Trang), hiện là mẹ của 10 đứa con đang sống trong Làng trẻ em SOS Nha Trang. “Phải chuẩn bị sớm kẻo các con đi học về đói bụng!”, mẹ Yến cười hiền nói. Trong căn nhà sạch sẽ, chúng tôi ấn tượng với bức tranh có chữ nhẫn treo ở góc học tập. “Tôi muốn nhắc nhở các con, sống ở đời phải biết nhẫn mới có thể bao dung được hết thảy, tránh những sai lầm đáng tiếc…”, mẹ Yến giãi bày. 18 năm gắn bó với làng, mẹ Yến đã nuôi dưỡng, chăm sóc 22 đứa con; trong đó có 10 em đã hòa nhập với xã hội. Hồi nhỏ, mẹ Yến rất thích trẻ con. Học xong lớp 12 muốn theo nghề giáo, nhưng vì lúc ấy hoàn cảnh gia đình khó khăn nên mẹ tạm gác ước mơ đến giảng đường. Dù vậy, trong lòng vẫn mong tìm được công việc liên quan đến chăm sóc trẻ. Rồi một ngày, biết làng có tuyển người nuôi trẻ, mẹ đăng ký làm ngay.

 

Mẹ Yến dạy các con học bài
Mẹ Yến dạy các con học bài


Gắn bó từ những ngày đầu thành lập làng, giờ đây, tóc mẹ Phan Thị Lan ở ngôi nhà số 5 (60 tuổi, ở phường Vĩnh Hòa, Nha Trang) đã điểm sợi bạc, dáng người gầy gò hơn, nhưng tình thương dành cho các con vẫn vẹn nguyên. 18 năm qua, mẹ Lan đã nuôi dưỡng, chăm sóc hơn 20 đứa con. Trong đó, có 10 đứa đã trưởng thành, ra đời lập nghiệp, có việc làm, lập gia đình riêng. “Thời gian đầu làm mẹ cũng vất vả, vì cùng lúc nuôi 6 đứa con nhỏ, trong khi mình chưa từng chăm sóc trẻ. Mọi việc lớn nhỏ như: cho con uống sữa, ăn, chăm ẵm… đều phải học. Nhưng nhờ làng tạo điều kiện cho tôi tham gia lớp nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ, cộng với bản năng của phụ nữ đã giúp tôi vượt qua khó khăn. Lần đầu tiên nghe con gọi mẹ, tôi hạnh phúc lắm! Càng ngày, sợi dây liên kết mẹ con càng chặt khiến tôi không thể rời xa chúng. Có lẽ tài sản quý giá nhất của tôi bây giờ là các con. Tôi tự nhủ, phải nuôi nấng chúng như chính con ruột của mình”, mẹ Lan trải lòng.


Vừa đi học về, các em nhỏ ở ngôi nhà số 1 đã quấn lấy mẹ Đoàn Thị Hồng (54 tuổi, ở phường Lộc Thọ, Nha Trang) khoe hôm nay được điểm cao, cô giáo khen. “Từng trải qua nhiều nghề khác nhau, nhưng tôi vẫn chọn nghề chăm sóc trẻ vì có ích cho xã hội. Mỗi đứa có một hoàn cảnh riêng nhưng đều cơ nhỡ, thiệt thòi và thiếu tình thương của cha mẹ nên tôi luôn cố gắng làm tròn vai trò của người cha, người mẹ”, mẹ Hồng chia sẻ. 18 năm qua, mẹ Hồng đã chăm sóc 20 đứa con; trong đó có 8 em học cao đẳng, đại học; 2 em đi làm, 3 em lập gia đình riêng. Khi được hỏi vì sao chọn công việc này, các mẹ đều chia sẻ, bên ngoài có thể kiếm được công việc khác lương cao hơn, nhưng họ vẫn gắn bó cuộc đời ở làng bởi mong muốn được chia sẻ, “sưởi ấm” những số phận kém may mắn.


Gửi trọn tình yêu  


Hôm chúng tôi đến, em Cao Minh Nguyệt (sinh năm 1992, quê ở huyện Khánh Vĩnh) về thăm mẹ Yến. Nguyệt sống cùng mẹ Yến hơn 15 năm. Bây giờ, em đã có công việc ổn định và lập gia đình riêng. Nguyệt tâm sự: “Mẹ Yến rất phúc hậu, yêu thương các con. Mỗi khi các con ốm, mẹ thức trắng đêm lo lắng. Hễ có món gì ngon, mẹ đều để dành cho chúng em. Nhiều lần em làm mẹ buồn bởi sự bồng bột của tuổi trẻ nhưng mẹ không giận mà luôn nhẹ nhàng uốn nắn. Sự vất vả, tận tụy ấy không thể kể hết bằng lời…”. Mồ côi bố mẹ từ nhỏ, em T.T.N.B. (sinh năm 1990) vào làng từ năm lớp 5. Ban đầu, B. rất khó gần, hay cáu gắt với mọi người xung quanh. Nhưng bằng sự kiên trì, nhẫn nại, dần dần mẹ Yến đã cảm hóa được em. Giờ đây, B. đã sống chan hòa với mọi người, yêu thương gia đình.


Bên góc hành lang hanh hao nắng, em Nguyễn Ngọc Như Ý (14 tuổi) cười nói: “Mẹ Lan chăm sóc tụi em từng miếng ăn, giấc ngủ. Hàng đêm, mẹ thường thức giấc, đảo qua các phòng xem chúng em ngủ thế nào, có bị lạnh hay muỗi cắn không. Nhiều lúc thấy mẹ đau nhức chân tay do bệnh xương khớp, em nói “mẹ để con giúp việc nhà” nhưng mẹ không cho. Sống bên mẹ, tụi em được bù đắp những mất mát về tình cảm. Em hứa cố gắng học tập để không phụ lòng mẹ”.


Khi được hỏi các mẹ có thường về nhà không thì đều nhận được câu trả lời: “Mỗi tháng, chúng tôi có 2 ngày nghỉ phép nhưng không xa các con được, chỉ khi ở quê có đám giỗ hay chuyện quan trọng mới về”. Tuy vẫn còn một số em ngỗ nghịch không nghe lời, làm các mẹ lao tâm, nhưng trong thâm tâm các mẹ vẫn nuôi hy vọng, một ngày nào đó, lời mẹ được các em hiểu. “Mỗi đứa một tính cách, quan trọng là lấy cái tâm của mình để dạy dỗ các con. Nếu không có tình yêu thương thật sự dành cho trẻ thì khó ai trụ nổi với nghề”, mẹ Hồng nói.


Khó có thể nói hết sự vất vả và cả những hy sinh thầm lặng của những người mẹ ở làng. Hàng ngày, bên cạnh việc chăm lo bữa ăn, giấc ngủ cho các con, các mẹ còn phải giáo dục kỹ năng sống, tâm lý giới tính, pháp luật cho các trẻ. Bữa ăn của các mẹ chẳng khi nào trọn vẹn vì em này muốn đi vệ sinh, em kia ăn liên tục không biết no. Đó là chưa kể buổi tối, các mẹ phải thức học bài cùng đứa lớn, dỗ dành đứa nhỏ ngủ…


Còn sức, còn chăm các con

 

Giây phút vui vẻ của mẹ Lan và các con
Giây phút vui vẻ của mẹ Lan và các con

 

Ông Lê Hùng Nghệ - Giám đốc Làng trẻ em SOS Nha Trang: Hiện nay, làng đang hoạt động trên các lĩnh vực: chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi tại 14 ngôi nhà gia đình gồm 129 trẻ, khu lưu xá thanh niên gồm 17 trẻ. Trường Mẫu giáo SOS quy mô 6 lớp học; xưởng đào tạo thực hành kỹ năng nghề cho nam thanh niên có hoàn cảnh khó khăn với quy mô 20 học viên/năm. Làng hiện nay có 14 mẹ và 3 dì với độ tuổi từ 27 đến 60; người làm việc lâu nhất 18 năm. Bình quân, mỗi mẹ nuôi khoảng 9 - 10 trẻ; dì có trách nhiệm hỗ trợ mẹ trong việc chăm sóc. Nhờ sự tận tâm, tấm lòng nhân ái của các mẹ, dì, các em được quan tâm chu đáo, tìm thấy điểm tựa tinh thần, đảm bảo phát triển nhân cách trong môi trường lành mạnh. Đặc biệt, làng hiện có 15 trẻ đang học trung cấp, cao đẳng, đại học; 30 trẻ đã có việc làm ổn định…

Bên cạnh những ưu tư, lo lắng, các mẹ cũng tìm thấy nhiều niềm vui sống. Chơi với các em, chúng tôi nhận thấy tất cả đều lễ phép, vui vẻ, hòa nhập. Đặc biệt, các em rất quan tâm nhau, thương các mẹ. Với mẹ Lan, giây phút hạnh phúc nhất là khi tất cả các con về sum họp, quây quần bên mâm cơm vào các ngày lễ, Tết hoặc khi các con khỏe mạnh, biết đọc, biết viết, hát hò, chăm học, trưởng thành… “Những lúc tôi ốm, các con còn nấu cháo, xoa bóp chân tay cho mẹ. Hay trường hợp Nguyễn Đình Hưng (sinh năm 1992) luôn quan tâm mẹ. Trước đây, khi còn ở nhà, Hưng thường phụ dắt xe đạp, xách giỏ lúc tôi đi chợ… Giờ đi làm xa, nhưng vào các ngày lễ, sinh nhật, Hưng đều nhớ mua hoa, quà tặng tôi. Con trai mà chu đáo vô cùng”, mẹ Lan xúc động kể.

Đến giờ, mẹ Hồng vẫn nhớ như in kỷ niệm sâu lắng: “Hôm ấy sinh nhật tôi, các con đã âm thầm tổ chức tiệc nhỏ, tặng hoa và quà cho mẹ, rồi đồng thanh hát bài Happy Birthday khiến tôi không cầm được nước mắt. Không chỉ vậy, mỗi lần thấy mẹ không khỏe, nhiều em còn tranh nhau phụ giúp việc nhà”. Dẫn chúng tôi tham quan vườn hoa, cây cảnh đang khoe sắc, mẹ Hồng bảo: “Đó là thành quả lao động của mẹ và các con đấy. Những lúc sinh hoạt cùng các con, tôi thấy ấm lòng lắm!”.


Chấp nhận làm mẹ của những đứa trẻ không phải do mình dứt ruột sinh ra là chấp nhận khó khăn, vất vả, nhưng các mẹ ở làng SOS chưa bao giờ phàn nàn điều gì bởi hạnh phúc của họ bắt nguồn từ các em. Khi hỏi về ước nguyện, các mẹ nói không một chút do dự: điều kiện vật chất, sinh hoạt ở đây rất đầy đủ, lãnh đạo làng cũng quan tâm tạo điều kiện cho chúng tôi làm việc. Trăn trở lớn nhất của chúng tôi là làm sao các con được khỏe mạnh, hạnh phúc, nên người, hòa nhập tốt với cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội… Chúng tôi chỉ mong có đủ sức khỏe để lo cho các con đến nơi đến chốn.


Rời Làng trẻ em SOS Nha Trang khi trời hửng bóng, chúng tôi thầm cảm phục nghĩa cử cao đẹp của những người mẹ nơi đây.


KIM THAO