10:03, 28/03/2017

Chung niềm đam mê

Cùng chung niềm đam mê khoa học, các học sinh đến từ Trường THPT Ngô Gia Tự (TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) đã bắt tay vào hiện thực hóa những ý tưởng giúp ích cho cộng đồng.

Cùng chung niềm đam mê khoa học, các học sinh (HS) đến từ Trường THPT Ngô Gia Tự (TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) đã bắt tay vào hiện thực hóa những ý tưởng giúp ích cho cộng đồng.


Dây chuyền làm bánh xoài tự động


Sinh hoạt chung trong đội bóng của trường, lại cùng ý tưởng chế tạo một thiết bị sản xuất bánh xoài hiện đại, để góp phần nâng cao giá trị đặc sản nổi tiếng của quê hương Cam Ranh, hai em Trương Vũ Đình Khoa và Nguyễn Phú Khánh Duy, HS lớp 11 Trường THPT Ngô Gia Tự đã cùng nhau thực hiện dự án “Dây chuyền làm bánh xoài tự động”.

 

Đình Khoa và Khánh Duy giới thiệu về dây chuyền làm bánh xoài tự động
Đình Khoa và Khánh Duy giới thiệu về dây chuyền làm bánh xoài tự động


Sau 1 năm nghiên cứu, dây chuyền làm bánh xoài tự động của Khoa và Duy ra đời. Hệ thống có chiều dài 1,2m, hoạt động với tổng công suất 7,738kW. Duy cho biết, trước đây, đã có một nhóm HS trên địa bàn tỉnh chế tạo một thiết bị tương tự, song mới chỉ dừng lại ở lý thuyết và một vài công đoạn đơn giản. Với thiết bị này, chiếc máy là một dây chuyền hoạt động khép kín. Xoài đưa vào được tách cơm và hạt, cơm xoài được đánh nhuyễn, trộn đều cùng với một số phụ gia và được nấu đến 52 - 720C trong khoảng 10 phút. Tiếp đó, hỗn hợp xoài chảy xuống thùng chứa được để nguội, đánh nhuyễn và chảy xuống máng tráng (có thể điều chỉnh độ dày mỏng của bánh). Bánh tráng ra băng chuyền được sấy khô bằng hệ thống đèn sấy halogen và quạt tản nhiệt, cuối cùng là cho ra đời những chiếc bánh ngon dẻo, vàng tươi. “Mỗi đợt, thiết bị của chúng em có thể làm được 40 chiếc bánh xoài chỉ trong 30 phút. Cả quá trình từ khâu tách cơm xoài đến khâu sấy khô bánh đều được điều khiển bằng một chiếc điện thoại thông minh hoặc iPad thông qua bo mạch Bluetooth 10 kênh. Để dự phòng trường hợp bo mạch hư hỏng, chúng em còn lắp đặt cho hệ thống bộ điều khiển thủ công”, Duy chia sẻ.

 

 


Khoa cho biết: “Để làm ra 32kg xoài, người nông dân mất 4 đến 6 ngày, từ công đoạn gọt vỏ, bỏ hạt cho đến phơi khô. Còn với dây chuyền này, chỉ mất 8 tiếng để hoàn thành, năng suất gấp 4 lần so với làm thủ công. Dây chuyền làm bánh xoài tự động chỉ khoảng 7 triệu đồng. Trừ chi phí nhân công, nguyên liệu, điện…, trong khoảng thời gian 1 đến 2 tháng, người sản xuất đã thu lại được số tiền mua máy và bắt đầu có lãi”. Chiếc máy có thể sử dụng tại hộ gia đình và các doanh nghiệp, giúp rút ngắn thời gian, công sức lao động, giảm chi phí sản xuất. Đồng thời, sản phẩm làm ra đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, không lệ thuộc vào thời tiết và khắc phục tình trạng “được mùa mất giá”, nhằm ổn định đời sống cho người trồng xoài. Hai em kỳ vọng sẽ tối ưu hóa việc điều khiển hoàn toàn bằng máy móc, cũng như chế biến được nhiều loại bánh khác tương tự, đồng thời tạo bước đệm để khởi động chương trình “khởi nghiệp” ở địa phương, nhằm giải quyết việc làm cho người dân.


Thầy Nguyễn Thanh Tùng, giáo viên hướng dẫn Khoa và Duy cho biết, dự án này đòi hỏi kiến thức ở nhiều lĩnh vực, từ tin học, toán học, kỹ thuật, vật lý, hóa học... Với niềm say mê khoa học, hai em đã tự mày mò, nghiên cứu, thậm chí có những lần tranh luận nảy lửa để tìm ra cách giải quyết tốt nhất. Dự án đã mang lại cho hai em giải nhì trong Cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia dành cho HS trung học năm học 2016 - 2017 vừa qua.


Xây dựng môi trường học đường không ma túy


Gặp Cao Thị Minh Anh và Nguyễn Thảo Anh, HS lớp 11 Trường THPT Ngô Gia Tự, ấn tượng đầu tiên với chúng tôi về hai cô bạn nhỏ nhắn này là sự tự tin, hoạt bát và chững chạc hơn so với nhiều bạn bè cùng trang lứa. Hai em là tác giả của dự án “Thực trạng và biện pháp phòng, chống ma túy (ma túy đá, tem giấy, cỏ mỹ) xâm nhập học đường trên địa bàn phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh” đã đạt giải khuyến khích trong Cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia dành cho HS trung học năm học 2016 - 2017 vừa qua. Là chủ nhiệm và phó chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Lá chắn được thành lập tại trường (một mô hình có nhiệm vụ ngăn chặn các tệ nạn và ảnh hưởng tiêu cực xâm nhập vào học đường với hơn 20 thành viên), ý tưởng xây dựng đợt hành động ngăn chặn ma túy và giúp đỡ, hòa nhập những người bạn bị ma túy lôi kéo đã đến với Minh Anh và Thảo Anh một cách rất tự nhiên.

 

Hoạt động phòng, chống ma túy của Minh Anh và Thảo Anh nhận được sự ủng hộ tích cực từ nhà trường và cộng đồng
Hoạt động phòng, chống ma túy của Minh Anh và Thảo Anh nhận được sự ủng hộ tích cực từ nhà trường và cộng đồng


Thảo Anh chia sẻ, đã có những đề tài nghiên cứu về vấn đề này, song đối tượng nghiên cứu giới hạn trong phạm vi nhỏ (một trường học), các giải pháp tuyên truyền còn nặng về lý thuyết, giáo điều, hành động chưa quyết liệt và chưa chạm tới những HS cá biệt -  đối tượng khó giáo dục và dễ sa ngã nhất. Vì vậy, hai bạn đã chủ động đến gặp lực lượng công an để nắm rõ thực trạng phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh, TP. Cam Ranh và phường Cam Nghĩa. Đồng thời, tiến hành nghiên cứu, điều tra đối với HS các cấp từ tiểu học đến THPT và phụ huynh HS trên địa bàn phường để lên kế hoạch thực hiện với 2 nhóm biện pháp chính: “xây dựng và phát triển nguồn nhân lực” và “chung tay hành động”. Trong đó, CLB Lá chắn là nguồn nhân lực chính, ngoài ra còn có ban lãnh đạo các trường, đội ngũ giáo viên, phụ huynh HS, cơ quan công an là những người cố vấn, hỗ trợ, cùng sự tham gia của tất cả HS trên địa bàn phường.


Hoạt động của CLB Lá chắn được lãnh đạo Trường THPT Ngô Gia Tự ủng hộ mạnh mẽ nên việc tiến hành các hoạt động của Thảo Anh và Minh Anh gặp nhiều thuận lợi. Khi tới làm việc tại cơ quan công an thông qua giấy giới thiệu của nhà trường, hai bạn cũng được hỗ trợ tích cực nhờ tinh thần, thái độ làm việc hăng say, nghiêm túc. Tuy nhiên, quá trình hoạt động cũng gặp không ít khó khăn. Một số phụ huynh phản ứng gay gắt vì cho rằng đây là việc của công an, chính quyền địa phương, còn HS chỉ nên tập trung vào việc học. Thế nhưng, hai bạn không nản chí, các hoạt động phòng, chống ma túy xâm nhập học đường trên địa bàn phường Cam Nghĩa được các thành viên CLB Lá chắn tổ chức thường xuyên, lành mạnh, hấp dẫn, tạo được sự hứng thú và thu hút các HS. Các em tiến hành treo tranh, ảnh, áp phích, pano tuyên truyền tại các cầu thang, hành lang lớp học, nhà vệ sinh, cổng trường. Các em còn mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo, đoàn thể các trường tổ chức các cuộc thi tìm kiếm tài năng xoay quanh chủ đề ma túy, quay clip “từ trái tim đến trái tim” để kết nối tình cảm của HS, giáo viên, tổ chức các hoạt động ngoại khóa phù hợp với từng cấp học. Ở cấp tiểu học, các em sử dụng mô típ nhân vật cổ tích để gây hứng thú cho các bạn nhỏ. Ở cấp THCS, THPT lại có những trò chơi có thưởng và biểu diễn các tiểu phẩm kịch do diễn viên đội kịch của trường và CLB thực hiện để nhắn gửi thông điệp cho các HS. Ngoài ra, các em còn xây dựng và cập nhật thông tin thường xuyên trên trang facebook “Vì một cộng đồng không ma túy”; xây dựng tủ sách về ma túy trong thư viện các trường; mời các cán bộ có chuyên môn tới tuyên truyền về tác hại của ma túy tại các trường học 2 tháng/lần và mời những cá nhân đã cai nghiện thành công tới giao lưu, chia sẻ…


Cô Nguyễn Thị Yến, giáo viên hướng dẫn Minh Anh và Thảo Anh cho biết, những giải pháp của các em không chỉ nằm trên lý thuyết mà đã được áp dụng tại tất cả các trường trên địa bàn phường Cam Nghĩa, với tần suất tổ chức cao và mang lại hiệu quả khả quan, góp phần giúp các HS nâng cao nhận thức, thái độ và hành vi về ma túy. Nhóm cũng mong muốn những giải pháp sẽ được lan tỏa ở trên toàn TP. Cam Ranh, trong tỉnh và trên toàn quốc, góp phần chung tay vào việc xây dựng môi trường học đường lành mạnh.


HOÀNG NGÂN