01:03, 04/03/2017

Băn khoăn ở bến cá Vĩnh Trường

Do xuống cấp nghiêm trọng, Cảng cá Vĩnh Trường (TP. Nha Trang) đã phải đóng cửa hoạt động từ ngày 1-1-2017 theo quyết định của UBND tỉnh. Tuy nhiên, thay vì chuyển đến Cảng cá Hòn Rớ, người dân lại lập một bến cá mới cách cảng cũ không xa để hoạt động.

Kỳ 1: Bỏ cảng lớn, lập bến mới

 

Do xuống cấp nghiêm trọng, Cảng cá Vĩnh Trường (TP. Nha Trang) đã phải đóng cửa hoạt động từ ngày 1-1-2017 theo quyết định của UBND tỉnh Khánh Hoà. Tuy nhiên, thay vì chuyển đến Cảng cá Hòn Rớ, người dân lại lập một bến cá mới cách cảng cũ không xa để hoạt động.


Nơi vắng vẻ, nơi nhộn nhịp


7 giờ sáng, tại Cảng cá Hòn Rớ, khu vực dành cho người dân Vĩnh Trường chuyển đến buôn bán khá rộng rãi nhưng lại vắng tanh, không một bóng người. Ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng Ban quản lý Cảng cá Hòn Rớ cho biết: “Cảng đã bố trí, sắp xếp dành hẳn một nhà lồng có mái che, đảm bảo đầy đủ điện, nước phục vụ riêng cho người dân Vĩnh Trường. Các nậu vựa lớn cũng đã ký hợp đồng thuê tại cảng. Tại thời điểm ngày 1-1, cảng đã tiếp nhận hầu hết người dân hoạt động từ Cảng cá Vĩnh Trường chuyển qua. Tuy nhiên, chỉ được vài ngày, người dân đã quay trở lại Vĩnh Trường và lập một bến mới để hoạt động, chỉ còn một số rất ít hoạt động ở cảng lúc rạng sáng”.

 

Bến cá tự phát mới ở Vĩnh Trường
Bến cá tự phát mới ở Vĩnh Trường


Một chủ nậu cũng là chủ ghe ở Hòn Rớ, xã Phước Đồng, Nha Trang, nhiều năm buôn bán ở Cảng cá Vĩnh Trường trước đây cho biết: “Tuy đã mướn lô ở Cảng cá Hòn Rớ nhưng do rỗi (người thu mua) không sang Hòn Rớ mà vẫn ở bên Vĩnh Trường (bến cá mới hiện nay) nên ngày nào tôi cũng phải qua bên đó, không buôn bán ở đây được. Đầu năm, người dân ùn ùn sang Hòn Rớ đăng ký rồi quay trở về, khiến những người đã mướn lô bên này cũng phải về theo, dù mua cá ở Vĩnh Trường chủ nậu phải tốn thêm chi phí vận chuyển từng thùng cá từ bến ra xe”.


Trong khi đó, cùng thời điểm này, tại khu vực bến cá tự phát mới của người dân Vĩnh Trường, hoạt động mua bán lại rất sôi nổi, trên bến dưới thuyền nhộn nhịp, đông đúc. Đoạn đường Võ Thị Sáu ngay đầu con hẻm nhỏ vào bến cá, nhiều xe tải đang chờ tập kết cá. Trong con hẻm nhỏ, chỉ vừa đủ cho một chiếc xe máy di chuyển, các xe chở cá tấp nập từ bến chạy ra khiến người đi đường phải liên tục nép vào để tránh. Bến cá mới nằm cạnh Trạm kiểm soát biên phòng Cửa Bé, rộng khoảng 1.000m2 hoạt động từ 1 - 2 giờ đến hơn 8 giờ sáng mỗi ngày.

 

ến cá tự phát  ở Vĩnh Trường nhộn nhịp, đông đúc
Bến cá tự phát ở Vĩnh Trường nhộn nhịp, đông đúc


Tìm hiểu, chúng tôi được biết, tại khu vực này trước đây tồn tại một bến cá dân sinh. Sau khi Cảng cá Vĩnh Trường đóng cửa, một số cá nhân đứng ra tổ chức thuê máy móc cải tạo vùng nước sát bờ kè để tàu thuyền ra vào và tổ chức thu tiền vệ sinh từ các hộ kinh doanh buôn bán tại đây. Hiện nay, bến cá tự phát này thu hút phần lớn tàu thuyền và các vựa cá về hoạt động bốc dỡ, mua bán thủy hải sản với sản lượng lớn.


Bến cá tự phát không có trong quy hoạch


Theo lãnh đạo Trung tâm Quản lý khai thác các công trình thủy sản Khánh Hòa (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Cảng cá Vĩnh Trường đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng do xây dựng nằm trong khu dân cư nên không đầu tư nâng cấp mở rộng được theo tiêu chuẩn cảng cá loại II, không đáp ứng được yêu cầu của hoạt động nghề cá. Những năm qua, một số doanh nghiệp, nậu vựa cá tự phát lấn chiếm bờ sông xây dựng bến cá để thu mua thủy sản, kết hợp với sử dụng đường Võ Thị Sáu phía ngoài khu vực cảng cá làm điểm tập kết phân loại cá, chợ cá gây ách tắc giao thông và mất vệ sinh môi trường. Vì thế, UBND tỉnh đã có quyết định đóng cửa Cảng cá Vĩnh Trường từ ngày 1-1.  

 

Khung cảnh vắng tanh ở Cảng cá Hòn Rớ
Khung cảnh vắng tanh ở Cảng cá Hòn Rớ


Theo ông Đỗ Trung Hiệp - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý khai thác các công trình thủy sản Khánh Hòa, sau khi có chủ trương của tỉnh, từ năm 2015, trung tâm đã bắt đầu tuyên truyền cho người dân về việc chấm dứt hoạt động của cảng cá; đồng thời vận động doanh nghiệp, nậu vựa, người dân chuyển hoạt động sang Cảng cá Hòn Rớ. Mấy ngày đầu, các hộ kinh doanh, nậu vựa chủ tàu thuyền đã nghiêm chỉnh chấp hành và chuyển sang hoạt động tại Cảng cá Hòn Rớ. Tuy nhiên, chỉ được 2 - 3 ngày, họ lại kéo về bến cá cách cảng cá cũ không xa. Qua khảo sát, bến cá hoạt động nhộn nhịp, đường vào chật chội, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không đảm bảo xử lý nước thải làm ô nhiễm môi trường xung quanh.


Theo văn bản của trung tâm báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc hình thành bến cá tự phát không theo quy hoạch chung không chỉ ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự mà còn ảnh hưởng đến chủ trương của tỉnh. Bên cạnh đó còn khiến cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp, vựa cá đã chuyển sang thuê mặt bằng kinh doanh tại Cảng cá Hòn Rớ bức xúc, đề nghị trả lại mặt bằng đã thuê chuyển về bến cá tự phát tại Vĩnh Trường.


Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì họp với các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương. Quan điểm của sở là tạo điều kiện cho người dân về Cảng cá Hòn Rớ hoạt động, không hình thành bến cá tự phát ở Vĩnh Trường. Bến cá chỉ hoạt động tạm thời, về lâu dài phải chuyển qua Cảng cá Hòn Rớ để đảm bảo an ninh, an toàn và môi trường.


Nguyện vọng của người dân


Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, những người dân đều mong muốn được tiếp tục hoạt động tại bến cá mới. Bà Đinh Thị Hồng - một nậu ở phường Vĩnh Trường chia sẻ: “Không phải chúng tôi chống đối chủ trương của tỉnh, nhưng chuyển sang Cảng cá Hòn Rớ khó khăn cho người dân trong việc đi lại, mua bán, đánh bắt, neo đậu tàu thuyền... vì thế người dân mới góp tiền sửa sang bến cá này để tiện buôn bán”.

 

Cảng cá Vĩnh Trường, phường Vĩnh Trường được xây dựng từ năm 1986. Trung tâm Quản lý khai thác các công trình thủy sản Khánh Hòa tiếp nhận và đưa vào quản lý, sử dụng từ tháng 10-1998. Đây là cảng cá loại II; có tổng diện tích 15.239m2, trong đó, diện tích đất liền gần 940m2, diện tích vùng nước cảng 14.300m2. Bình quân, sản lượng thủy sản qua cảng 8.000 tấn/năm, hàng hóa khác gần 40.000 tấn; số lượng tàu thuyền cập cảng cá 3.000 lượt/năm, phương tiện vận tải các loại hơn 90.000 lượt; lao động trực tiếp làm việc cho các nậu vựa, dịch vụ nước đá bình quân hơn 90 người/ngày. 

Bà Nguyễn Thị Ân (tổ 2, Trường Thọ) kể: “Sau khi đóng cửa cảng cá cũ lại có bến cá mới này, chúng tôi rất phấn khởi vì không phải đi xa. Ở đây buôn bán dễ dàng hơn. Ghe nhà tôi nhỏ mà qua bên Hòn Rớ quá bất tiện. Còn về vệ sinh môi trường, người dân ở đây đều đóng tiền góp cho người quét dọn vệ sinh”.


Ông Nguyễn Chánh Dũng (tổ 1 Trường Hải, phường Vĩnh Trường) - chủ ghe có công suất khá lớn nhưng vẫn mong muốn được hoạt động ở bến cá Vĩnh Trường vì lý do chính là: “Tiêu thụ cá bên này tốt hơn. Ngoài ra, sản phẩm của chúng tôi đánh bắt trong ngày nên rất tươi, nếu bán chung với sản phẩm đánh bắt xa bờ sẽ không được giá. Cá của chúng tôi chủ yếu là cá nhỏ, sản lượng ít nên khi sang Cảng cá Hòn Rớ sẽ khó bán, thậm chí không có người mua. Chính người dân ở đó cũng phải mang sang bên này bán. Chúng tôi đã thử qua Cảng cá Hòn Rớ mấy ngày đầu, ghe nhỏ không cập được”.


Bà Mai Thị Ngọc Thanh - nậu ở tổ 2 Trường Thọ, phường Vĩnh Trường cho biết: “Hoạt động ở bến cá phần lớn là người dân địa phương đã bao đời gắn với nghề biển. Một phường biển phải có bến cá cho người dân bán sản phẩm giữ ghe lúc giông bão. Hòn Rớ là cảng nước sâu, chỉ dành cho tàu lớn đánh bắt xa bờ, còn ghe của người dân ở đây phần lớn có công suất nhỏ nên không cập Cảng cá Hòn Rớ được. Bến cá này còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động, giải tỏa bến cá họ biết làm gì nếu không được chuyển đổi nghề nghiệp. Vì thế, nguyện vọng của người dân là được hoạt động lâu dài tại bến cá mới này”.



 NAM DU - THU AN


Kỳ 2: Giải pháp nào cho ngư dân