04:01, 11/01/2017

Tìm linh chi giữa rừng già

Theo chân anh Hà Khao - một người chuyên đi rừng tìm nấm linh chi ở xã Giang Ly (huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) đi tìm nấm khắp cánh rừng già xa tít trên đỉnh Hòn Giao, tôi mới phần nào hiểu được những nhọc nhằn của những sơn tràng làm nghề này.

Theo chân anh Hà Khao - một người chuyên đi rừng tìm nấm linh chi ở xã Giang Ly (huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) đi tìm nấm khắp cánh rừng già xa tít trên đỉnh Hòn Giao, tôi mới phần nào hiểu được những nhọc nhằn của những sơn tràng làm nghề này.


Theo dấu sơn tràng


Mới lành vết thương do trượt té khi đi rừng tìm nấm linh chi, Hà Khao lại mang gùi cùng với một ít thực phẩm khô vào rừng. Nhờ một người quen ở xã Giang Ly nài nỉ mãi, tôi mới được anh cho đi cùng. Sáng sớm, núi rừng còn hoang lạnh, chúng tôi đã lên đường. Sau hơn 30 phút đi xe máy từ Khánh Lê lên Hòn Giao, chúng tôi nghỉ chân ở trảng cỏ ven đường nơi giáp ranh giữa Khánh Hòa và Lâm Đồng, rồi tìm chỗ giấu xe máy để đi rừng. Nơi đây cũng có một nhóm thanh niên đi tìm nấm linh chi. Một người tên Hà Vang nói: “Mưa như trút bữa giờ, nay nắng lên, chắc là nấm sẽ mọc nhiều lắm đây. Hôm trước, mấy người ở làng Bố Lang đi tìm nấm cũng trúng lắm đấy”. Anh Cao Thiêm chen vào: “Trời thương thì kiếm được nhiều nấm linh chi đỏ, có tiền triệu, còn nếu không may mắn thì được nấm linh chi hồng cũng có tiền đong gạo rồi!”.

 

Hà Khao vui mừng với số nấm linh chi đỏ vừa tìm được
Hà Khao vui mừng với số nấm linh chi đỏ vừa tìm được


Câu chuyện “săn” nấm linh chi cứ thế tiếp tục, cả nhóm người đi theo con đường mòn, vượt qua những đồi cao trơn trượt, những con suối lởm chởm đá. Len lỏi giữa rừng, đầy muỗi và vắt, có lúc chúng tôi phải cúi thấp người để đi qua rừng dương xỉ. Với những người đi săn nấm linh chi, điều sợ nhất là bị rắn độc cắn, trượt chân hay vô tình dính phải bẫy thú. Và chưa kịp nhìn thấy hình thù của cây nấm linh chi nào, tôi đã lãnh ngay một cú trượt, ngã sõng soài từ trên dốc Ké xuống do đường rừng trơn trượt…


Khi tôi còn chưa hoàn hồn thì anh Hà Khao reo lên, rồi cẩn thận thọc 2 ngón tay trỏ sâu xuống lớp mùn khuất dưới lớp lá để nhổ những cây nấm lên rồi cho vào gùi. “Nấm linh chi đỏ thường nhỏ, mọc dưới các gốc, thân cây mận, cây dẻ mục ẩm ướt. Thân và tai nấm chỉ nhô lên khỏi mặt đất chừng 5 - 6cm, tai nấm có đường kính chỉ khoảng 4 - 7cm, xù xì nên rất dễ lẫn với lá rừng. Nấm phải còn nguyên gốc thì mới bán được giá cao, bị gãy mất gốc thì giá bán chỉ còn phân nửa”, anh giải thích.

 

1
Cẩn thận nhổ từng cây nấm


Sau khi nhổ xong 12 cây nấm linh chi đỏ dưới gốc cây dẻ, chúng tôi lại căng mắt tìm nấm. Thỉnh thoảng, chúng tôi lại bắt gặp dưới một số gốc cây dẻ có vết đào xới còn mới. Thấy thế, Hà Khao nói: “Nếu cứ theo hướng này chắc chẳng còn nữa”. Len lỏi thêm một hồi nữa nhưng chẳng kiếm được nhiều, chúng tôi cắt qua những vạt rừng ẩm ướt để đến khu vực giáp ranh với Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà (Lâm Đồng) đang vùi mình trong màn sương trắng. Trên đường đi, thỉnh thoảng chúng tôi lại hái được một vài tai nấm linh chi mọc rải rác. Tại khu vực này, nấm mỗi lúc một dày hơn, ngay cả dân ngoại đạo như tôi vẫn dễ dàng hái được một vài cây nấm.


Quá trưa, bên con suối róc rách, vừa ăn trưa, Hà Khao vừa hớp từng ngụm rượu, bởi theo giải thích của anh, đi tìm nấm trên núi cao, lạnh đến tê người thì một hớp rượu sẽ giúp cơ thể chống chọi được với hơi lạnh tỏa ra từ đá núi. “Gần chục năm nay, cứ giáp Tết, tôi lại tranh thủ lên rừng tìm nấm linh chi. Cách đây chừng 4 năm, có lần tôi đã tìm được hơn 3kg nấm linh chi đỏ bán được hơn 2 triệu đồng; có lần còn tìm được một tai nấm hoàng linh chi đến 15kg. Còn với hồng linh chi loại 5 - 7kg mỗi tai nấm thì tôi tìm được mấy chục tai rồi…”, anh chia sẻ.


Đến khoảng 3 giờ chiều, khi số nấm trong gùi cũng khá đầy, ước lượng đến 1kg linh chi đỏ, cộng thêm mấy tai hồng linh chi, Hà Khao giục tôi về bởi mùa này mưa rừng bất chợt, rất dễ kẹt lại trong rừng.


Dược liệu quý chảy đi đâu?


Những người săn nấm chỉ cần về đến đầu làng là đã có người đến hỏi mua nấm. Tuy nhiên, để bán được giá cao, họ thường mang nấm về thị trấn Khánh Vĩnh để bán trực tiếp cho điểm thu mua dược liệu. Những điểm này thu mua nấm linh chi với giá cao, như: linh chi đỏ tươi hiện được mua với giá 900.000 đồng/kg; hắc linh chi: 500.000 đồng/kg; hồng linh chi: 400.000 đồng/kg; thanh linh chi: 200.000 đồng/kg, thấp nhất là hoàng linh chi có giá 150.000 đồng/kg.

 

Bà Tuyết với tai hắc linh chi thu mua được
Bà Tuyết với tai hắc linh chi thu mua được

 

Nấm linh chi là một dược liệu, được xếp vào loại siêu thượng phẩm hơn cả nhân sâm, có tác dụng bảo can, giải độc, cường tâm, kiện não, tiêu đờm, lợi niệu, ích vị. Gần đây các nhà khoa học Trung Quốc và Nhật Bản phát hiện nấm linh chi còn có tác dụng phòng và chống ung thư, chống lão hóa làm tăng tuổi thọ. Có nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới đã định danh được các hoạt chất và xác định tác dụng dược lý của nấm linh chi. Các nhà khoa học Việt Nam tìm thấy trong nấm linh chi có chứa 21 nguyên tố vi lượng cần thiết cho sự vận hành và chuyển hóa của cơ thể như: đồng, sắt, kalium, magnesium, natrium, calcium.

Theo chân Hà Khao đi bán nấm, tôi đến cơ sở thu mua của bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết. Trong kho của bà, nấm linh chi đỏ chất trong mấy bao bóng cỡ lớn xếp ngay ngắn. Ngoài ra còn có nấm hoàng linh chi, hắc linh chi… tai lớn, tai nhỏ la liệt. Bà Tuyết cho hay: “Trong số lục bảo linh chi (6 loại linh chi quý) thì rừng Khánh Vĩnh có đến 5 loại gồm: Xích linh chi (linh chi đỏ), hắc linh chi (linh chi đen), hồng linh chi (linh chi hồng), hoàng linh chi (linh chi vàng) và thanh linh chi (linh chi xanh). Riêng bạch linh chi chưa thấy ai mang đến bán bao giờ”. Cũng theo chia sẻ của bà Tuyết, mỗi năm cơ sở của bà có thể thu mua được hơn chục tấn nấm linh chi các loại. Không chỉ mua ở Khánh Vĩnh, bà còn thu mua ở Khánh Sơn, Bắc Ái (Ninh Thuận) Lạc Dương (Lâm Đồng)… Hầu hết số nấm này được xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc; để bán được, sau khi thu mua nấm tươi từ người đi rừng, bà phơi, sấy khô (2kg tươi được 1kg khô). “Linh chi, nhất là linh chi đỏ có giá trị dược liệu rất cao, do vậy thương lái Trung Quốc đặt mua với số lượng lớn nhưng không đủ hàng để giao”, bà Tuyết nói.  


Tôi rời Khánh Vĩnh khi bóng chiều đã ngả, đỉnh Hòn Giao mây mù bao phủ. Trên đường về, tôi nhớ về chuyến đi rừng đầy thú vị. Rồi lại nghĩ đến món quà mà rừng đã ban cho Hà Khao và nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số khác. Chợt chạnh lòng khi nghĩ đến chuyện dược liệu quý từ rừng Việt Nam đang chảy sang phía bên kia biên giới.


H.L