02:12, 24/12/2016

Tiền tỷ... trôi theo nước

Mưa lũ đi qua, nỗi buồn ở lại với những người nuôi trồng thủy sản. Đìa nuôi tan hoang, bao nhiêu cá, tôm chuẩn bị thu hoạch bỗng chốc trôi ra sông, ra biển…

Mưa lũ đi qua, nỗi buồn ở lại với những người nuôi trồng thủy sản. Đìa nuôi tan hoang, bao nhiêu cá, tôm chuẩn bị thu hoạch bỗng chốc trôi ra sông, ra biển…


Trắng tay


Về xã Cam Thành Bắc (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) khi lũ vừa đi qua, những ô đìa đìu hiu vắng bóng người coi ngó. Dọc bãi biển thôn Suối Cam, xác cá mú nổi lềnh bềnh, bốc mùi hôi thối. Lâu lâu, vài người tiếc của ra thơ thẩn đi dọc bờ đìa với tâm trạng nặng trĩu. Chúng tôi gặp ông Nguyễn Ngọc Tìm bên những ô đìa vừa bị lũ xé toác, ông than thở: “Mất sạch rồi!. Nếu không có lũ, chỉ 1 tuần nữa thôi là lứa cá nuôi được hơn 1 năm sẽ xuất bán. Không ai ngờ, chỉ trong vòng 30 phút sáng 16-12, toàn bộ 3 ô đìa với khoảng 15.000 con cá mú và 1 đìa tôm của gia đình đã bị nước lũ cuốn phăng. Một số ít còn sót lại trong đìa thì nổi trắng bụng vì nước đìa gần như bị ngọt hóa toàn bộ. Tổng thiệt hại chắc khoảng gần 3 tỷ đồng”.

 

Ông Tìm gom cá mú chết để chôn lấp
Ông Tìm gom cá mú chết để chôn lấp


Không chỉ riêng gia đình ông Tìm, ở xã Cam Thành Bắc, 100% các hộ nuôi ở thôn: Tân Quý, Suối Cam và Tân Thành đều bị trắng tay. Những ngày mưa đầu, lượng nước vừa phải, các hộ cố gắng đắp bờ bao ngăn nước ngọt. Nhưng đến sáng 16-12, khi nước từ phía tây tràn qua quốc lộ dồn về phía đìa nuôi thì người dân không kịp trở tay. Điều đáng nói, khu vực nuôi ở xã Cam Thành Bắc chủ yếu nuôi cá mú và cá chẻm, những loại hải sản có giá trị thương phẩm cao do đó chi phí đầu tư rất lớn. Theo ông Nguyễn Hữu Hảo - Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm, trong các đợt mưa lũ vừa qua, trên địa bàn thiệt hại nặng nề nhất là lĩnh vực thủy sản. Trong đó, 202ha (chiếm 70% tổng diện tích) đìa nuôi trồng thủy sản các loại bị ảnh hưởng, ước thiệt hại hơn 190 tỷ đồng.


Đứng thẫn thờ bên bờ đìa mênh mông nước, ông Lương Văn Tám cho biết, mới khăn gói từ Quảng Bình vào phường Ba Ngòi (TP. Cam Ranh) thuê đìa nuôi tôm từ năm ngoái. Đầu năm 2016, 2 đìa tôm thẻ nuôi chết hàng loạt, phải bán vội, lỗ gần 100 triệu đồng. Ông Tám quay qua nuôi cá bớp, khi lớn bằng bắp tay thì cũng lăn ra chết nổi trắng đìa. Ông lại về quê vay mượn, cầm sổ đỏ được gần 400 triệu đồng vào đầu tư nuôi 7 vạn tôm sú và 20 vạn tôm thẻ. Khi tôm sú và tôm thẻ chuẩn bị bán đợt Tết này thì thiên tai ập tới. “Chiều 16-12 mưa lớn, nước lên nhanh. Ở đìa có 2 chú cháu, biết đìa sẽ vỡ, nước sẽ tràn nhưng không làm gì được, đành đứng nhìn mấy trăm triệu đồng trôi theo nước…”, ông Tám nghẹn ngào.

 

Một người dân không cầm được nước mắt khi nói về đìa tôm sú bị vỡ bờ
Một người dân không cầm được nước mắt khi nói về đìa tôm sú bị vỡ bờ


Cạnh đìa ông Tám là đìa của ông Ngô Quốc Anh (thôn Trà Long 2, phường Ba Ngòi). Ông Quốc Anh kể: “Tôi có 2 đìa, thả hơn 6.000 con cá chẻm từ cuối năm 2015. Đáng lẽ tôi bán rồi, nhưng đợt này mưa kéo dài cả tháng, thương lái không đến bắt cá được. Chiều 16-12, nước lên quá nhanh. Tôi vội chạy vào làng huy động gần 20 người  ra kéo vội lên được gần 1 tấn, còn lại trôi hết. Theo thời giá hiện tại thì lũ cuốn trôi của tôi khoảng 350 triệu đồng”.


Tại xã Cam Thịnh Đông (TP. Cam Ranh), không khí u ám bao trùm các khu đìa nuôi tôm. Ông Lê Thanh Thịnh (thôn Hiệp Mỹ) cho biết, đìa tôm của ông bị lũ cuốn vỡ bờ, trôi đến 50% số tôm, ước tính tổng thiệt hại khoảng hơn 100 triệu đồng. Gần đó, ông Võ Văn Lai có 3 sào đìa nuôi tôm chuẩn bị thu hoạch cũng bị lũ cuốn mất trắng, ước tính thiệt hại khoảng 200 triệu đồng. Ông Đào Văn Nổi - trưởng thôn Hiệp Mỹ cho biết, toàn xã Cam Thịnh Đông đều bị thiệt hại nhưng ở thôn Hiệp Mỹ là thiệt hại nhất. Thống kê ban đầu có khoảng 65ha đìa trong thôn đang nuôi tôm, ốc hương, cá mú bị lũ cuốn trôi, thiệt hại trên 10 tỷ đồng.


Ở thị xã Ninh Hòa, người nuôi thủy sản cũng lâm vào cảnh bi đát. Ông Phạm Văn Đức (tổ dân phố Tân Tế, phường Ninh Hà) cho hay: “Gia đình tôi có 1,5ha đìa ở Hòn Hoải, thả 2.500 con cá dìa, 8.000 con cua, 10 vạn tôm. Ngày 16-12, nước từ núi đổ xuống kết hợp với nước từ các hồ chứa và sông Dinh đổ về đìa khiến gia đình trắng tay. Năm nay coi như mất Tết”. Theo thống kê sơ bộ của UBND thị xã Ninh Hòa, toàn thị xã có hơn 200ha ao đìa bị ảnh hưởng từ lũ lụt, tổng số tiền thiệt hại khoảng gần 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo người dân vùng lũ, tổng thiệt hại sẽ nặng nề hơn rất nhiều. Chỉ riêng 2 địa phương: Ninh Phú và Ninh Hà, gần như 100% các hộ nuôi mất trắng. Ông Trần Văn Tài (tổ dân phố Tân Tế) than thở: “2 trận lũ trong 1 tháng thì không có cá tôm nào chịu nổi. Cá dìa vốn rất khỏe nhưng trận lụt này cũng chết hết. Nhà tôi đầu tư ít nhưng cũng thiệt hại khoảng 75 triệu đồng. Các hộ nuôi lớn thiệt hại cả trăm triệu đồng. Với tình hình này, chắc thời gian tới đìa bỏ hoang sẽ rất nhiều”.


Mong hỗ trợ để tái sản xuất


Mấy năm nay, việc nuôi thủy sản vốn không mấy thuận lợi, mùa được, mùa mất. Đã có không ít gia đình vốn nợ nần lâu nay, giờ cơn lũ đi qua, nợ càng thêm nợ. Bà Lê Thị Thược (thôn Tân Quý, xã Cam Thành Bắc) chia sẻ: “Hầu như ai nuôi trồng thủy sản cũng đều phải vay mượn. Để nuôi 3 đìa cá mú, gia đình tôi phải vay gần 1 tỷ đồng đầu tư. Đến khi cá đạt xấp xỉ 1kg/con, thì lũ dữ ập đến cuốn sạch ra biển. Nếu không có lụt, Tết nay thu cá, tôi sẽ trả được nợ. Vậy nhưng…”.

 

Cha con ông Ngại vớt vát cá mú sót lại sau cơn lũ
Cha con ông Ngại vớt vát cá mú sót lại sau cơn lũ


Ông Phạm Đình Chinh (tổ dân phố Hà Liên, phường Ninh Hà) nói trong sự lo lắng: “Toàn bộ dân nuôi cá, tôm ở phường Ninh Hà đều dính nợ do thủy sản. Chỉ tính riêng tổ dân phố Hà Liên đã có 37 gia đình nợ chồng chất. Trong đó, có khoản nợ ngân hàng hơn 10 năm nay cũng chưa trả được. Giờ có muốn bán nhà để trả cũng không được vì đã thế chấp ngân hàng. Gia đình tôi cũng phải vay mượn ở ngoài với lãi suất 6%/tháng để nuôi cua, nay lũ cuốn sạch, ôm cục nợ không biết khi nào trả xong”.


Dẫn chúng tôi đi thực tế tại các đìa bị thiệt hại ở tổ dân phố Trà Long 2, ông Huỳnh Hoài Nam - Phó Chủ tịch UBND phường Ba Ngòi cho biết, 100% số đìa nuôi thủy sản trên địa bàn phường đã bị lũ cuốn. Ngoài việc trôi hết tôm, cá thì đìa vỡ, máy móc bị cuốn trôi khiến nông dân thiệt hại đủ bề. “Chúng tôi đã đi thống kê thiệt hại nhưng còn nhiều hộ chưa thể tiếp cận được nên chưa có con số chính xác. Tuy nhiên, theo thông tin ban đầu thì 80ha chủ yếu nuôi tôm thẻ và ốc hương trên địa bàn phường đã bị cuốn trôi. Rất mong cơ quan chức năng xem xét hỗ trợ thiệt hại cho người dân, ít nhất là hỗ trợ về giống để người nuôi tái sản xuất”, ông Nam nói.

 

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, do ảnh hưởng của các đợt mưa lũ vừa qua, toàn tỉnh có 1.000ha nuôi trồng thủy sản các loại bị ảnh hưởng, trong đó có nhiều diện tích đìa bị ngập; 130 lồng, bè bị hư hỏng; 46 tàu thuyền bị bị chìm, hư hỏng. Ước thiệt hại 263 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Thịnh Đông cho biết, thống kê sơ bộ toàn xã có khoảng 75ha đìa nuôi thủy sản bị nước cuốn trôi, ước tính thiệt hại gần 20 tỷ đồng. Mưa lũ khiến nhiều gia đình mất trắng tài sản. Có hộ nghèo phải vay mượn tiền để đầu tư nuôi tôm mong thoát cảnh nghèo khó, nay trắng tay. Nếu không có những hỗ trợ kịp thời thì nhiều hộ gia đình sẽ lâm vào cảnh khó khăn.


Ông Lê Minh Hải - Trưởng phòng Kinh tế TP. Cam Ranh cho biết: “Phòng Kinh tế sẽ khẩn trương thống kê, làm báo cáo tình hình thiệt hại gửi UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xin kinh phí hỗ trợ. Bên cạnh đó, UBND thành phố cũng sẽ nghiên cứu, bố trí nguồn kinh phí địa phương để hỗ trợ một phần thiệt hại cho người dân”. Còn ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho biết: “Đợt mưa lũ vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho nông dân toàn thành phố, không chỉ lĩnh vực thủy sản mà còn lúa, hoa màu. Thành phố sẽ kiến nghị với tỉnh xin kinh phí hỗ trợ người dân nhanh chóng tái sản xuất, sớm ổn định cuộc sống”.


VĂN KỲ - ĐÌNH LÂM - THẾ ANH