11:09, 27/09/2016

Lấn biển, bán đất

Những năm qua, nhiều hộ ở xóm Mũi (thôn Thành Đạt, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) đã tự ý san lấp mặt nước biển ven bờ để phân lô bán nền, xây nhà trái phép. Sự việc diễn ra trong thời gian dài, chính quyền địa phương biết, nhưng do không xử lý dứt điểm nên kéo theo nhiều hệ lụy.

Những năm qua, nhiều hộ ở xóm Mũi (thôn Thành Đạt, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) đã tự ý san lấp mặt nước biển ven bờ để phân lô bán nền, xây nhà trái phép. Sự việc diễn ra trong thời gian dài, chính quyền địa phương biết, nhưng do không xử lý dứt điểm nên kéo theo nhiều hệ lụy.

Lấn biển trái phép


Dọc con đường dẫn vào khu dân cư xóm Mũi luôn có nhiều xe tải loại 2,5 tấn chở đầy đất đá ra vào. Bám theo những chiếc xe tải, chúng tôi mới biết họ chở đất đá về để san lấp mặt nước biển ven bờ. Thấy có người lạ, một tốp thợ đang gia cố móng đá lấn biển tạm ngừng công việc. “Mấy chú tới đây làm gì vậy?”, một người trong số đó hỏi. Viện lý do đến khảo sát việc xả rác thải của Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy, người này giới thiệu với chúng tôi tên Danh và cho biết: “Khu vực này ô nhiễm lắm, do vậy tôi mới mua đất đá về san lấp, lấn biển để ngăn rác thải và sóng biển ập vào nhà, tiện thể nới rộng thêm diện tích đất ở”. Cũng theo ông Danh, mỗi năm, gia đình ông lấn vài mét, và từ năm 2001 đến nay đã lấn ra biển được gần 20m. “Trước đây, địa phương đã xây kè đá chống sạt lở sát móng nhà tôi. Nhưng nhiều năm qua, hai bên hàng xóm đều đổ đất đá lấn hết ra biển, nên gia đình tôi cũng lấn theo để tránh khu vực mặt nước biển trước nhà trở thành nơi tập kết rác thải”, ông Danh lý giải.

 

1
Hoạt động san lấp lấn chiếm biển diễn ra công khai ở xóm Mũi


Cách nhà ông Danh khoảng 20m, gia đình bà Nhẽ cũng thực hiện lấn chiếm biển với diện tích lên đến cả trăm m2. Toàn bộ diện tích đã được bà Nhẽ cho kè móng đá kiên cố, đổ đất cát san nền bằng phẳng và đã phân lô bán, xây nhà. Bà Nhẽ cho biết: “Nhà ở gần biển nên nhiều năm qua sóng biển cuốn đi rất nhiều phần đất cát của gia đình. Chính vì thế, tôi mới san lấp mặt bằng để ngăn sóng biển cuốn mất nhà cửa. Đồng thời, tạo thuận lợi cho việc đậu ghe, thuyền đánh bắt hải sản của gia đình”. Tuy nhiên, khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua lại phần đất mà bà Nhẽ đã lấn ra biển thì bà này nói: “Lô bên cạnh tôi đã bán cho người ta rồi, còn 1 lô dài 12m, ngang 4,5m, nếu các chú muốn mua tôi để lại với giá 150 triệu đồng. Ở đây mát lắm, gió biển quanh năm, có thể tận dụng mặt nước biển trước nhà để nuôi cá. Giấy tờ mua bán viết tay, có xác nhận của khu dân cư và có thể lùi thời gian mua bán về khoảng năm 2003. Nếu sau này Nhà nước có thu hồi mình cũng được đền bù, tái định cư”.

 

Người dân xóm Mũi vô tư kè đá, đổ đất lấn biển
Người dân xóm Mũi vô tư kè đá, đổ đất lấn biển


Thấy chúng tôi chê đắt và tỏ vẻ e ngại về những phiền phức khi mua đất lấn biển, ông Hiền (con trai bà Nhẽ) trấn an: “Để lấn được lô đất này, tôi phải bỏ ra hơn 30 triệu đồng tiền mua đá hộc và xà bần, đất cát về san lấp. Đó là chưa kể công thợ kè móng đá. Nếu các chú ưng, tôi bớt cho 10 triệu đồng. Khi xây nhà thì báo tôi một tiếng, có chuyện gì tôi sẽ lo cho. Còn sau này muốn lấn thêm ra biển cứ yên tâm, nếu địa phương xuống kiểm tra thì đưa cho họ một vài triệu đồng là xong thôi. Ở đây, từ trước tới nay ai cũng làm như vậy nên có hộ nào bị xử lý đâu!”.


Xây nhà trái phép và những hệ lụy


Sau mấy ngày khảo sát ở xóm Mũi, chúng tôi thấy có nhiều khu đất đã được người dân xây kè đá kiên cố và được đổ đất bằng phẳng, phân lô. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên là tiến độ xây dựng nhà trái phép nơi đây diễn ra quá nhanh. Trên lô đất của bà Nhẽ đã hiện diện một căn nhà kiên cố rộng hơn 50m2. Qua tìm hiểu được biết, chủ căn nhà này mua lại lô đất của bà Nhẽ với giá 120 triệu đồng, rồi tiến hành xây nhà ngay. Do được bà Nhẽ đứng ra giúp đỡ, nên từ khi khởi công đến nay chủ căn nhà này không bị ai kiểm tra, xử lý. Sát bên, căn nhà của ông Trắng (một người dân ở xóm Mũi) cũng đang trong quá trình hoàn thiện. Ông Trắng cho biết: “Được nhà vợ cho phần đất phía trước biển nên tôi bỏ công sức san lấp. Chỉ sau gần 2 tháng, tôi san lấp xong gần 100m2, nay cất nhà để ở gần biển cho mát và thuận lợi cho việc đi biển. Việc xây được nhà cũng phải biết cách để tránh sự để ý của địa phương và người dân”. 

 

Hàng loạt căn nhà xây dựng trên diện tích lấn biển cùng hệ thống nước thải xả thẳng ra biển
Hàng loạt căn nhà xây dựng trên diện tích lấn biển cùng hệ thống nước thải xả thẳng ra biển

 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những căn nhà ở đây được xây dựng rất nhanh, chỉ trong vòng 2 đến 5 ngày là xong. Ban đầu họ che bạt, dựng nhà bằng tôn, sau đó tiến hành xây tường gạch, tô trát bên trong nhà. Với cách làm này, họ đã che dấu được người dân và sự phát hiện của chính quyền địa phương. Đặc biệt, hầu hết những căn nhà ở đây không có hầm vệ sinh mà được đấu nối chung với đường ống nước thải sinh hoạt xả trực tiếp ra biển. Bên cạnh đó, toàn bộ rác thải sinh hoạt của người dân nơi đây cũng được vứt xuống biển, gây ô nhiễm môi trường.

 

Diện tích đất lấn biển đã được người dân phân lô, kè móng đá xây nhà trái phép
Diện tích đất lấn biển đã được người dân phân lô, kè móng đá xây nhà trái phép


Trước đây, khu dân cư xóm Mũi chỉ có 300 hộ, nhưng hiện nay đã tăng lên hơn 600 hộ. Nhiều người dân ở đây cho biết, do xây nhà trái phép nên họ không được cấp giấy chứng nhận nhà ở hợp pháp để làm thủ tục mắc điện, nước. Hiện tại, họ phải mua lại điện, nước của một số hộ ở phía đầu xóm với giá 5.000 đồng/1 số điện, 20.000 đồng/m3 nước. Bên cạnh đó, do khu dân cư hình thành tự phát, nên họ không thể làm các loại giấy tờ, hộ khẩu. Vì vậy, họ phải nhập khẩu vào nhà của họ hàng ở các xã, phường TP. Nha Trang thì con cái họ mới được làm giấy khai sinh, giấy tờ để đi học.


Khó xử lý?


Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Cao Pháp - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng thừa nhận, tình trạng người dân đổ đất đá lấn chiếm biển, xây nhà trái phép diễn ra rất phức tạp. Toàn bộ xóm Mũi nằm trong quy hoạch xây dựng Khu biệt thự sinh thái Hòn Rớ. Việc người dân chuyển nhượng thông qua giấy viết tay nên xã không thể quản lý. “Các hộ ở đây lấn biển lén lút và chủ yếu làm vào ban đêm nên chúng tôi rất khó xử lý. Họ có tai mắt cảnh giới, nên mỗi khi lực lượng xã xuống kiểm tra là họ dừng hoạt động ngay. Khi kiểm tra, lập hồ sơ phần đất đã lấn chiếm ra biển thì không có ai chịu đứng ra nhận. Trước tình trạng này, xã đã thành lập tổ tuần tra để thường xuyên kiểm tra, bắt quả tang. Nhưng do lực lượng mỏng và phải làm nhiều việc nên đến nay, chúng tôi mới lập hồ sơ vi phạm đối với 5 trường hợp xây nhà trái phép và 3 trường hợp đổ đất, đá lấn chiếm biển trái phép. Thời gian tới, chúng tôi sẽ báo cáo sự việc cho UBND TP. Nha Trang vào cuộc tiến hành cưỡng chế 1, 2 trường hợp. Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và buộc các hộ này phải khôi phục lại hiện trạng ban đầu”, ông Pháp nói.

 

Ông Bùi Cao Pháp - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng kiến nghị: UBND tỉnh cần sớm triển khai dự án để ngăn chặn tình trạng lấn chiếm, xây nhà trái phép ở khu vực này. Biết rằng, trách nhiệm quản lý là của xã, nhưng do lực lượng mỏng và phải làm nhiều việc nên không thể quản lý chặt chẽ được.

Ông Nguyễn Khánh Nguyện - Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Nha Trang cho biết, toàn bộ khu vực này đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu biệt thự sinh thái Hòn Rớ. Năm 2008, UBND TP. Nha Trang và xã Phước Đồng đã kiểm kê nơi đây, hơn 300 hộ sinh sống phải giải tỏa, tái định cư ở khu tái định cư Phước Hạ (xã Phước Đồng). Đồng thời, đất, nhà ở của các hộ đã được đo vẽ bản đồ hiện trạng. “Hiện nay, chúng tôi vẫn chưa nắm được sự việc do UBND xã Phước Đồng chưa báo. Tuy nhiên, đã là đất quy hoạch thì nghiêm cấm mọi hành vi lấn chiếm. Việc người dân tự ý san lấp, lấn chiếm biển là sai phạm, làm ảnh hưởng đến môi trường biển. Theo quy định, hành vi này sẽ bị phạt tiền và buộc tháo dỡ công trình, trả lại hiện trạng ban đầu”, ông Nguyện cho hay.


Theo tìm hiểu của chúng tôi, do nhiều người dân biết thông tin khu vực này nằm trong quy hoạch xây dựng biệt thự sinh thái nên mới thực hiện lấn biển, xây nhà nhằm mục đích sau này dự án triển khai để đòi đền bù, tái định cư.


Rời xóm Mũi khi trời đã nhá nhem tối. Ở phía ven biển, chúng tôi vẫn thấy người dân âm thầm kè đá, đổ đất lấn biển. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý quyết liệt, triệt để nhằm tránh để lại những hệ lụy lâu dài về sau.


PHÚ VINH - NAM ANH