12:09, 24/09/2016

Khu giết mổ gia súc tập trung: Bao giờ mới có?

Sau 15 năm, việc xây dựng khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung của TP. Nha Trang vẫn nằm trên giấy. Hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm ngay trong khu dân cư vẫn là chuyện "biết rồi, khổ lắm…"!

Sau 15 năm, việc xây dựng khu giết mổ gia súc, gia cầm (GS-GC) tập trung của TP. Nha Trang vẫn nằm trên giấy. Hoạt động giết mổ GS-GC ngay trong khu dân cư vẫn là chuyện “biết rồi, khổ lắm…”!


Hoạt động tự phát


Như lệ thường, hơn 2 giờ sáng, cơ sở giết mổ heo của ông Nguyễn Xuân Thành trên đường Đồng Nai, phường Phước Hải đã nhộn nhịp. Lò mổ nằm trong con hẻm chật chội, xung quanh nhà dân vây kín. Khi chúng tôi đến, có khoảng 10 người đang làm việc hết công suất, từ giết heo, xẻ thịt đến làm nội tạng… Khi sản phẩm xong đã có người chờ sẵn chở thẳng ra chợ Phước Hải cho kịp phiên chợ sớm.

 

Cán bộ thú y túc trực kiểm soát tại các lò mổ
Cán bộ thú y túc trực kiểm soát tại các lò mổ


Tại lò mổ của ông Nguyễn Quang Tình ở đường Lê Hồng Phong, phường Phước Hòa, không khí làm việc cũng khẩn trương không kém. Ông Tình cho biết, mỗi ngày lò mổ của ông giết mổ khoảng 20 con heo. Toàn bộ heo được nhập từ các trang trại của Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam. “Gia đình tôi làm nghề giết mổ từ những năm đầu thập niên 90. Trước đây, cơ sở của tôi nằm ở đường Lam Sơn. Do lò mổ nằm trong khu dân cư nên chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý vệ sinh môi trường”.


Tính đến thời điểm này, TP. Nha Trang có 24 cơ sở giết mổ heo đang hoạt động. Hầu hết cơ sở hoạt động tự phát, không có thiết kế xây dựng để giết mổ, chỉ có một cửa để nhập heo sống cũng như xuất thịt sau mổ. Thường ngày, các lò mổ này “hóa kiếp” gần 600 con heo. Còn vào dịp lễ, Tết, lượng heo cung cấp cho thị trường tăng gấp 3 lần. Ngoài những lò mổ heo, trên địa bàn thành phố hiện có 4 lò mổ bò, 18 điểm giết mổ gà vịt, không kể những điểm giết mổ nhỏ lẻ.

 

Cảnh nhộn nhịp hàng đêm tại một lò mổ
Cảnh nhộn nhịp hàng đêm tại một lò mổ


Tại cơ sở giết mổ bò của ông Nguyễn Cao Tiễn ở số 6/52 Hương lộ Ngọc Hiệp, phường Ngọc Hiệp, trên diện tích khoảng 100m2, hơn 10 nhân công hối hả xẻ thịt cùng lúc 4 con bò. “Hôm nay trời mưa, lò hoạt động trễ hơn một chút so với thường lệ, nên nhân công phải làm việc nhanh tay hơn. Mỗi đêm, cơ sở này giết mổ hàng chục con bò mới đủ đáp ứng cho bạn hàng”, ông Trần Đức Hạnh, quản lý lò mổ này cho biết.


Khó tránh khỏi hệ lụy


Việc các lò mổ nằm trong khu dân cư đã gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý cũng như vấn đề vệ sinh môi trường. Trong đó, phường Phước Hải là khu vực tập trung nhiều lò mổ heo nhất với 11 cơ sở mà phần lớn đã hoạt động hơn 20 năm qua. Tất cả các điểm giết mổ lại được bố trí ngay khu dân cư, không hề có sự tách biệt nào. “Ban ngày thì tiếng heo kêu đinh tai nhức óc. Ban đêm thì tiếng ồn ào phát ra từ hoạt động giết mổ. Đó là chưa kể mùi hôi thối… đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, sinh hoạt của những người dân sống gần lò mổ như chúng tôi. Từ bữa ăn cho đến giấc ngủ, ngay cả giặt quần áo cũng có cảm giác không sạch do mùi hôi thấm vào. Chúng tôi phải chịu đựng cảnh này không phải một hai ngày mà đã hơn 20 năm qua”, một hộ sinh sống cạnh lò mổ heo ở phường Phước Hải chia sẻ.

 

Các lò mổ đang tác động xấu đến môi trường
Các lò mổ đang tác động xấu đến môi trường


Ông Phan Tấn Dũng - Phó Chủ tịch UBND phường Phước Hải cho biết: “Chúng tôi rất đau đầu với vấn đề này. Đợt tiếp xúc cử tri nào người dân cũng có ý kiến về việc các lò mổ nằm trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống”.


Theo quan sát của chúng tôi, so với những năm trước, các lò mổ hiện nay đã ít nhiều quan tâm đến vấn đề môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Quá trình cải tạo, lò mổ đã được xây dựng theo hướng 1 chiều, từ heo sống đến thành phẩm theo chuỗi, mùi hôi thối đã giảm so với trước. Tuy nhiên, việc để các lò mổ này trong khu dân cư là điều khó chấp nhận.


Những vấn đề đặt ra

 

Dự án khu giết mổ GS-GC tập trung của TP. Nha Trang đã được UBND tỉnh cho phép lập dự án đầu tư tại Quyết định số 1600 ngày 13-7-2009 và điều chỉnh tại Quyết định số 3268 ngày 10-12-2010 và giao UBND TP. Nha Trang làm chủ đầu tư. UBND TP. Nha Trang đã hoàn chỉnh hồ sơ dự án với các nội dung chính như sau: diện tích sử dụng: 12,6ha và chia làm 2 giai đoạn đầu tư (giai đoạn 1 từ năm 2014 - 2016 với 9ha; giai đoạn 2 sau năm 2016 với 3,6ha). Tổng mức đầu tư dự án: 209,77 tỷ đồng. Tuy nhiên, vì mức đầu tư quá lớn, đầu năm 2014, UBND tỉnh đã chỉ đạo: UBND TP. Nha Trang phối hợp với đơn vị tư vấn rà soát, nghiên cứu lập lại dự án theo hướng: giai đoạn đầu xây dựng khu giết mổ có quy mô nhỏ; mang tính thí điểm. Sau đó, dự án đã được điều chỉnh về quy mô giai đoạn 1 xuống còn 2ha. Mới đây, qua điều tra khảo sát, các cơ quan chức năng của TP. Nha Trang đã đề xuất quy mô dự án giai đoạn 1 là 5,59ha với tổng vốn đầu tư gần 83 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hữu Thắng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y cho biết: “Việc xây dựng khu giết mổ tập trung cho TP. Nha Trang là hết sức cần thiết, không chỉ giải quyết được bài toán về vệ sinh môi trường mà còn giúp các cơ quan chức năng kiểm soát được vệ sinh an toàn thực phẩm, dịch bệnh… một cách chặt chẽ hơn”. Theo ông Thắng, cách đây gần 20 năm, tỉnh đã có chủ trương xây dựng khu giết mổ GS-GC tập trung cho TP. Nha Trang. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên việc thực hiện dự án gặp nhiều trắc trở. Sau nhiều lần thay đổi vị trí, cơ quan chức năng đã quyết định chọn địa điểm xây dựng khu giết mổ tập trung của TP. Nha Trang tại Trảng É (xã Phước Đồng). Tuy nhiên, quy mô dự án liên tục bị điều chỉnh. Hiện nay, Ban Quản lý Dự án các công trình xây dựng TP. Nha Trang đang hoàn thiện hồ sơ dự án để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Dự kiến, khu giết mổ tập trung sẽ được đầu tư xây dựng trong năm 2017. Các cơ sở giết mổ trong khu dân cư sẽ bị cấm hoạt động từ ngày 1-1-2018.

 

Trong quá trình nắm bắt nguyện vọng người dân, theo ông Đặng Quốc Việt - Ban Quản lý Dự án các công trình xây dựng TP. Nha Trang, hầu hết các chủ cơ sở giết mổ đều cho biết sẽ chấp hành chủ trương di dời các điểm giết mổ vào khu giết mổ GS-GC tập trung. Hiện nay, ban cũng đã hoàn thiện phương án hỗ trợ di dời các cơ sở giết mổ (dự thảo) với các chính sách như: giảm thuế, hỗ trợ vốn đầu tư, hỗ trợ tiền cho người lao động chuyển đổi ngành nghề…


Tuy đồng ý với chủ trương vào khu giết mổ gia súc tập trung, nhưng theo một số chủ lò mổ: “Khu giết mổ khá xa, việc vận chuyển hàng sẽ rất khó khăn, khó đảm bảo chất lượng thịt tươi nguyên. Bên cạnh đó, việc bố trí nơi ăn nghỉ cho người làm cũng không đơn giản. Chưa kể người làm nghề tại cơ sở lâu nay không biết có chấp nhận vào làm trong ấy hay không. Khi vào khu giết mổ tập trung, chi phí sẽ đội lên, giá thành sản phẩm sẽ cao hơn, cơ quan chức năng có kiểm soát được các lò mổ chui bên ngoài và hàng từ các địa phương khác tuồn vào hay không?”.


Những lo lắng của các chủ lò mổ không phải không có cơ sở bởi thực tế đã có một số địa phương đầu tư xây dựng lò mổ tập trung nhưng không thu hút được giới làm nghề dẫn đến thiếu hiệu quả. Dẫu vậy, việc xây dựng và di dời các cơ sở giết mổ vào khu giết mổ tập trung là cần thiết, tạo cơ sở để quản lý hoạt động giết mổ một cách chặt chẽ. Vì chưa có khu giết mổ tập trung, nên hiện nay tuy phát hiện các cơ sở giết mổ không đủ “chuẩn”, các cơ quan chức năng vẫn chỉ nhắc nhở chứ không thể cấm các cơ sở này hoạt động, bởi nếu mạnh tay sẽ tác động xấu đến thị trường. Vì vậy, nhất thiết phải có một khu giết mổ GS-GC tập trung. Nhu cầu ấy không phải phát sinh từ bây giờ mà đã hàng chục năm trước và ngày càng trở nên bức thiết, nhất là ở một thành phố du lịch nổi tiếng như Nha Trang.



XUÂN THÀNH - CÔNG ĐỊNH