10:09, 20/09/2016

Khánh Sơn: Cao giá đất vườn

Sau những vụ mùa bội thu, đất trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đang "nóng" lên, giá đất tăng cao từng ngày. Để có đất lập vườn, nhiều hộ còn mở rộng diện tích lên những đồi cao, điều này sẽ để lại nhiều hệ lụy khó lường.

Sau những vụ mùa bội thu, đất trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đang “nóng” lên, giá đất tăng cao từng ngày. Để có đất lập vườn, nhiều hộ còn mở rộng diện tích lên những đồi cao, điều này sẽ để lại nhiều hệ lụy khó lường.


Lên núi mua đất


Trong vai những người tìm mua đất trồng cây ăn quả, chúng tôi đến nhà ông N.Q.V (thôn Cam Khánh, xã Sơn Lâm). Gia đình ông V. đến Sơn Lâm lập nghiệp hơn 10 năm nay, nhờ mua được mấy miếng đất của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) với giá rẻ nên đã đầu tư trồng cà phê. “Nếu các anh muốn mua thì chúng tôi sẽ bán lại cho 1 lô đất đã có cà phê đang cho thu hoạch, diện tích hơn 1ha, giá 700 triệu đồng”. Xen vào câu chuyện với chúng tôi, ông T.V.N bảo: “Giá đất ở Sơn Lâm hiện nay rất cao, 1ha trồng cà phê ở xa, trên đồi, cách suối khoảng 200m cũng có giá 400 - 500 triệu đồng. Với 0,6ha cà phê đang trồng ở đây, có người đã trả tôi 250 triệu đồng nhưng tôi không bán, giữ lại bỏ dần cà phê, chuyển sang trồng sầu riêng, chôm chôm”.  

 

 Những hồ chứa nước ở lưng chừng núi được đầu tư để chống hạn cho cây trồng
Những hồ chứa nước ở lưng chừng núi được đầu tư để chống hạn cho cây trồng


Đến xã Sơn Bình, đang nghỉ chân ở quán nước ven Tỉnh lộ 9, một người đàn ông tự xưng tên Hùng ở Đắk Lắk đến hỏi chúng tôi: “Các anh có biết ở đây có ai bán đất trồng cây ăn quả thì giới thiệu giúp chúng tôi, sẽ có hoa hồng bồi dưỡng. Chúng tôi cần đất nào thuận lợi một chút, càng gần đường giao thông, gần nguồn nước càng tốt, về giá cả thì xem xét xong sẽ thỏa thuận. Nếu không có đất ở dưới thấp thì trên đồi cao cũng được”. Qua câu chuyện với ông Hùng, được biết, qua người quen, bạn bè, biết Khánh Sơn là mảnh đất trù phú, có thể phát triển được nhiều loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: sầu riêng, chôm chôm, măng cụt... nên đã mấy lần ông đến đây để tìm hiểu chuyện làm vườn của người dân địa phương. Lần này ông cùng mấy người bạn quyết định đến tìm mua đất nhưng vẫn chưa tìm được.


Theo tìm hiểu của chúng tôi, cách đây khoảng 14 - 15 năm, các hộ từ Quảng Ngãi, Phú Yên và các tỉnh phía bắc di cư vào Khánh Sơn lập nghiệp đã tìm mua đất sản xuất của đồng bào DTTS địa phương. Khi đó, những diện tích đất ở vị trí thuận lợi, bằng phẳng đã được các hộ này mua và tập trung phát triển kinh tế. Đến nay, nhiều hộ đã có của ăn, của để, thậm chí có hộ trở thành tỷ phú nhờ lập vườn, phát triển các loại cây ăn quả. Mấy năm trở lại đây, khi các hộ trồng cây ăn quả trúng lớn thì chuyện đất trồng cây ăn quả lại “nóng” lên từng ngày.

 

1
Một khu vực trên đồi cao đang được người dân thôn Cam Khánh (xã Sơn Lâm) đầu tư trồng cây ăn quả


Ông Lê Quang Hà - Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Bình cho hay: “Khoảng 2 năm trở lại đây, nhiều người từ các tỉnh: Lâm Đồng, Đắk Lắk, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi... đến Sơn Bình và các địa phương khác ở Khánh Sơn để mua đất làm vườn. Có người mua 1ha đã trồng sầu riêng, bắt đầu cho thu hoạch với giá hơn 1 tỷ đồng. Hiện nay, giá đất trồng cây ăn quả ở Sơn Bình đang ở mức cao, những vị trí không thuận lợi cũng phải 500 - 600 triệu đồng/ha đất trống, đất đã có cây thì hơn 1 tỷ đồng/ha”.


Mở rộng lên đồi cao


Theo ông Hà, do năm nay người trồng sầu riêng và các loại cây ăn quả khác trúng lớn nên nhiều hộ đang bỏ dần cà phê để chuyển sang trồng cây ăn quả. Ở địa phương hiện có hàng chục héc-ta cây ăn quả đang được người dân trồng tự phát trên đồi cao, nằm ngoài quy hoạch sản xuất trong xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, nhiều hộ trong xã đang chuyển đổi đất trồng keo sang trồng sầu riêng và các loại cây ăn quả khác; diện tích chuyển đổi lên đến 30 - 40ha. Điều đáng lo là những diện tích đất này ở đồi cao, xa nguồn nước, rất dễ bị thiệt hại khi nắng hạn.

 

Người dân xã Sơn Trung lắp ống, đưa nước lên đồi tưới cây
Người dân xã Sơn Trung lắp ống, đưa nước lên đồi tưới cây


Trong khi đó, tại xã Sơn Lâm, việc người dân phát triển các loại cây ăn quả, cây công nghiệp ở trên cao đã diễn ra mấy năm nay và hệ lụy của nó đã được kiểm chứng trong 2 năm qua khi hạn hán diễn ra gay gắt. Theo ông Nguyễn Ngọc Nguyên - Chủ tịch UBND xã Sơn Lâm, địa phương là một trong những vùng trồng cây công nghiệp, cây ăn quả chủ lực của huyện Khánh Sơn. Trên địa bàn  có khoảng 200ha cà phê, 100ha sầu riêng, 80ha cây ăn quả khác…, đây đều là những loại cây rất cần nước. Trong khi hầu hết các diện tích đều ở đồi cao, trên địa bàn lại không có bất cứ công trình thủy lợi nào, nguồn nước phụ thuộc hoàn toàn vào các suối nhỏ; nguồn nước từ sông Tô Hạp chỉ đảm bảo tưới cho một phần nhỏ diện tích cây trồng ven sông. Hạn hán trong năm 2015, 2016 đã khiến hàng trăm héc-ta cây ăn quả và cây công nghiệp của địa phương bị giảm năng suất, gây thiệt hại lớn cho nông dân, trong đó các thôn: Cam Khánh, Du Oai thiệt hại nặng nề hơn cả.     


Thực tế, tại khu vực Dốc Vi (thôn Cam Khánh, xã Sơn Lâm), chúng tôi bắt gặp nhiều vườn cà phê trên đồi cao, cách suối vài trăm mét. Dọc 2 bên đường, chúng tôi thấy một số mảnh vườn đang được phát dọn, mở rộng, những con đường được mở lên tận đỉnh đồi cao, những chiếc xe múc đang múc hố để trồng sầu riêng, cách mặt suối đến 200 - 300m. Ông Võ Văn Nguyên - người dân địa phương cho biết: “Hiện nay, nhiều hộ có điều kiện kinh tế khá giả và những hộ ở địa phương khác đến mua đất đang tiến hành cải tạo, làm đường, đào hồ ở lưng chừng núi để trữ nước, trồng sầu riêng và một số cây ăn quả khác”. Để minh chứng cho điều mình nói, ông Nguyên chỉ cho chúng tôi một khoảnh đất trống được phát dọn sạch sẽ ở lưng chừng núi phía tây Tỉnh lộ 9, nơi chủ vườn đã xuống giống sầu riêng được một thời gian, ở đó đường được mở lên tận đỉnh núi, có 3 hồ chứa nước ở triền núi để bơm chuyền, chống hạn cho sầu riêng vào mùa nắng.


Việc người dân tự phát trồng các loại cây ăn quả, cây công nghiệp còn diễn ra ở nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Khánh Sơn.


Cần tuân thủ quy hoạch


Ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn cho biết: Những năm gần đây, nhiều diện tích cây ăn quả, cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao tăng nhanh. Hiện nay, trên địa bàn có 457ha sầu riêng, 46ha chôm chôm, 88ha hồ tiêu, 712ha cà phê... Trong những đợt hạn hán vừa qua, hàng trăm héc-ta cây ăn quả, cây công nghiệp phải tiến hành bơm tưới chống hạn; nhiều diện tích ở xa nguồn nước hàng trăm mét, trên những đồi cao phải bơm chuyền nhiều chặng, việc chống hạn rất khó khăn. Việc phát triển các loại cây ăn quả, cây công nghiệp ở những vị trí xa nguồn nước sẽ để lại nhiều hệ lụy khó lường. Một khi hạn hán xảy ra thì thiệt hại về năng suất, chất lượng cây trồng là điều hiển nhiên.


Ông Đinh Ngọc Bình - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết: “Thực tế những đợt hạn hán vừa qua đã cho thấy những diện tích cây trồng ở đồi cao, xa nguồn nước bị thiệt hại nặng do thiếu nước. UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương tiến hành rà soát lại toàn bộ diện tích trồng trọt, nhất là những diện tích trồng các loại cây ăn quả, cây công nghiệp có giá trị cao; tuyên truyền, vận động người dân phải tuân thủ quy hoạch sản xuất trong xây dựng nông thôn mới của từng địa phương, không phát triển diện tích ngoài quy hoạch. Huyện sẽ không thể đầu tư các công trình phục vụ sản xuất nằm ngoài quy hoạch. Chủ trương của huyện là những diện tích ở trên đồi, dốc cao thì chỉ nên phát triển cây lâm nghiệp chứ không phát triển cây ăn quả, cây công nghiệp, bởi không chủ động được nguồn nước”.


Cũng theo ông Bình, vấn đề huyện đang lo lắng là việc giữ đất cho đồng bào DTTS trước áp lực giá đất ngày càng tăng như hiện nay. Bên cạnh nhiều hộ đồng bào giữ đất khi thấy hiệu quả kinh tế mà các loại cây trồng mang lại, cũng có số ít hộ bán, cho thuê đất. Hiện nay, đang có hiện tượng hợp tác sản xuất giữa người Kinh và đồng bào DTTS. Huyện đã chỉ đạo các địa phương lưu ý vấn đề này để đề phòng trường hợp sau khi hợp tác sản xuất sẽ gạ gẫm mua đất của đồng bào DTTS. Để hỗ trợ người dân khó khăn trong sản xuất, nhất là thiếu vật tư, phân bón... các địa phương cần tiến hành lập danh sách, Trung tâm Dịch vụ - Thương mại Khánh Sơn xem xét đầu tư đầu vào cho người dân.


HẢI LĂNG