06:08, 13/08/2016

Nỗi niềm ở xóm Ba Rừng

Sau khi bãi rác đèo Rù Rì cũ đóng cửa, có 53 hộ với hàng trăm nhân khẩu chuyên sống bằng nghề nhặt rác trở về địa phương sinh sống ở xóm Ba Rừng, tổ 22 Hòn Chồng, phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang.

Sau khi bãi rác đèo Rù Rì cũ đóng cửa, có 53 hộ với hàng trăm nhân khẩu chuyên sống bằng nghề nhặt rác trở về địa phương sinh sống ở xóm Ba Rừng, tổ 22 Hòn Chồng, phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang. Nhờ địa phương tạo điều kiện làm nghề thu gom rác tự quản, buôn bán nhỏ nên cuộc sống người dân nay đã đổi khác.

 

Bãi rác Rù Rì cũ nay đã trở thành đồi cỏ xanh
Bãi rác Rù Rì cũ nay đã trở thành đồi cỏ xanh


Nghèo mà vui


4 giờ sáng, xóm Ba Rừng như bừng tỉnh, bởi những tiếng lách cách nồi xoong, chén bát và bước chân vội vã của bà con chuẩn bị đi bán hàng buổi sáng. Công viên Cao Văn Bé, cạnh xóm Ba Rừng cũng trở nên rộn rã bởi người dân trong xóm phần lớn buôn bán nhỏ trong khuôn viên, với đủ thứ hàng: bánh mì, nước uống, bún, phở... Bà Lê Thị Toài - từng có hơn 30 năm nhặt rác ở đèo Rù Rì cho biết, bà bán bún bò đến 9 giờ, sau đó đi chợ chuẩn bị buổi bán ngày hôm sau. Buổi chiều, bà cùng chồng đẩy xe thu gom rác trong tổ, kiếm thêm gần 5 triệu đồng/tháng, cộng thêm tiền lời bán hàng buổi sáng được khoảng 100.000 đồng/ngày nên cũng đủ trang trải chi tiêu.

 

Tổ 22 Hòn Chồng nay sạch hơn nhờ có Tổ thu gom rác tự quản
Tổ 22 Hòn Chồng nay sạch hơn nhờ có Tổ thu gom rác tự quản


Cuộc sống hôm nay của gia đình bà Toài đầy niềm vui, nhớ về những ngày đã qua bà không khỏi ngậm ngùi. Căn nhà bà sống hiện tại trước đây chỉ là một góc hẹp, chất đầy phế liệu, suốt ngày đóng cửa im ỉm vì cả gia đình làm trại sống ở bãi rác. Còn bây giờ, nhà đã được sửa sang lại sạch sẽ, ngăn nắp hơn, lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười con cháu. “Gia đình tôi 3 đời nhặt rác, các thế hệ đều mù chữ, không biết ký tên nên ra phường làm giấy tờ đều phải lăn tay. Bãi rác đóng cửa, chúng tôi bỏ nghề “gia truyền” để về buôn bán. Nhà có 8 đứa cháu thì 3 đứa đang học tiểu học, các cháu khác vẫn còn nhỏ, tôi sẽ động viên các con cho cháu đi học để khỏi lầm lũi như cuộc đời nhặt rác của ông bà, bố mẹ”, bà Toài nói.


Sau khi rời bãi rác Rù Rì, chị Nguyễn Thị Hiệp cũng về công viên Cao Văn Bé để buôn bán mưu sinh. Cũng giống như bà Toài, sau giờ bán hàng, chị Hiệp cùng với một chị hàng xóm ghép thành một tổ thu gom rác tự quản để kiếm thêm thu nhập. Sau 2 năm bỏ nghề nhặt rác, tuy gia cảnh còn khó khăn, nhưng chị cảm nhận cuộc đời mình đã tươi sáng hơn. Chị là con út trong gia đình, lại mồ côi bố mẹ từ nhỏ, 5 anh trai đều làm nghề nhặt rác. Thời nhặt rác tuy tự do nhưng rất cơ cực, bới móc cả ngày đêm mà chỉ kiếm được hơn 100.000 đồng/ngày. Thức ăn hàng ngày nhặt được từ hàng dư, cận đát của các khách sạn, siêu thị đổ đi. Cả nhà tắm giặt bằng nước giếng ô nhiễm từ bãi rác, nghĩa địa.

 

Chị giúp em học chữ, mẹ Hiệp ngồi bên cạnh nhắc nhở
Chị giúp em học chữ, mẹ Hiệp ngồi bên cạnh nhắc nhở


Khi nghe bãi rác giải tán, chị cùng nhiều người khác đã phản đối dữ dội vì nghĩ cả đời dốt chữ như mình, về thành phố biết làm gì để kiếm sống. Sau đó, chị được chính quyền tạo điều kiện về công viên buôn bán, cho làm thêm nghề thu gom rác nên cuộc sống đỡ chật vật. “Hiện nay, 3 đứa con tôi đều chăm ngoan, học giỏi. Mẹ dốt chữ, nhưng con đã biết ghi hóa đơn cho mẹ đi thu tiền rác. Nghèo mà vui!”, chị Hiệp nói.


Chị Nguyễn Thị Quê, hàng xóm của chị Hiệp chia sẻ: “Hoàn cảnh tôi cũng vậy, bỏ nghề rác về lại xóm thuê trọ, sáng tôi làm thêm nghề giúp việc, chiều gom rác tự quản, chồng làm phụ hồ. Hiện nay 2 vợ chồng nuôi 1 cha già và 3 đứa con đi học. Cuộc sống còn lắm bộn bề nhưng nhìn các con học giỏi là tôi thấy ấm lòng. Hy vọng đời các con tôi sẽ hơn mẹ chúng nó”.


Theo ông Lê Văn Du - Tổ trưởng tổ 22 Hòn Chồng, sau khi bãi rác đèo Rù Rì đóng cửa, có 53 hộ trở về địa phương sinh sống, tập trung ở xóm Ba Rừng. Có 12 hộ được phường tạo điều kiện làm nghề thu gom rác tự quản, một số hộ cho phép buôn bán nhỏ ở công viên Cao Văn Bé. Số còn lại làm các nghề lao động tự do như: phụ hồ, phụ bán hàng, giúp việc nhà, thuê đất chăn nuôi heo… Cuộc sống của người dân tuy còn nhiều khó khăn nhưng đã dần ổn định, mọi người chịu khó làm ăn. Quan trọng hơn, trẻ em của các gia đình nhặt rác đều được ra lớp. Cả xóm Ba Rừng có tất cả 77 trẻ em đến trường. Đặc biệt, không có trẻ em nào đến tuổi vào lớp 1 bỏ học. Hiện trong xóm có một lớp học tình thương do chính ông Du mở. Vào các buổi tối, các em tụ tập lên lớp để các anh chị sinh viên, thanh niên tình nguyện dạy học, ôn bài.


Tiếp tục hỗ trợ


Ông Du cho biết thêm, trong 53 hộ ở bãi rác về tổ 22 Hòn Chồng sinh sống thì có 31 hộ nghèo, 22 hộ cận nghèo. Đa số bà con đã chịu khó làm ăn, nhưng cuộc sống vẫn còn chật vật chưa có hộ nào thoát nghèo. Thời gian qua, tổ cũng đã ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của bà con là mong được làm nghề thu gom rác tự quản, vì đó là nghề phù hợp nhất với khả năng của họ. Đến nay, đã có 17 hộ đăng ký làm nghề này và danh sách này đang được phường xem xét.


Theo lãnh đạo UBND phường Vĩnh Phước, bãi rác đèo Rù Rì đã đóng cửa cách đây gần 2 năm, nhưng phường vẫn luôn quan tâm sâu sát và hỗ trợ liên tục cho người dân từng làm nghề nhặt rác như: đào tạo nghề cho thanh niên, tạo điều kiện cho vay vốn làm ăn, hỗ trợ học bổng, nhân rộng mô hình thu gom rác tự quản để giải quyết việc làm. Hầu hết các chương trình hỗ trợ từ thiện nhân đạo của các mạnh thường quân, doanh nghiệp, phường đều ưu tiên chuyển về cho bà con xóm Ba Rừng. Nhờ thế, những năm qua, nhiều hộ được sửa chữa nhà cửa, có đầy đủ vật dụng sinh hoạt. An cư lạc nghiệp, người dân nơi đây đã ổn định tư tưởng, chịu khó vươn lên làm ăn.

 

Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Nha Trang, bãi rác đèo Rù Rì cũ - từng được gọi là điểm đen ô nhiễm, nay đã phủ một lớp cỏ xanh. Tất cả rác thải của thành phố nay được đưa vào khu xử lý chất thải rắn Lương Hòa (xã Vĩnh Lương). Toàn bộ phân hầm cầu đổ tại các bể phốt cạnh bãi rác Rù Rì nay đã được chuyển toàn bộ về xử lý tại Nhà máy xử lý nước thải phía nam (xã Phước Đồng). Trong tương lai gần, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư dự án xây dựng nhà máy xử lý rác và sản xuất các sản phẩm từ rác tại khu xử lý chất thải rắn Lương Hòa.

Tuy nhiên, trong các chương trình hỗ trợ cho người dân nhặt rác, có chương trình hỗ trợ thanh niên học nghề chưa thành công vì các em đều là con nhà nghèo, phải đi làm kiếm sống, không có thời gian tham gia. Riêng đối với việc hỗ trợ cho người làm nghề thu gom rác tự quản cũng trải qua nhiều khó khăn. Cách đây 2 năm, khi mô hình thực hiện thí điểm, bà con phản đối không chịu làm vì cho rằng chẳng có gì thay đổi so với công việc cũ. Có hộ bà Lê Thị Toài làm gương tham gia trước. Trong thời gian đó, bà Toài cũng phải hy sinh rất nhiều để thực hiện chủ trương chuyển đổi nghề vì vấp phải sự phản đối quyết liệt của người làm cùng nghề.


Sau thí điểm thành công, phường đã nhân rộng mô hình ra 11 tổ dân phố, giải quyết việc làm thêm cho 24 người với thu nhập trung bình từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng. Qua thời gian cho thấy, việc chuyển đổi nghề thu gom rác cho bà con là đúng đắn và phù hợp. Vì thế, đến nay có đến 17 hộ tiếp tục mong muốn được hỗ trợ xe đẩy, phương tiện để thu gom rác tự quản.


Ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phước cho biết: “Hiện tại, phường còn lại 13 tổ dân phố chưa có tổ thu gom rác tự quản. Phường sẽ xem xét, kiến nghị thành phố hỗ trợ phương tiện, xe đẩy để tiếp tục nhân rộng mô hình, tạo việc làm mới cho người dân. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức làm sao để tất cả các hộ đều được hỗ trợ tối đa, có được việc làm mới, tiếp tục vươn lên trong cuộc sống”.


Có những lối về tuy còn gập ghềnh nhưng lại dẫn đến một tương lai tươi sáng. Cuộc sống hiện tại của những người nhặt rác năm xưa đã giúp họ cảm nhận sâu sắc thêm điều ấy. Nếu như có thêm việc làm mới như mong muốn, chắc chắn họ sẽ càng thêm vững vàng hơn trên con đường mưu sinh của mình.


MINH THIẾT