04:08, 20/08/2016

Bè nổi đang… "trôi nổi"

Đối chiếu theo các quy định của Thông tư số 43 (có hiệu lực từ ngày 1-5-2013) của Bộ Giao thông vận tải tất cả nhà hàng - bè nổi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa không đủ các quy chuẩn kỹ thuật để hoạt động.

Đối chiếu theo các quy định của Thông tư số 43 (có hiệu lực từ ngày 1-5-2013) của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tất cả nhà hàng - bè nổi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa không đủ các quy chuẩn kỹ thuật để hoạt động. Đặc biệt, sau sự cố chìm bè tại tỉnh Ninh Thuận, UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu các địa phương đình chỉ hoạt động của các bè nổi này. Thế nhưng, đến nay, một số bè nổi trên vịnh Nha Trang và Cam Ranh vẫn hoạt động bình thường.


 

Một bè nổi tại Đảo Bình Ba được làm cầu từ bờ ra bè
Một bè nổi tại Đảo Bình Ba được làm cầu từ bờ ra bè

 

Bè nổi không phép


Hiện nay, trên vịnh Nha Trang và Cam Ranh có hơn 40 nhà hàng - bè nổi được các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư tự phát, kinh doanh phục vụ ăn uống cho khách du lịch. Trong đó, vùng biển trước đảo Bình Ba (xã Cam Bình, TP. Cam Ranh) được biết đến như “thủ phủ” của bè nổi phục vụ ăn uống. Nhìn từ ngoài vào, bao quanh đảo là hàng chục nhà bè nằm san sát nhau với đủ kích cỡ. Nhà bè Kiều Thi hoạt động được hơn 4 năm nay. Ban đầu chỉ khoảng 90m2, nhưng do nhu cầu tăng cao nên nhà bè này đã mở rộng diện tích lên đến gần 600m2. Bà Ngô Thị Kiều Thi, chủ bè cho biết: “Nhà bè hoạt động khá ổn định, cho thu nhập cao. Khách từ các nơi về ăn uống tập trung vào những ngày cuối tuần. Những năm gần đây, chúng tôi đã đầu tư khoảng hơn 2 tỷ đồng để làm bè phục vụ du khách. Từ ngày biết tin Nhà nước cấm hoạt động, gia đình rất hoang mang nên chỉ hoạt động cầm chừng”.

 

Đảo Bình Ba có hàng chục bè nổi nằm san sát nhau
Đảo Bình Ba có hàng chục bè nổi nằm san sát nhau

 

Sát cạnh nhà bè Kiều Thi là nhà bè Rang Bình Ba. Nơi này được hoán cải từ bè nuôi tôm hùm để phục vụ du khách. Theo ông Võ Thành Quang, chủ bè Rang Bình Ba, bè của gia đình có diện tích hơn 150m2, vừa được hoán cải vào năm 2015 số tiền hơn 200 triệu đồng. “Làm chưa được bao lâu thì chúng tôi nhận được thông báo dừng hoạt động. Tôi đảm bảo bè của gia đình có kết cấu chắc, đảm bảo an toàn. Tôi còn có ca nô, thuyền nhỏ để phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn”, ông Quang nói.


Ông Nguyễn Ân - Chủ tịch UBND xã Cam Bình cho biết: “Toàn xã hiện có 28 bè, trong đó đảo Bình Ba có 20 bè, đảo Bình Hưng 8 bè. Các bè này có diện tích từ 150m2 đến 250m2, sức chứa lớn nhất của các bè khoảng hơn 100 khách. Bè chỉ nằm cách bờ khoảng 20 - 100m nên khá an toàn. Người dân tự phát làm bè chứ địa phương không có chủ trương phát triển loại hình này”. Cũng theo ông Ân, khoảng một tháng nay, địa phương thông báo dừng hoạt động các bè này. Tuy nhiên, do nhu cầu khách vẫn còn nên các bè vẫn hoạt động cầm chừng, nhưng doanh thu giảm từ 30 đến 40% so với trước.

 

Người dân cho rằng bè nổi ở Bình Ba làm khá chắc chắn, an toàn
Người dân cho rằng bè nổi ở Bình Ba làm khá chắc chắn, an toàn


Hiện nay, trên vịnh Nha Trang có 14 bè nổi, hầu hết được hoán cải từ bè nuôi trồng thủy sản sang làm du lịch. Quan sát của chúng tôi, các bè này đều có dụng cụ cứu sinh như phao, ca nô nhưng khá sơ sài. Hầu hết các bè có hệ thống vệ sinh thải trực tiếp ra biển, chỉ có một số ít là làm nhà vệ sinh trên bờ. Tuy có lệnh cấm nhưng các bè này vẫn đang hoạt động bình thường. Các chủ bè cho biết sau sự cố chìm bè tại tỉnh Ninh Thuận, các tour du lịch ít đưa khách đến ăn uống hơn trước.


Yêu cầu tháo dỡ


Trao đổi với Báo Khánh Hòa, ông Nguyễn Văn Dần - Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, các bè nổi đang hoạt động trên địa bàn tỉnh có kết cấu phần chìm bằng thùng phuy nhựa, chỉ được liên kết bằng biện pháp thủ công; phần nổi gồm ván và xà gỗ được liên kết bằng các ốc vít, mái lợp tôn. Theo Luật Giao thông đường thủy nội địa, các bè này không đủ điều kiện an toàn kỹ thuật để tổ chức dịch vụ ăn uống theo loại hình nhà hàng nổi và có nguy cơ gây mất an toàn cho du khách, ô nhiễm môi trường nên không được phép hoạt động.


Ngày 10-8, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GTVT chủ trì cuộc họp với các địa phương, đơn vị liên quan đến hoạt động của bè nổi. Theo đó, các địa phương phải đình chỉ hoạt động của những bè nổi tổ chức dịch vụ ăn uống. Đồng thời, buộc tháo dỡ hoặc đưa về đúng công năng là bè nuôi trồng thủy sản (đối với các bè được hoán cải từ bè nuôi trồng thủy sản). Các địa phương cũng chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, không để phát sinh mới các bè nổi tổ chức dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí trái phép.


Liên quan đến vấn đề này, ông Huỳnh Bình Thái - phụ trách Ban quản lý vịnh Nha Trang cho biết, các bè nổi chủ yếu tập trung ở Vũng Áng và Hòn Một; bắt đầu hoạt động từ những năm 1990 đến nay và chưa xảy ra sự cố nào. Ban đã có văn bản tham mưu UBND TP. Nha Trang kiến nghị UBND tỉnh cho phép có lộ trình thực hiện cấm hoạt động từ nay đến cuối năm để người dân có thời gian chuyển đổi bè nổi theo Thông tư 43 hoặc có kế hoạch chuyển đổi công năng của các bè nổi này.


Cần có hướng dẫn cụ thể

 

Ngày 26-7, UBND tỉnh có Thông báo số 5461 yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra, thống kê, đình chỉ hoạt động và xử lý nghiêm các bè nổi phục vụ ăn uống, vui chơi giải trí đang hoạt động không phép trên địa bàn.

Trao đổi với chúng tôi, các chủ bè đều mong muốn các ngành chức năng sớm vào cuộc, kiểm tra hoạt động và có hướng dẫn cụ thể để họ có thể tiếp tục duy trì loại hình kinh doanh này. Ông Lê Diệp Bách Tùng, nhà bè Tùng Râu ở đảo Bình Ba phân trần: “Sau khi có thông báo dừng hoạt động, địa phương đã mời chúng tôi lên để viết cam kết, không đưa khách xuống bè. Chúng tôi chấp nhận dừng, không buôn bán; thế nhưng, đây là ngành nghề chính của gia đình, nếu dừng hoạt động thì chúng tôi biết làm gì? Gia đình còn đầu tư cả tỷ đồng để làm bè, nếu không cho chúng tôi tiếp tục kinh doanh thì không biết làm thế nào để gỡ vốn. Tôi mong các ngành chức năng đi kiểm tra thực tế, sau đó đưa ra quy chuẩn để người dân biết mà làm”.


Theo tìm hiểu, hầu hết các bè nổi hoạt động lâu nay là tự phát. Không chỉ vậy, người làm bè cũng không có những quy định rõ ràng về chuẩn của bè, không ai hướng dẫn họ thực hiện. “Khi làm bè, tôi đã đi xin giấy phép hoạt động, thế nhưng cơ quan chức năng chỉ cấp cho chúng tôi giấy phép kinh doanh dịch vụ ăn uống”, một chủ bè nổi cho biết.

 

Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh: Rút kinh nghiệm từ vụ chìm bè ở Ninh Thuận, cơ quan nhà nước phải có hướng dẫn cách thức làm bè nổi như thế nào để đảm bảo an toàn. Tôi đề xuất cho Cam Ranh phối hợp cùng các sở, ngành nghiên cứu quy hoạch một vùng kinh doanh bè nổi, làm cầu ra bè... Bè làm theo quy chuẩn ban hành, quy định 1m2 thì được bao nhiêu người.

Ông Nguyễn Văn Dần cho rằng, việc kinh doanh phát triển kinh tế của người dân là nhu cầu chính đáng, cần khuyến khích. Tuy nhiên, do người dân làm tự phát, các bè không đủ điều kiện nên phải dừng hoạt động để đảm bảo an toàn, tránh sự việc đáng tiếc như vụ bè nổi ở Ninh Thuận. “Nếu bà con muốn kinh doanh loại hình này thì liên hệ Chi cục Đăng kiểm số 5 hoặc Sở GTVT để được hướng dẫn đầu tư, đóng mới nhà hàng nổi theo đúng các quy định về yêu cầu kỹ thuật để đủ điều kiện hoạt động”, ông Dần lưu ý.


Ông Võ Duy Quý - Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 5 cho biết: “Cần phải phân biệt rõ ràng giữa khái niệm bè nổi và nhà hàng nổi. Các nhà bè trên địa bàn tỉnh là bè nổi, không đủ các quy chuẩn kỹ thuật để hoạt động. Nhà hàng nổi phải được đóng mới phù hợp với quy chuẩn quốc gia về Quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa của Bộ GTVT. Từ năm 2012, Bộ GTVT đã có Thông tư số 43 quy định các yêu cầu kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi. Đối chiếu với thông tư này thì các bè nổi ở Khánh Hòa không đủ yêu cầu và phải dừng hoạt động. Quy định này có hiệu lực từ ngày 1-5-2013 nhưng không hiểu sao đến nay các bè này vẫn còn hoạt động”.



MẠNH HÙNG - VĂN KỲ