08:07, 05/07/2016

Kỳ 2: Lỗ hổng trong công tác quản lý

Những người nước ngoài đến Nha Trang định cư và kiếm sống hiện nay tìm nhà thuê và phòng trọ khá dễ dàng. Điều này đã phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, nhất là khi công tác quản lý chưa chặt chẽ…
 

Những người nước ngoài đến Nha Trang định cư và kiếm sống hiện nay tìm nhà thuê và phòng trọ khá dễ dàng. Điều này đã phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, nhất là khi công tác quản lý chưa chặt chẽ…
 
Một cửa hàng bán đồ trang sức được người nước ngoài thuê lại trên đường Hùng Vương.
Một cửa hàng bán đồ trang sức được người nước ngoài thuê lại trên đường Hùng Vương.
 
Dễ dàng thuê nhà trọ
 
Trong cuộc họp mới đây với các sở, ngành, địa phương về một số vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực du lịch, ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã chỉ đạo: Ngành Công an cần xem xét lại quy trình, thủ tục đăng ký lưu trú tại các nhà dân cho người nước ngoài thuê. Cần phối hợp với các đoàn liên ngành để đi kiểm tra các cơ sở có kinh doanh cho người nước ngoài thuê trọ. Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh theo dõi chặt chẽ những người nước ngoài thường xuyên làm thủ tục xuất, nhập cảnh vào Khánh Hòa. Từ đó, phối hợp với Sở Du lịch, các địa phương, các ngành trong việc quản lý các hoạt động của những đối tượng này. TP. Nha Trang cần tổ chức kiểm tra việc đăng ký tạm trú, tạm vắng của người nước ngoài nói chung và người nước ngoài thuê nhà ở, phòng trọ nói riêng trên địa bàn thành phố. 
 
Hẳn nhiều người còn nhớ vụ án 2 người Ucraina tử vong trong căn nhà họ thuê trên đường Hùng Vương cách đây 1 tháng. Hai người này là chủ một tiệm chăm sóc sắc đẹp ở phường Tân Lập. Nhiều người dân xung quanh cho biết, có rất nhiều người nước ngoài đến đây tụ tập vào đêm khuya, thỉnh thoảng xảy ra cãi vã ầm ĩ. Trước khi xảy ra vụ án, người ta thấy cửa đóng im ỉm, vài hôm sau thì bốc lên mùi tử khí. Vụ án đến nay vẫn đang trong quá trình điều tra. 
 
Nhắc lại vụ việc này để thấy, tình trạng lao động người nước ngoài đến Nha Trang thuê phòng trọ, nhà ở diễn ra phổ biến, tuy nhiên ẩn sau đó là những vấn đề phức tạp, liên quan đến chuyện quản lý tạm trú tạm vắng và an ninh trật tự. Đa số chủ nhà giao hẳn nhà cho người thuê, ít quan tâm đến người thuê làm gì, có các mối quan hệ bên ngoài như thế nào.
 
Trong vai nhân viên của công ty lữ hành chuẩn bị đưa một số người nước ngoài sang Nha Trang làm việc, chúng tôi đã tiếp cận những hộ có nhà, phòng trọ cho người nước ngoài thuê. Tại nhà ông Quý (đường Dã Tượng, phường Vĩnh Nguyên) hiện có 5 phòng cho người nước ngoài thuê trọ, được trang bị đầy đủ tiện nghi, với giá cho thuê là 7 triệu đồng/tháng. Khi chúng tôi đặt vấn đề, những người nước ngoài sang đây đi du lịch rồi ở lại làm việc “chui” liệu có thuê nhà được không? Ông Quý trả lời chắc nịch: “Họ cứ thuê vô tư, thích ở bao lâu cũng được. Tôi chẳng quan tâm họ làm nghề gì. Khi đến thuê, chỉ cần photo hộ chiếu đưa cho tôi là được, không cần làm hợp đồng. Nếu phường có đến kiểm tra cứ trả lời là mới đến thuê và chỉ ở một vài ngày. Còn mọi chuyện để gia đình tôi lo. Nhà tôi đã từng cho rất nhiều người nước ngoài thuê gần 10 năm nay, nhưng chưa thấy chính quyền địa phương, cơ quan chức năng đến kiểm tra lần nào cả”. Còn gia đình bà Nga (phường Lộc Thọ) hiện có 4 phòng trọ cho người nước ngoài thuê. Theo bà Nga, người nước ngoài thường thuê với giá cao hơn người Việt. Một phòng trọ với diện tích gần 30m2, có gác lửng, cho người nước ngoài thuê với giá 3 triệu đồng/tháng. “Chúng tôi không cần biết họ làm gì, ở nước nào, miễn đến tháng thanh toán đầy đủ chi phí thuê nhà, tiền điện, nước là được”, bà Nga nói. Cách khu trọ của bà Nga không xa, nhà ông Tú cũng dành nguyên một căn nhà 2 tầng, đầy đủ tiện nghi để cho 2 người nước ngoài thuê được hơn 1 năm nay. “Nhà tôi sát bên cạnh, nhưng cũng không biết 2 người nước ngoài này làm gì. Họ sinh hoạt khá bí ẩn, hầu như ngày nào cũng khóa cửa ở trong nhà từ sáng đến tối. Chỉ đến giờ ăn cơm họ mới ra ngoài mua đồ ăn rồi lại về ở trong nhà”, một người dân sống gần căn nhà ông Tú cho thuê nói. 
 
Khó kiểm soát
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn TP. Nha Trang có rất nhiều khu dân cư người dân cho người nước ngoài thuê nhà ở. Theo quy định, thủ tục đăng ký cho người nước ngoài thuê nhà ở phải có đầy đủ bản sao hộ chiếu, thị thực, hợp đồng thuê nhà có công chứng, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhà ở, phòng trọ. Nhưng thực tế, người dân không mấy khi thực hiện đúng quy định, họ cũng không quan tâm nhiều đến nhân thân người thuê nhà như thế nào. 
 
Thực tế, thời gian qua đã có không ít đối tượng tội phạm lợi dụng kẽ hở này để thực hiện hành vi phạm pháp. Chẳng hạn như vào tháng 11-2015, lực lượng Công an tỉnh đã lật tẩy thủ đoạn trộm tiền tại các trụ ATM của 3 đối tượng người Nga gồm: Kotets Viacheslav, Bondarenko Yury và Troian Aleksei. Các đối tượng này đến Nha Trang thuê nhà ở của người dân tại phường Lộc Thọ. Sau đó chúng sử dụng các chiêu thức để rút hơn 133 triệu đồng từ các trụ ATM của Ngân hàng BIDV Chi nhánh Khánh Hòa. Thực tế cũng đã xảy ra nhiều vụ việc người lao động nước ngoài mâu thuẫn trong chuyện làm ăn dẫn đến ẩu đả, gây mất an ninh trật tự. Qua đó cho thấy, công tác quản lý cư trú của người nước ngoài ở Nha Trang đang có nhiều vấn đề bất cập. 
 
Theo bà Trần Thị Kim - Chủ tịch UBND phường Lộc Thọ, hiện nay, có rất nhiều người nước ngoài đến cư trú, làm việc trên địa bàn phường. Nắm bắt được tình hình này, phường đã kịp thời yêu cầu lực lượng công an, cán bộ tổ dân phố tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động cho thuê nhà ở, phòng trọ và việc đi lại của người nước ngoài. Tuy nhiên, do nhiều vấn đề phát sinh nên công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là sự bất đồng về ngôn ngữ, trong khi phường không có cán bộ giỏi về ngoại ngữ. Còn Đại tá Trần Sửu - Trưởng Công an phường Vĩnh Nguyên cho biết, trên địa bàn phường có 22 hộ đăng ký kinh doanh cho người nước ngoài thuê nhà, nhưng hiện tại chỉ có 18 hộ vẫn kinh doanh. Còn đối với loại hình phòng trọ thì phường chưa phát hiện ra trường hợp nào cho người nước ngoài thuê? Người nước ngoài thuê nhà ở chủ yếu mang quốc tịch Nga và một số nước châu Âu khác, hầu như chưa có người Trung Quốc. Trong năm 2015, không phát hiện trường hợp nào vi phạm liên quan đến việc cho người nước ngoài thuê nhà. Còn trong 6 tháng đầu năm, phát hiện 2 trường hợp vi phạm và đã chuyển hồ sơ cho Công an TP. Nha Trang xử lý. “Trong công tác quản lý người nước ngoài thuê nhà ở, khó khăn nhất đối với chúng tôi vẫn là trình độ ngoại ngữ còn hạn chế. Khi giải quyết các vụ việc liên quan đến người nước ngoài vi phạm, chúng tôi thường phải nhờ Sở Ngoại vụ cử người phiên dịch, nhưng cũng thường không có người để phối hợp giải quyết”, Đại tá Trần Sửu nói.  
 
Tăng cường quản lý
 
Trong một cuộc họp với lãnh đạo tỉnh gần đây, Đại tá Trần Nhân Nghĩa - Trưởng phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh cho biết: “Lưu trú, lữ hành và bán hàng là 3 lĩnh vực phức tạp nhất hiện nay liên quan đến yếu tố người nước ngoài. Hầu hết người nước ngoài vào Nha Trang đều lao động “chui”, bán hàng “chui”. Họ lưu trú cũng “chui” nên tạo khó khăn cho công tác quản lý”. Cũng theo Đại tá Nghĩa, để giải quyết được tình trạng người nước ngoài thoải mái thuê nhà ở như hiện nay, công tác cấp thị thực cần chặt chẽ hơn. Bên cạnh đó, cấp chính quyền cơ sở phải biết, nắm rõ để kiểm tra, quản lý. Mặt khác, cần tăng cường quản lý thuế trong việc đăng ký kinh doanh, dịch vụ cho thuê nhà ở, phòng trọ. Có như vậy, việc quản lý lao động người nước ngoài được kiểm soát, quản lý chặt hơn.

 

Khu trọ của gia đình bà Nga cho người nước ngoài thuê ở.
Khu trọ của gia đình bà Nga cho người nước ngoài thuê ở.
 
Còn theo Đại tá Phạm Văn Dũng - Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, hiện nay, có rất nhiều văn bản quy định trong việc quản lý lao động người nước ngoài, nhưng ngành chức năng chỉ tập trung vào vấn đề hướng dẫn các thủ tục, quyền hạn, trách nhiệm của các công ty sử dụng người lao động nước ngoài. Thực tế, qua kiểm tra, lực lượng công an đã phát hiện rất nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động người nước ngoài trái phép, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch. Đối với những trường hợp này, công an thường hướng dẫn cho doanh nghiệp làm các thủ tục bảo lãnh và xin cấp thị thực cho đúng mục đích. 
 
Từ góc độ quản lý địa bàn, bà Trần Thị Kim cho rằng: “Để siết chặt công tác quản lý người nước ngoài, theo tôi, tỉnh, thành phố cần quy hoạch khu vực dành riêng cho người nước ngoài thuê nhà ở, phòng trọ. Đồng thời, tăng cường hoạt động kiểm tra đột xuất những doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn có thuê người nước ngoài làm việc nhằm ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp bao che cho người nước ngoài làm việc “chui””.
 

Theo lãnh đạo Công an phường Lộc Thọ, TP. Nha Trang, hiện nay trên địa bàn phường có hơn 50 hộ đang cho người nước ngoài thuê nhà và phòng trọ. Từ năm 2011 đến nay, lực lượng công an phường đã lập hồ sơ xử phạt hành chính 15 trường hợp người nước ngoài về các hành vi: gây rối trật tự công cộng, đánh nhau, trộm cắp tài sản, chiếm giữ trái phép tài sản. Tổng số tiền xử phạt hơn 8 triệu đồng. Những khó khăn trong công tác quản lý người nước ngoài cư trú trên địa bàn phường gặp phải như: lượng khách Trung Quốc và Nga tăng đột biến nhưng lại thiếu sự hỗ trợ từ các ngành chức năng, nhất là việc bất đồng ngôn ngữ. Ngoài ra, nhiều hộ gia đình cho người nước ngoài thuê ở chung nhưng không khai báo; một số chủ nhà cho người ngoài thuê nhưng lại không sinh sống trên địa bàn phường và cũng không đăng ký, khai báo nên khi lực lượng công an phường tới kiểm tra thì họ không hợp tác… 


 
Nhóm Phóng viên