11:07, 12/07/2016

Khúc tráng ca từ những bàn tay bình dị

Tượng đài "Những người nằm lại phía chân trời" tại khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) giờ đã sắp hoàn thành.

Tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” tại khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) giờ đã sắp hoàn thành. Nhưng ít ai biết rằng, tác phẩm nghệ thuật như khúc tráng ca về người chiến sĩ Gạc Ma lại được làm nên từ bàn tay của những nghệ nhân bình dị...

 

Công trình sắp hoàn thành
Công trình sắp hoàn thành


Tạc vào đá thiêng


Bán đảo Cam Ranh mùa này nắng như đổ lửa. Giữa đại công trường khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, không khí lao động vẫn gấp gáp, hối hả. Mặc cho hơi nóng từ đồi cát phà lên hầm hập, những nghệ nhân tạc tượng cứ miệt mài lao động. Tiếng máy cắt xả vào những khối đá vang lên khô khốc, những nhịp đục vẫn canh cách rộn rã. Tất cả thanh âm hòa vào nhau tạo nên một khí thế hăng say. Vừa làm, nghệ nhân Vũ Văn Toản vừa trò chuyện: “Bây giờ mọi thứ còn thô kệch, nhưng chỉ một tuần nữa thôi, sau khi mọi công đoạn hoàn tất, từ những khối đá nguyên thô ngày nào, những chân dung chiến sĩ Gạc Ma sẽ được khắc họa rõ nét”.

 

Tuy thời tiết khắc nghiệt nhưng những nghệ nhân vẫn miệt mài làm việc
Tuy thời tiết khắc nghiệt nhưng những nghệ nhân vẫn miệt mài làm việc


Miệng nói tay làm, những đường chạm của anh Toản lướt nhanh trên từng thớ đá. Đôi bàn tay chai sần của nghệ nhân chuyển động theo từng nhịp búa, vừa rắn chắc, uyển chuyển đầy ấn tượng. “Tượng đài này với hình tượng 9 chiến sĩ Hải quân dựa sát vào nhau, giương cao lá cờ Tổ quốc tạo nên một vòng tròn bất tử, khẳng định chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm. Nó càng ý nghĩa hơn khi chất liệu để tạc tượng chính là đá granite của Khánh Hòa. Bằng tất cả tâm huyết của mình, những nghệ nhân chúng tôi thổi vào đó sự linh thiêng của những người con bất tử nằm lại phía biển xanh”, nghệ nhân Đỗ Đình Hanh tâm sự.

 

Tâm huyết của nghệ nhân dồn vào từng nhát đục
Tâm huyết của nghệ nhân dồn vào từng nhát đục


Qua đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, giờ đây hình tượng người chiến sĩ Hải quân Việt Nam anh dũng hy sinh cho biển đảo thiêng liêng nhưng tay vẫn giữ vững lá cờ Tổ quốc đã được khắc họa. Từng khuôn mặt, từng ánh mắt đều toát lên một tinh thần bất diệt, khí chất của những con người sẵn sàng ngã xuống vì nghĩa lớn. Tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” còn gợi nhớ đến những đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải ra đi từ Lý Sơn từ mấy trăm năm trước. Cũng như bậc tiền nhân thuở nào, 64 liệt sĩ Gạc Ma cho đến nay không mấy ai trọn vẹn được hình hài để về với lòng đất mẹ. Thân xác các anh đã nằm lại giữa biển xanh. Hồn cốt các anh hóa vào những con sóng bạc đầu mãi miết vỗ về đất liền đầy linh thiêng.    

 
Những con người của tượng đài


Trong lúc giải lao, qua câu chuyện mới biết các anh đều là nghệ nhân trưởng thành từ làng đá nổi tiếng Ninh Vân (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình). Để thực hiện tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời”, từ tháng 12-2015, 20 nghệ nhân ưu tú của làng đá Ninh Vân đã vào Khánh Hòa đặt nhát đục đầu tiên. Có một điều lạ, dù sản phẩm mà các anh làm ra đều thấm đẫm chất nghệ thuật nhưng họ chưa từng qua bất cứ trường lớp mỹ thuật nào. Mỗi nhát đục, mỗi đường ve đều là sự kết tinh của cha ông truyền lại. Lau nhanh những giọt mồ hôi nhễ nhại trên gương mặt bám đầy bột đá, nghệ nhân Vũ Văn Toản tự hào nói: “Dù không được đào tạo qua trường lớp, nhưng máu nghệ thuật đã có sẵn trong huyết quản những người con làng đá Ninh Vân. Lớn lên chưa biết con chữ đã biết cầm búa, cầm đục. Trong tâm thức của mỗi đứa trẻ làng đá, tuổi thơ chỉ vẻn vẹn có đá, đá và đá. Tôi năm nay 41 tuổi nhưng đã có trên 20 năm gắn bó với nghề. Không những thế, gần 20 năm nay tôi đã đi khắp trong nam, ngoài bắc để làm tượng đài”.

 

Điêu khắc tác phẩm đá hết sức vất vả
Điêu khắc tác phẩm đá hết sức vất vả


Trong số 20 nghệ nhân thi công này, người nhiều nhất mới 47 tuổi, còn trẻ nhất cũng độ ngoài 20. Tất cả các anh đã từng thi công rất nhiều tượng đài ý nghĩa về mặt lịch sử, như: tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở các tỉnh, tượng đài cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (Đồng Tháp), tượng đài Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn… Trong đó, ý nghĩa nhất phải kể đến lần đặt chân ra đảo Song Tử Tây để thi công tượng đài Trần Hưng Đạo. Chàng trai trẻ Tạ Minh Đức (22 tuổi) bồi hồi nhớ lại: “Dù chỉ 2 tháng, nhưng với em đó là một kỷ niệm không thể nào quên. Lần đầu tiên được ra Song Tử Tây nơi đảo thiêng của Tổ quốc, từ xa, đứng trên boong tàu nhìn hình ảnh cờ Tổ quốc tung bay trong nắng gió Trường Sa, trong em bỗng dâng lên một cảm xúc thật khó tả. Dường như lúc đó, tình yêu đất nước cứ cuộn chảy. Rồi những ngày được sống cùng quân, dân trên đảo mới thấm thía những hy sinh thầm lặng của người lính nơi tuyến đầu của Tổ quốc. Chính những trải nghiệm đó đã giúp cho em thấy ý nghĩa tươi đẹp hơn về cuộc sống. Hy vọng, mỗi tác phẩm nghệ thuật mà tập thể nghệ nhân làng đá Ninh Vân làm ra, cũng sẽ góp một phần vào những giá trị văn hóa, lịch sử và tâm linh cho cuộc đời”.     


Có một Gạc Ma ở trong tim


Những nghệ nhân của làng đá Ninh Vân tâm sự, những ngày làm tượng đài ở Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đem lại cho các anh những cảm xúc khó tả. Những ngày đầu vào nhận công việc hầu như không ai ngủ được. Hình tượng về các chiến sĩ Hải quân qua bản mẫu chập chờn ẩn hiện. Có những ngày biển dậy sóng, các nghệ nhân lại đứng giữa khu tưởng niệm Gạc Ma nhìn về phía biển, như để cố lắng nghe tiếng đồng vọng của lịch sử, để cảm nhận sâu sắc nhất thời khắc thiêng liêng, quật cường của trận chiến bảo vệ Gạc Ma năm nào. Đã 7 tháng ăn sương, nằm gió, sống cùng tác phẩm nghệ thuật, nay tượng đài đã bước vào giai đoạn hoàn thiện, những nghệ nhân lại có thêm cho mình một tượng đài - tượng đài Gạc Ma ở trong tim. Nghệ nhân Đinh Văn Hòa chia sẻ: “Tôi đã tạc hàng trăm bức tượng ở nhiều nơi trên cả nước nhưng chưa bao giờ tôi có cảm xúc thiêng liêng, thành kính khi được tạc tượng những chiến sĩ đã anh dũng, bất khuất bảo vệ chủ quyền Tổ quốc như thế này. Tôi không nghĩ đây là công việc bình thường, chúng tôi đã gửi hết tình cảm, niềm kính phục, lòng biết ơn sâu sắc vào những bức tượng qua từng nét chạm trổ. Các chiến sĩ Gạc Ma đã ngã xuống song họ mãi bất diệt trong lòng dân tộc”.

 

Ông Bùi Văn Cường - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Các đơn vị liên quan phải nỗ lực làm sao để khi người dân, du khách tới đây luôn thấy được cái hồn của một công trình nghệ thuật và truyền cảm hứng đến hậu thế. Bởi, công trình không chỉ là nơi giáo dục ý nghĩa truyền thống mà còn là nơi có ý nghĩa tâm linh, nhắc nhở con cháu đời sau không quên sự hi sinh của các chiến sĩ tại Gạc Ma.

Nhà điêu khắc Lâm Quang Nới cùng với vợ là kiến trúc sư Lý Thị Liễu sau nhiều tháng ngày dành hết tâm sức cho tác phẩm “Những người nằm lại phía chân trời” của mình bồi hồi: “Khu tưởng niệm Gạc Ma nhằm tri ân, tôn vinh 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam đã hy sinh ngày 14-3-1988, góp phần giáo dục bồi đắp lòng yêu nước, ý chí bất khuất, quật cường cho các thế hệ sau. Trong đó, phần tượng đài chính là trái tim của công trình. Dù điều kiện thi công ở đây vô cùng khắc nghiệt, chất liệu đá rất cứng, song các nghệ nhân ở Ninh Bình đã tận lực, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tác phẩm. Giờ đây, công trình đã bước vào giai đoạn hoàn thiện, sự thành công ấy có sự đóng góp rất lớn của những nghệ nhân làng đá Ninh Vân. Khu tưởng niệm này cũng là nguyện vọng của người thân các anh hùng liệt sĩ hy sinh ở đảo Gạc Ma cũng như của nhân dân cả nước, đồng thời góp thêm một công trình văn hóa, điểm tham quan giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau”.


Không phải lần đầu tiên chúng ta dựng tượng đài tưởng niệm cho những người lính đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc. Nhưng rõ ràng, tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” đã chạm một nỗi niềm thẳm sâu trong tâm thức lịch sử. Đáng trân trọng hơn, Khúc tráng ca Gạc Ma lại được tái hiện từ những đôi bàn tay bình dị, những người con đất Việt chất phác.


Đình Lâm