09:07, 10/07/2016

Kỳ 2: Đằng sau khu dân cư tự phát

Giờ đây, cả một thung lũng rộng lớn và nhiều triền đồi của dãy núi Hòn Rớ (Nha Trang) đã thành khu dân cư tự phát với rất nhiều căn nhà dựng trên đất rừng. Điều đó đã kéo theo những hệ quả về xã hội không mong đợi…

Giờ đây, cả một thung lũng rộng lớn và nhiều triền đồi của dãy núi Hòn Rớ (Nha Trang) đã thành khu dân cư tự phát với rất nhiều căn nhà dựng trên đất rừng. Điều đó đã kéo theo những hệ quả về xã hội không mong đợi…

 

Một căn nhà xây dựng kiên cố gần đỉnh đồi
Một căn nhà xây dựng kiên cố gần đỉnh đồi

 
Thoải mái xây nhà…


Trở lại núi Hòn Rớ sau lần vào vai người tìm mua đất, chúng tôi ngạc nhiên trước “tiến độ” xây dựng trái phép nơi đây. Chỉ hơn chục ngày, 150m2 trong khuôn đất hơn 400m2 của bà Lê Thị Vân lần trước nói bán cho chúng tôi, nay đã sang tay chủ mới và trên đó đã tọa lạc căn nhà xây kiên cố rộng 70m2 đang bước sang giai đoạn hoàn thiện. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, chủ căn nhà này là ông Vinh, người Cam Ranh, tạm trú ở thôn Thành Phát, xã Phước Đồng. “Tôi mua 2 lô đất liền kề này với giá 150 triệu đồng. Lúc đầu, tôi cũng sợ xây nhà sẽ bị cưỡng chế vì đây là đất rừng, nhưng nhờ được ông anh đứng ra “giúp” nên từ khi khởi công đến nay không bị ai kiểm tra”, ông Vinh nói. Gần trên đỉnh đồi phía đối diện, trên lô đất trước đó ông Hải nói bán cho chúng tôi, nay cũng xuất hiện một căn nhà xây kiên cố đang chuẩn bị lợp mái. Người thợ xây cho biết: “Chủ nhà rất ít khi lên đây. Khi mới khởi công, ông ấy dặn, nếu xã đến kiểm tra thì gọi cho ổng chứ không được ký vào bất cứ biên bản giấy tờ gì. Nhưng đến nay, nhà làm gần xong mà không có ai đến kiểm tra”.

 

Một góc khu dân cư tự phát Xóm Núi
Một góc khu dân cư tự phát Xóm Núi


Ngoài những căn nhà đang được xây dựng ngang nhiên trên sườn đồi, len lỏi qua những con hẻm trong khu dân cư tự phát nằm ở thung lũng, chúng tôi còn bắt gặp nhiều căn nhà khác đang được xây dựng.  


Theo những chủ đất, cò đất và thầu xây dựng chuyên nhận công trình ở khu vực núi Hòn Rớ mà chúng tôi tiếp xúc, để bán được đất, nhận thầu xây nhà nơi đây, họ đều đứng ra chịu trách nhiệm cho người mua đất xây nhà được êm xuôi. Qua giới thiệu của một cò đất, chúng tôi tìm gặp ông Bình - thầu xây dựng được xem là có “uy tín” nhất vùng này. “Các anh cứ yên tâm. Trước đây, để xây dựng 1 căn nhà ở đây, chủ công trình phải lo trên chục triệu đồng. Bây giờ người ta xây dựng nhiều rồi nên giảm còn 3 đến 5 triệu đồng. Cứ đưa tiền là tôi lo xong hết”, ông Bình nói chắc nịch. Thấy chúng tôi chưa yên tâm, ông Bình khoe: “90% nhà trên xóm núi này do tôi nhận thầu xây dựng và bảo đảm không bị cưỡng chế. Thực tế cũng có không ít vụ, dù tôi đã “rào các cửa”, nhưng vì người dân gọi điện báo nên xã đến lập biên bản và yêu cầu tự tháo dỡ công trình. Chúng tôi cũng làm chút cho có lệ rồi sau đó lại xây tiếp”.


Những hệ lụy…


Theo ước tính của người dân, tại Xóm Núi (tên người dân tự đặt cho khu dân cư tự phát nói trên), hiện nay, đã có trên dưới 300 hộ, với hàng nghìn nhân khẩu sinh sống. Tuy vậy, do được hình thành tự phát nên đường sá đi lại rất khó khăn; nước, rác thải sinh hoạt mạnh ai nấy xả nên khá nhếch nhác và có nguy cơ ô nhiễm môi trường. Bà Đỗ Thị Bốn cho biết: “Gia đình tôi quê ở Bình Định, vào Nha Trang mưu sinh từ năm 2010. Năm 2013, tôi mua mảnh đất này rồi làm nhà ở. Vì nghèo nên mới lên đây ở nhưng ở đây lại càng nghèo thêm vì chi phí điện, nước sinh hoạt hàng tháng hơn 1,5 triệu đồng. Không chỉ vậy, vào mùa mưa bão, tôi luôn thấp thỏm lo sợ gió tốc nhà, sạt lở đất”. Còn bà Phạm Thị Liễn thì tỏ ra hối tiếc: “Trước đây, gia đình tôi được cấp đất tái định cư tại Khu tái định cư Hòn Rớ. Nhưng nhà tôi đã bán lô đất đó, rồi lên đây mua đất rẻ để ở. Tiền bán đất đã xài hết từ lâu, trong khi hiện tại cuộc sống ở đây rất khó khăn. Riêng chi phí tiền điện, nước hàng tháng cũng đã khiến tôi đau đầu”.

 

Căn nhà ông Vinh xây dựng trên đất mua của bà Cúc
Căn nhà ông Vinh xây dựng trên đất mua của bà Cúc

 

Ông Nguyễn Duy Tuân - Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Nha Trang cho biết, khu Xóm Núi ở thôn Thành Phát, xã Phước Đồng thuộc đất rừng. Đa số người dân ở đây đã được cấp đất tái định cư nhưng lại bán đi lên đây mua bán đất, sang nhượng và xây nhà trái phép. Năm 2008, chúng tôi đã yêu cầu xã Phước Đồng kiểm kê hiện trạng khu vực này có hơn 200 hộ để quản lý không cho phát sinh thêm. Tuy nhiên, từ đó đến nay, tình trạng mua bán, sang nhượng và xây nhà trái phép vẫn diễn ra. Đồng thời, phòng đã kiểm tra, xử lý, cưỡng chế tháo dỡ 24 trường hợp vi phạm. Trước thực trạng này, chúng tôi đang lập kế hoạch kiểm kê lại hiện trạng để tham mưu cho UBND thành phố đưa ra hướng xử lý. Tất cả với quyết tâm xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm của người dân ở đây.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở khu dân cư trên núi Hòn Rớ có khoảng 80 hộ vốn trước đây đã được cấp đất tái định cư tại Khu tái định cư Hòn Rớ; nhưng sau đó họ đã bán đất được cấp để lên núi mua đất rừng làm nhà ở. Bên cạnh đó, hầu hết các hộ nơi đây đều thuộc diện khó khăn nên mới đến sinh sống nơi này. Nhiều người dân cho biết, do xây nhà trái phép, nên họ không được cấp giấy chứng nhận nhà ở hợp pháp để làm thủ tục mắc điện, nước. Hiện tại, họ phải dùng điện, nước “ké” của một số hộ ở phía dưới chân núi với giá cao (5.000 đồng/kW điện, 20.000 đồng/m3 nước). Vậy nhưng, do độ dốc quá lớn, nước không thể dẫn lên, nên những hộ phía trên đồi cao phải dùng máy bơm mới có nước để dùng. Điều này khiến họ phải gánh thêm chi phí tiền điện không nhỏ trong vấn đề nước sinh hoạt. Ngoài chi phí điện, nước giá cao, các cư dân Xóm Núi còn rất vất vả khi lo giấy tờ, hộ khẩu để con em được đi học. Bà Huỳnh Thị Lắm cho biết: “Chúng tôi phải nhập hộ khẩu vào nhà của bà con ở trong các xã, phường của TP. Nha Trang thì con cái mới được làm giấy khai sinh, giấy tờ để đi học”.


Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cũng gặp không ít khó khăn trong công tác quản lý cũng như giải quyết những hệ lụy phát sinh của khu dân cư tự phát này. Theo ông Nguyễn Văn Hưởng - Chủ tịch UBND xã Phước Đồng, hướng xử lý khu dân cư tự phát nói trên là vấn đề nan giải của địa phương trong nhiều năm qua. Bởi đó là khu vực thung lũng, 3 phía là núi dốc, không đủ điều kiện để quy hoạch khu dân cư; trong khi việc cưỡng chế giải tỏa để trả lại hiện trạng đất lâm nghiệp cũng rất khó thực hiện. Vào mùa mưa bão, địa phương rất vất vả trong việc túc trực để đảm bảo an toàn cho người dân trước nguy cơ lở đất.

 

Ở Xóm Núi, rất dễ bắt gặp hoạt động xây dựng nhà trái phép
Ở Xóm Núi, rất dễ bắt gặp hoạt động xây dựng nhà trái phép


Theo ông Hưởng, năm 2008, xã đã phối hợp với Phòng Quản lý đô thị TP. Nha Trang thống kê tổng số 200 hộ xây dựng nhà ở trái phép ở khu vực nói trên và đánh số từng nhà để dễ quản lý, tránh tình trạng phát sinh thêm. Từ đó đến nay, xã tăng cường công tác quản lý, phân công cán bộ địa chính - xây dựng bám sát địa bàn; qua đó, đã xử lý cưỡng chế 20 trường hợp và hiện không có trường hợp nào phát sinh thêm. Tuy nhiên, khi phóng viên cung cấp hình ảnh nhiều trường hợp đang xây nhà ở trái phép tại khu vực nói trên, ông Hưởng đã rất bất ngờ.


Việc quy hoạch thành khu dân cư hay giải tỏa Xóm Núi để trả lại hiện trạng đất lâm nghiệp vẫn đang là vấn đề tiến thoái lưỡng nan. Để tránh tình trạng thêm phức tạp; hoạt động bạt núi, phân lô bán nền và xây dựng trái phép tiếp tục diễn ra tại đây, cần có sự vào cuộc quyết liệt và xử lý nghiêm từ phía chính quyền, cơ quan chức năng.


Nhóm phóng viên



Kỳ 1: Vô tư bạt núi, phân lô