11:06, 06/06/2016

Kỳ 2: Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả

Đến với Trường Sa, đứng bên cột mốc chủ quyền trên các đảo, nhìn Quốc kỳ phấp phới giữa trùng khơi, tôi càng yêu hơn từng tấc đất mà ông cha để lại.

Đến với Trường Sa, đứng bên cột mốc chủ quyền trên các đảo, nhìn Quốc kỳ phấp phới giữa trùng khơi, tôi càng yêu hơn từng tấc đất mà ông cha để lại.


Có một Trường Sa hùng tráng


Trường Sa rất khắc nghiệt, giữa bốn bề đại dương xanh thẳm. Mỗi năm, nơi đây phải hứng chịu hơn 130 ngày gió mạnh từ cấp 6 trở lên; từ tháng 11 năm trước đến tháng 5 năm sau là mùa nắng, nắng gay gắt; thời gian còn lại là mùa mưa, bão…

 

Chào cờ trên đảo Trường Sa
Cán bộ, chiến sĩ Hải quân đang làm nhiệm vụ


Chỉ còn vài giờ nữa là lên đảo, giữa mênh mông sóng nước Trường Sa, tôi lại mường tượng về những ngày ông cha ta vượt sóng gió ra Hoàng Sa, Trường Sa trên những con thuyền đơn sơ. Nhìn những chiếc thuyền đánh cá của ngư dân Khánh Hòa và các tỉnh Nam Trung Bộ đang khai thác thủy sản giữa ngư trường Trường Sa, tôi lại thấy hình ảnh của những ngư đội Hoàng Sa kiêm quản đội Bắc Hải ra Hoàng Sa, Trường Sa khai thác sản vật năm xưa.


Những chiến sĩ làm nhiệm vụ trên tàu 561 nói với tôi, những con sóng cứ mãi vỗ về quanh các đảo đã tạo nên dáng hình Tổ quốc giữa Biển Đông. Tàu dừng ở Trường Sa Đông, nhìn dải cát hình chữ S nổi lên trước đảo, ngắm lá cờ Tổ quốc tung bay giữa biển trời bao la, tôi chợt nghĩ: Dáng hình đất mẹ luôn hiện hữu ở Trường Sa, trong tâm trí mỗi người lính ra đảo làm nhiệm vụ. Hình ảnh thân thương này giúp các chiến sĩ Trường Sa thêm vững chí trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền nơi hải đảo xa xôi. Tôi lại nghe các thành viên trong đoàn công tác kể cho nhau nghe câu chuyện về những ngày tháng 4-1975 lịch sử, về ngày Trường Sa được giải phóng (29-4-1975), về những anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo trong chiến dịch CQ-88. Để rồi hôm nay, có một huyện đảo Trường Sa vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió.

 

1
Chào cờ trên đảo Trường Sa


Lên thăm đảo Trường Sa Đông, ai cũng tranh thủ chụp một vài kiểu ảnh bên cột mốc chủ quyền để ghi lại kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời mình. Đứng bên cột mốc chủ quyền, chúng tôi trào dâng cảm xúc, càng yêu hơn từng tấc đất mà ông cha ta để lại. Bà Huỳnh Thị Phượng - Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh xúc động: “Đứng bên cột mốc chủ quyền ở quần đảo Trường Sa, ngắm Quốc kỳ tung bay trong nắng gió Trường Sa, ai cũng xúc động trước hình ảnh thiêng liêng ấy”.


Với mỗi thành viên trong đoàn công tác của tỉnh ra Trường Sa lần này, ai cũng xúc động bởi hiếm có lễ chào cờ nào như ở các địa phương của huyện Trường Sa. Hôm đoàn công tác dự lễ chào cờ cùng quân và dân thị trấn Trường Sa, bên hàng ngũ bộ đội hải quân là những cán bộ của UBND thị trấn Trường Sa, các nhà sư tu tập ở chùa Trường Sa, những ngư dân vừa trở về sau chuyến biển đêm, các phụ nữ thướt tha trong tà áo dài và cả những học sinh của Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa. Khi giai điệu Quốc ca hào hùng vang lên, tôi thấy mắt nhiều người ngấn lệ!


Những người con quên mình vì Tổ quốc


Trong hải trình đến với Trường Sa lần này, mỗi thành viên tàu 561 đều xúc động khi dự lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại vùng biển “Cô Lin - Len Đao - Gạc Ma”, ở quần đảo Trường Sa.

 

1
Tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ Trường Sa


Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam ghi lại đầy đủ những sự kiện đã diễn ra trong chiến dịch CQ-88 cách đây 28 năm. Đó là trận chiến đấu quyết liệt, quả cảm của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146 Trường Sa anh hùng; của các tàu HQ 505, 604, 605 (Lữ đoàn 125), Trung đoàn 83 Công binh chống lại sự tấn công trắng trợn của Trung Quốc. Trước hành động dã man của Trung Quốc, dẫu biết rằng có thể sẽ hy sinh, các anh vẫn không lùi bước, bảo vệ biển đảo quê hương đến hơi thở cuối cùng. Đó là tấm gương người anh hùng Trần Văn Phương đã chiến đấu đến khi ngã xuống, tay vẫn ôm trọn lá cờ Tổ quốc và hô vang: “Không được lùi bước, phải để máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng”. Đó là tấm gương anh hùng Vũ Huy Lễ và các đồng đội trong lúc nguy cấp đã lao thẳng con tàu HQ 505 lên đảo Cô Lin để giữ đảo. Phút chốc, con tàu hóa thành pháo đài, còn các anh là cột mốc khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa - Hoàng Sa. Lịch sử Việt Nam mãi mãi khắc ghi tên tuổi của 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã anh dũng hy sinh và mất tích khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên vùng biển Cô Lin - Len Đao - Gạc Ma vào ngày 14-3-1988. Ý chí quật cường ấy mãi mãi trường tồn cùng lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, cổ vũ nhiều thế hệ bộ đội ngày đêm cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện giỏi, xây dựng nề nếp chính quy, quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, xây dựng mỗi điểm đảo giàu về kinh tế, mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường. “Lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc ta, biển đảo luôn là một phần lãnh thổ thiêng liêng, không thể tách rời, không thể chia cắt. Bằng mồ hôi và nước mắt, bao thế hệ người Việt đã xác lập, quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên Biển Đông, trong đó có chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, giọng Đại tá Nguyễn Công Sơn - Phó Chính ủy Vùng 4 Hải quân chắc nịch.


Tôi còn nhớ những người lính trẻ ở Trường Sa đã giới thiệu với chúng tôi những điểm đảo ở quần đảo Trường Sa với cái tên thật hay: “Đảo ngọc”. Nhìn những cây phong ba, cây bàng vuông, cây bão táp… đang đâm chồi nẩy lộc lên xanh biếc, tôi hỏi cậu lính trẻ Nguyễn Tấn Huy  (thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm) đang làm nhiệm vụ tại đảo Phan Vinh: “Có phải “Đảo ngọc” bởi Trường Sa bây giờ là quần đảo xanh?” Huy bảo: “Đó cũng là một cách hiểu!”. “Vậy có cách giải thích khác sao, hay là những trái tim như ngọc sáng ngời”? Nghe tôi nói vậy, cậu lính trẻ mỉm cười. Còn tôi, chợt nghĩ, những người lính hải quân ở khắp các đảo, điểm đảo ở Trường Sa là những viên ngọc quý, được rèn giũa qua bao gian nan thử thách; thậm chí có những chàng trai ra đảo đã quên mình, máu của các anh đã hòa vào sóng nước Trường Sa, các anh mãi là những viên ngọc sáng ngời trong lòng mẹ Việt Nam!  



HẢI LĂNG

 

Kỳ 1: "Điểm tựa" giữa trùng khơi

 

Kỳ cuối: Trường Sa sâu nặng nghĩa tình