11:06, 17/06/2016

Khởi nghiệp từ đam mê

Họ là những người còn rất trẻ, khởi nghiệp với những ý tưởng rất mới nhưng đã thành công bước đầu với niềm đam mê của mình.

Họ là những người còn rất trẻ, khởi nghiệp với những ý tưởng rất mới nhưng đã thành công bước đầu với niềm đam mê của mình.

 

Chị Mai bên mô hình trồng nấm
Chị Mai bên mô hình trồng nấm

 
Nữ giảng viên mê trồng nấm


Chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Hồng Mai - giảng viên bộ môn công nghệ sinh học - Viện Sinh học Công nghệ - Môi trường (Trường Đại học Nha Trang) vào một ngày đầu tháng 6, khi chị đang cần mẫn hái nấm cùng công nhân. Chị Mai cho biết, vì phải giao hàng gấp nên chị phải xắn tay làm cùng. Nhìn căn nhà đầy ắp nấm của chị Mai hôm nay, ít ai biết những công sức vất vả của ngày mới bắt đầu.

 

Năm 2008, vì đam mê với việc trồng nấm, cũng là để thử nghiệm những gì mình giảng dạy, chị Mai đã mượn tiền của gia đình để thuê đất làm trại trồng nấm. Cứ hết giờ dạy, chị lại lên trại nấm để làm việc, tự vào bịch phôi, cấy giống nấm… Nhìn nữ giảng viên trẻ đen nhẻm như một nhà nông, không ít bạn bè chị ái ngại. “Lý thuyết thì nghe dễ, nhưng thực tế khi bắt tay vào làm lại khác xa. Vì thiếu kinh nghiệm, tôi đã dùng mùn cưa của cây bạch đàn làm bịch phôi nên cấy giống vào nấm không sống được (do cây bạch đàn nhiều tinh dầu). Sau mấy lần thử nghiệm không thành, tôi thua lỗ hết 100 triệu đồng”. Thất bại nhưng không nản chí, chị đã xin đi làm thêm ở trang trại nấm tại huyện Diên Khánh để học hỏi kinh nghiệm. Những ngày lăn lộn ở trại nấm, tham gia diễn đàn về trồng nấm trên mạng đã giúp nữ giảng viên trẻ có thêm kinh nghiệm.

 

Anh Mai Quốc Sáng hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc vườn rau hữu cơ cho một gia đình
Anh Mai Quốc Sáng hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc vườn rau hữu cơ cho một gia đình



Năm 2013, chị Mai quyết tâm làm lại từ đầu. Lần này chị Mai bị người thân ngăn cản rất nhiều. “Chồng, bố và các anh chị trong gia đình đều khuyên tôi từ bỏ giấc mơ trồng nấm, tập trung vào việc học chuyên môn phục vụ giảng dạy và chăm lo gia đình… Thậm chí bố còn đuổi người em họ của tôi về quê, để tôi không có người làm cùng”, chị Mai chia sẻ. Trời không phụ lòng người, ở lần thứ hai “khởi nghiệp”, chị đã thành công. “Đợt đầu tiên tôi đầu tư làm 4.000 bịch phôi nấm sò, nấm phát triển tốt, cho năng suất rất cao. Nhìn những tai nấm trắng xòe to mà tôi mừng đến rơi nước mắt”, chị Mai kể.

 

Trồng được nấm đã khó, chị Mai còn phải lo tìm đầu ra. Những ngày đầu, chị phải tự hái nấm mang ra chợ chào hàng với các tiểu thương, bán cho người quen. “Lúc đầu người ta cũng chưa tin tưởng lắm, nhưng một thời gian khách mua về ăn khen ngon, các tiểu thương chủ động tìm đến đặt hàng. Nhờ đó, tôi tự tin đầu tư để phát triển thêm diện tích trồng nấm lên đến 1.500m2”, chị Mai cho biết. Hiện tại, vườn nấm của chị đã cho thu hoạch trung bình mỗi ngày hơn 50kg nấm sò. Khi trồng nấm, chị Mai dùng mùn cưa, bã mía… trộn thêm cám, phân trùn quế để làm bịch phôi; nước dùng để tưới nấm là nước máy; tuyệt đối không dùng chất kích thích tăng trưởng. Nhờ đó, nấm của chị trồng được nhiều người ưa chuộng. Chị cho biết, sắp tới đây sẽ đầu tư trồng thêm nấm linh chi, nấm mèo.


Ngoài việc trồng nấm thành phẩm, cơ sở trồng nấm của chị Mai còn cung cấp bịch phôi nấm linh chi, nấm sò… cho một số người trồng nấm ở Diên Khánh, Nha Trang. Đây cũng là cơ sở để cho các sinh viên đến thực tập, tập làm quen với nghề trồng nấm. Cơ sở trồng nấm của chị Mai cũng đã xây dựng dự án trồng nấm cho Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần Khánh Hòa (xã Diên Phước, huyện Diên Khánh). Đặc biệt, chị Mai đã kết hợp với một đồng nghiệp tận dụng phế thải của phôi nấm để trồng rau sạch.


Lập nghiệp bằng rau hữu cơ


Thành công ban đầu của giảng viên trẻ Nguyễn Thị Hồng Mai đã tiếp thêm lửa đam mê lập nghiệp cho không ít sinh viên. Một trong số đó là Mai Quốc Sáng  (sinh viên năm thứ 4, Viện Công nghệ Sinh học - Môi trường, Trường Đại học Nha Trang) cùng nhóm bạn của mình khởi nghiệp với mô hình trồng rau hữu cơ.

 

Chúng tôi gặp Sáng khi anh vừa đi khảo sát việc làm mô hình rau sạch cho một gia đình ở Khu đô thị Vĩnh Điềm Trung. Nước da bánh mật, người nhỏ nhắn, trông Mai Quốc Sáng già dặn hơn tuổi 22 của mình. Hỏi chuyện về trồng rau, Sáng cho biết: “Tôi học về công nghệ sinh học nên rất muốn ra trường sẽ làm về nông nghiệp. Năm 2015, tôi tham gia chương trình tình nguyện xây dựng vườn rau hữu cơ giúp Mái ấm Anh Đào (Ninh Hòa) và Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần tỉnh. Từ đó, tôi nghĩ đến việc xây dựng các dự án vườn rau gia đình. Hiện nay, nhiều người không an tâm với việc mua rau ngoài chợ, bởi lo sợ dư lượng hóa chất sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe”.

 

Vườn rau hữu cơ đang được triển khai ở xã Vĩnh Trung, TP. Nha Trang
Vườn rau hữu cơ đang được triển khai ở xã Vĩnh Trung, TP. Nha Trang



Theo Sáng, rau hữu cơ dựa trên những nguyên tắc như: không phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu, không kích thích sinh trưởng, không giống biến đổi gien, không chất bảo quản. Với những yêu cầu đó, đòi hỏi nhóm thực nghiệm nghiêm túc, tỉ mỉ, kỹ càng. Bắt đầu thử nghiệm từ tháng 9-2015, Sáng cùng 8 người bạn đã dành dụm mỗi tuần 50.000 đồng/người để mua các loại nguyên vật liệu phục vụ nghiên cứu như: đất trồng rau, mùn cưa, thùng xốp…; đồng thời tìm tòi, học hỏi các mô hình giàn tối ưu nhất với điều kiện của từng gia đình. “Nhóm đã phải mượn sân thượng của một thầy giáo trong trường để thử nghiệm làm vườn rau hữu cơ. Sau 8 tháng miệt mài trong các điều kiện khác nhau, nhóm đã tìm ra được công thức phù hợp nhất cho các loại cây trồng với nguyên liệu để rau phát triển tốt như: đất sạch, trấu, phân vi sinh, phân bò và một số mùn hữu cơ tự tạo bằng xơ dừa”, Trần Thị Châu Loan - thành viên nhóm nói.


Nhóm của Sáng được các thầy cô trong trường nhiệt tình ủng hộ và tạo điều kiện để áp dụng thực tế. Đến nay, Sáng cùng những người bạn đã thực hiện được gần 20 vườn rau hữu cơ cho các gia đình trên địa bàn TP. Nha Trang. Chúng tôi cùng Sáng đến thăm vườn rau của một gia đình ở đường Hoàng Diệu, TP. Nha Trang được nhóm thiết kế cách đây 3 tuần. Những chậu rau xanh tốt mơn mởn đủ loại từ cà chua, rau muống, rau cải cho đến rau dền… Bắt chuyện, bà N.T.Q cho biết, mô hình trồng rau sạch của các bạn trẻ rất hữu ích và thiết thực trong thời điểm thực phẩm đang là vấn đề được cả xã hội quan tâm. “Gia đình tôi có 4 người, với 3 giàn 2 tầng đủ các loại rau sẽ cung cấp đủ cho các bữa ăn hàng ngày, chi phí lắp đặt là 4 triệu đồng. Tôi đang dự định đặt tiếp các bạn nâng cao giàn để tận dụng khoảng trống bên trên trồng thêm hoa tạo cảnh quan môi trường…”, bà Q. hồ hởi chia sẻ.


Nói về dự định trong thời gian tới, Sáng chia sẻ, tháng 7 này anh sẽ hoàn thành bảo vệ đồ án tốt nghiệp và quyết định lập nghiệp với việc thành lập cơ sở chuyên dịch vụ trồng rau sạch cho các gia đình. Hiện nay, nhóm đang nghiên cứu thêm việc dùng chế phẩm sinh học để kháng sâu bệnh hại; đồng thời sẽ cải tiến mẫu mã giàn, mở showroom giới thiệu sản phẩm nhằm thu hút khách hàng.


Thành Nam - Thành Nguyễn