11:04, 19/04/2016

Dang dở giấc mơ tỷ phú

Đã có một thời, không ít người từng kỳ vọng sẽ trở thành tỷ phú nhờ trồng dó bầu, cấy tạo trầm. Thế nhưng, đến nay giấc mơ ấy vẫn còn dang dở, nhiều người đang loay hoay mãi với chính giấc mơ của mình.

Đã có một thời, không ít người từng kỳ vọng sẽ trở thành tỷ phú nhờ trồng dó bầu, cấy tạo trầm. Thế nhưng, đến nay giấc mơ ấy vẫn còn dang dở, nhiều người đang loay hoay mãi với chính giấc mơ của mình.


Kỳ vọng nhiều…


Dẫn chúng tôi lên thăm những rẫy dó bầu trên vùng đồi Hóc Chim (xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) của nông dân Vạn Ninh, ông Nguyễn Văn Tới - Chi hội trưởng Chi hội Trầm hương Vạn Ninh kể: “Cách đây 10 năm, người ta săn lùng trầm hương ráo riết. Nhà ai trồng được dó bầu, tạo được trầm hương nhân tạo thì chẳng khác gì có được “cây vàng” ở trong nhà. Vì lẽ đó, những năm 1999 - 2005, phong trào trồng dó bầu rộ lên ở Vạn Ninh rồi lan rộng ra nhiều địa phương khác trong toàn tỉnh”.

 

Một cây Dó bầu còn sót lại trong vườn nhà ông Lê Thành Thủy
Một cây Dó bầu còn sót lại trong vườn nhà ông Lê Thành Thủy


Tại khu rẫy của gia đình ông Lê Thành Thủy ở khu vực Hóc Chim, thấy chúng tôi đảo mắt quanh vườn để tìm cây dó bầu, ông Thủy xuýt xoa: “Hết rồi, chỉ còn 2 cây ở góc vườn thôi”. Ông nói, năm 2002, thấy nhiều người truyền tai nhau chuyện sẽ đổi đời nhờ dó bầu nên vợ chồng ông quyết tâm đầu tư trồng thử 200 cây với kỳ vọng sẽ có tiền tỷ. “Kỳ vọng nhiều thì thất vọng càng lớn! Vợ chồng tôi đã đi khắp nơi để học cách chăm sóc, cách cấy tạo trầm nhưng chẳng đâu vào đâu. Gia đình tôi đã chấp nhận từ bỏ giấc mơ làm giàu từ loại cây này. Cách đây 3 năm, tôi phá hết vườn dó bầu để lấy đất trồng điều cao sản”, ông Thủy nói.  


Đưa chúng tôi đi xem những cây dó bầu đã 17 năm tuổi, ông Phan Văn Dậu (ở thị trấn Vạn Giã, chủ rẫy dó bầu ở Hóc Chim) tâm sự: “Năm 1999, thấy một số hộ  ở Vạn Ninh trồng dó, tôi cũng tìm hiểu để mua 50 cây giống về trồng. Đến năm 2002, khi Trung tâm Khuyến nông - Khuyến lâm tỉnh khuyến khích người dân trồng thử nghiệm cây dó bầu thì tôi càng kỳ vọng nhờ dó bầu sẽ đổi đời. Một lần, tình cờ đọc báo nói về một nông dân ở Tiên Phước (Quảng Nam) trồng cây dó và tạo trầm thành công, tôi khăn gói lặn lội ra tận nơi để học kinh nghiệm và tìm mua 1.000 cây giống về trồng trong rẫy nhà mình. Lúc đó, tôi chắc chắn mình sẽ tạo trầm thành công”. Nói đến đây, ông Dậu hướng ánh mắt về phía những cây dó bầu đang xen lẫn trong rẫy điều, cây lớn có, cây bé có, có cây đường kính lên đến 40 - 50cm nhưng ông vẫn chưa dám khoan cây nào để cấy tạo trầm. Bởi cây trồng đã nhiều năm, nếu cấy tạo không thành công, cây chết thì bao công sức coi như mất trắng. Cũng chính vì thế, mười mấy năm nay, ông Dậu vẫn ôm mộng làm giàu từ loại cây này nhưng vẫn còn loay hoay mãi với chính giấc mơ của mình.


… thất vọng cũng nhiều


Trong câu chuyện với những người trồng dó bầu ở Vạn Ninh và các địa phương khác trong tỉnh, nhiều người đã tỏ ra chán nản, bởi trước đây họ đặt kỳ vọng quá lớn vào dó bầu mà thực tế lại không được như mong đợi. Ông Trần Thanh Tài (ở thị trấn Vạn Giã) cho hay: “Sau hơn 10 năm trồng, chăm sóc cây dó, cách đây 4 năm, tôi quyết định khai thác toàn bộ hơn 150 cây để bán cho thương lái. Giá bán chỉ được 300 ngàn đồng/cây, trong khi số tiền trước đây tôi đầu tư đã mất hơn 20 triệu đồng”.

 

Ông Phan Văn Dậu vẫn ôm giấc mơ đổi đời từ cây dó bầu
Ông Phan Văn Dậu vẫn ôm giấc mơ đổi đời từ cây dó bầu


Không trực tiếp đầu tư trồng dó tạo trầm như ông Tài, ông Phạm Đức Toàn - Chi hội trưởng Chi hội Trầm Hương Khánh Vĩnh - Diên Khánh là một trong những hộ tiên phong làm vườn ươm cây giống dó bầu ở xã Khánh Bình (Khánh Vĩnh). Gặp chúng tôi, ông than: “Thấy phong trào trồng dó bầu rộ lên, gia đình tôi lập vườn ươm, làm cây giống để bán. Thế nhưng, cây giống tiêu thụ rất chậm, có năm làm ra hàng trăm nghìn cây giống nhưng không bán được. Đỉnh điểm vào năm 2006, gia đình tôi phải bỏ toàn bộ 600.000 cây dó bầu giống chỉ vì không có người mua”.


Hơn 10 năm trước, ông Đặng Vũ Phương ở TP. Nha Trang lặn lội đến xã Ninh Tân (thị xã Ninh Hòa) tìm mua đất để trồng dó bầu. Thế nhưng, theo ông Phương chia sẻ: “Tôi trồng gần 20ha dó bầu, mật độ 1.000 cây/ha nhưng chết hết hơn 12ha. Sau đó, tôi tiếp tục trồng dặm lại thêm 16.000 cây nhưng cũng chết đến 10.000 cây. Vấn đề là đầu tư dó bầu đòi hỏi nguồn vốn không hề nhỏ, tính ra chi phí cả trăm triệu đồng mỗi héc-ta. Với tỷ lệ cây chết như vậy, đến nay, tôi đã nắm chắc phần lỗ. Nhưng tôi vẫn kỳ vọng sẽ tìm ra được công nghệ cấy tạo trầm, khi đó câu chuyện sẽ khác, từ lỗ vốn sẽ chuyển sang lãi to”. Cũng theo chia sẻ của ông Phương, nguyên nhân cây chết chủ yếu là do mới trồng nên ông chưa có nhiều kinh nghiệm, bên cạnh đó, chất lượng cây giống không đảm bảo, sâu bệnh phá hoại…


Với những nông dân trồng dó bầu mà chúng tôi gặp, chuyện giá bán hay tỷ lệ cây chết nhiều chỉ là sự thất vọng nhỏ, nếu so sánh với việc chưa một người nào trên địa bàn tỉnh cấy tạo trầm thành công, dù chỉ là trầm loại V chứ chưa nói đến trầm loại IV, loại III. Ông Tới cho biết: “Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 55.500 cây dó bầu đã được cấy tạo trầm; nhiều đề tài nghiên cứu ứng dụng cấy tạo trầm đã được triển khai thử nghiệm; nhiều hội thảo phổ biến kinh nghiệm cũng đã được tổ chức nhưng hiệu quả đến nay vẫn chỉ là con số không. Nghe nói ở một số địa phương khác như: Đồng Nai, Quảng Nam… người ta đã cấy tạo thành công trầm loại VI, loại V nhưng ở Khánh Hòa đến nay vẫn chưa có ai thành công. Đây chính là nỗi thất vọng lớn nhất của người trồng dó bầu địa phương”.  


Thách đố của thiên nhiên


Trầm hương Khánh Hòa đã được khẳng định trên thị trường, nhất là trầm hương thiên nhiên. Không chỉ là “rốn trầm”, Khánh Hòa còn có những làng nghề chế tác tạo trầm và sản xuất nhang nổi tiếng nên đầu ra cho sản phẩm trầm hương nhân tạo không phải là vấn đề đáng lo. Một thực tế hiện nay, đang có sự chênh lệch rất lớn về giá trị của trầm tạo được trên cây dó. Nếu cây dó chưa tạo được trầm, nông dân bán cho người làm nhang chỉ được 300 ngàn đồng/cây; nếu trong vườn có khoảng 20% cây có trầm loại V thì giá bán được thương lái thu mua lên đến 2 - 3 triệu đồng/cây; nếu có cây dó cho trầm loại IV thì giá bán còn cao hơn rất nhiều. Chính vì vậy, công nghệ cấy tạo trầm để tạo ra được các loại trầm chất lượng được cho là “nút thắt” trong việc phát triển cây dó bầu hiện nay.

 

Một vườn dó bầu ở xã Ninh Tân (thị xã Ninh Hòa) đã lớn nhưng chưa được cấy tạo trầm
Một vườn dó bầu ở xã Ninh Tân (thị xã Ninh Hòa) đã lớn nhưng chưa được cấy tạo trầm


Ông Phương cho biết thêm: “Hiện nay, việc cấy tạo trầm bằng hóa học cho chất lượng trầm thấp, giá bán không cao. Nếu cấy tạo được trầm bằng công nghệ vi sinh thì chất lượng, giá bán sẽ cao hơn nhiều. Khi đó, giấc mơ tỷ phú từ việc trồng cây dó bầu sẽ trở thành hiện thực”.


Được biết, ở một số địa phương khác đã có người cấy tạo trầm thành công nhưng bí quyết ấy vẫn chưa được chia sẻ. “Khánh Hòa là địa phương tiên phong trồng và thử nghiệm cấy tạo trầm, nhưng đến nay lại đi sau các tỉnh khác. Nếu nông dân tự mày mò để tìm ra công nghệ cấy tạo được trầm thì chưa biết đến bao giờ mới thành công. Nhiều người hy vọng sẽ có được sự hỗ trợ của các nhà khoa học trong việc nghiên cứu, tìm ra công nghệ cấy tạo trầm để phổ biến cho nông dân”, ông Tới kiến nghị.


Rời những vườn dó bầu đang rũ rượi dưới cái nắng như muốn thiêu đốt trong mùa khô, chúng tôi chạnh lòng nghĩ đến câu chuyện đã có người rời bỏ giấc mơ tỷ phú từ trồng cây dó bầu, một số vẫn còn ôm giấc mộng vàng nhưng vẫn đang loay hoay tìm cách biến giấc mơ thành hiện thực. Đến bao giờ dó bầu mới mang lại tiền tỷ cho nông dân Khánh Hòa, câu hỏi ấy vẫn chưa có câu trả lời.


 A.T - H.L



 




Ông Biện Quốc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Trầm hương Khánh Hòa: Trong thời gian tới, bên cạnh việc hỗ trợ hội viên trong việc phát triển trồng cây gió bầu, hội sẽ tổ chức nhiều hội thảo để phổ biến cho hội viên các đề tài nghiên cứu cấy tạo trầm; hỗ trợ hội viên trong việc chế tác tạo trầm, sản xuất các sản phẩm trầm hương; xúc tiến thương mại, du lịch gắn với ngành nghề trầm hương… Mục tiêu của chúng tôi là đưa ngành nghề trầm hương Khánh Hòa phát triển mạnh.


Theo thống kê của Hội Trầm hương Khánh Hòa, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 350ha dó bầu, tập trung chủ yếu ở Khánh Vĩnh (70ha), Ninh Hòa (130ha), Vạn Ninh (40ha) và một số địa phương khác. Một số vườn trồng loại cây này bị ảnh hưởng bởi nắng hạn, sâu bệnh, chất lượng giống nên tỷ lệ cây chết nhiều. Đối với diện tích trồng mới, hiện không tăng đáng kể do khó khăn trong việc cấy tạo trầm nên chưa khuyến khích được nông dân trồng loại cây này.