06:03, 09/03/2016

Những phụ nữ làm khoa học

Phụ nữ làm khoa học vốn vất vả, khó khăn nhưng với tâm huyết và nỗ lực rất nhiều, họ đã đạt tới thành công.

Phụ nữ làm khoa học vốn vất vả, khó khăn nhưng với tâm huyết và nỗ lực rất nhiều, họ đã đạt tới thành công.


“Người yêu lịch sử Khánh Hòa”


Rất hiếm đề tài nghiên cứu khoa học được nghiệm thu xuất sắc nhưng chỉ trong vài năm gần đây, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Hoa - Phó Chủ tịch Hội Lịch sử tỉnh, giảng viên Trường Đại học Khánh Hòa làm chủ nhiệm 2 đề tài được Hội đồng Khoa học và Công nghệ (KH-CN) cấp tỉnh đánh giá xuất sắc.

 

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Hoa phỏng vấn một nhân chứng
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Hoa phỏng vấn một nhân chứng


Đó là đề tài “Nghiên cứu, biên soạn tài liệu giảng dạy và học tập lịch sử Khánh Hòa ở trường phổ thông” nghiệm thu năm 2012. Khối lượng kiến thức lịch sử lớn được nhóm biên soạn thể hiện ngắn gọn, sinh động, chắt lọc kỹ lưỡng. Trên cơ sở kết quả đề tài, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức biên soạn thành bộ tài liệu chính thức dùng cho việc dạy và học lịch sử Khánh Hòa trong các trường THCS và THPT từ năm học 2013 - 2014. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Hoa, điểm mới của bộ tài liệu này là cung cấp thông tin về lịch sử nhưng không khô cứng và có tính mở. Cụ thể, ngoài những bài học chuyên đề, học sinh còn có nhiều bài đọc thêm, bài học ngoại khóa để tìm hiểu, mở rộng kiến thức. Các em có thể tìm hiểu, khai thác thêm từ các kênh khác để trao đổi, thảo luận xung quanh chủ đề này. Tài liệu còn có nhiều hình ảnh minh họa sinh động, hệ thống các biểu đồ, lược đồ được thực hiện tỉ mỉ, chu đáo. Trong quá trình giảng dạy lịch sử Việt Nam, các giáo viên có thể sử dụng tài liệu này để lồng ghép khi muốn đưa ví dụ về lịch sử địa phương.


Cuối năm 2015, đề tài “Lịch sử giáo dục cách mạng ở Khánh Hòa giai đoạn 1945 - 1975” do chị làm chủ nhiệm tiếp tục được Hội đồng KH-CN cấp tỉnh đánh giá xuất sắc. Đây là công trình khoa học được nghiên cứu công phu, ngoài báo cáo tổng hợp còn có 38 chuyên đề khoa học được thực hiện. Đề tài đã dựng lại bức tranh lịch sử giáo dục cách mạng ở Khánh Hòa giai đoạn 1945 - 1975. Theo đánh giá của hội đồng, công trình nếu được xuất bản sẽ góp phần nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí giáo dục cách mạng cho cán bộ, giáo viên, học sinh, nhân dân trong toàn tỉnh; góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ - tri ân về sự hy sinh anh dũng của các nhà giáo cách mạng.


Hiện nay, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Hoa đang xây dựng tài liệu dạy học lịch sử địa phương theo hướng tích hợp cho học sinh tiểu học Khánh Hòa. Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Hoa chia sẻ: “Từng là giáo viên dạy sử nên tôi biết rõ giáo viên cần và thiếu điều gì, cùng với kiến thức tích lũy trong suốt quá trình công tác, nghiên cứu và tình yêu, đam mê dành cho lịch sử nên tôi dồn nhiều tâm huyết, công sức cho các công trình nghiên cứu về lịch sử địa phương”.


Làm chất tạo màu thực phẩm từ hoa cúc vạn thọ


Lần đầu chúng tôi gặp Tiến sĩ Hoàng Thị Huệ An (Khoa Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Nha Trang) khi bà và các cộng sự vừa thành công trong việc tách chiết lutein từ hoa cúc vạn thọ. Đây là loại sắc tố có màu vàng cam rất đẹp, dùng làm chất tạo màu thực phẩm. Ấn tượng đọng lại về bà là sự hồn hậu, gần gũi khi giới thiệu với chúng tôi sản phẩm của đề tài “Xây dựng quy trình công nghệ quy mô phòng thí nghiệm thu nhận lutein từ hoa cúc vạn thọ Tagetes erecta L. ứng dụng làm chất màu thực phẩm” do bà làm chủ nhiệm. Đây là đề tài cấp tỉnh, được thực hiện từ năm 2012 đến năm 2014 nhưng là thành quả của những nghiên cứu ban đầu của bà từ gần 10 năm trước.

 

Tiến sĩ Hoàng Thị Huệ An (bìa trái) cùng các cộng sự thực hiện chiết tách lutein từ hoa cúc vạn thọ.
Tiến sĩ Hoàng Thị Huệ An (bìa trái) cùng các cộng sự thực hiện chiết tách lutein từ hoa cúc vạn thọ.


Lấy cho chúng tôi thử những chiếc bánh nướng có màu vàng tươi sáng nhờ phết dung dịch dầu nành có sản phẩm lutein hòa tan trong dầu ăn, Tiến sĩ Hoàng Thị Huệ An cho biết, bà và các cộng sự đã xây dựng thành công quy trình công nghệ thu nhận lutein trong phòng thí nghiệm từ hoa cúc vạn thọ tươi đã xử lý viscozyme (một loại enzyme) và từ bột hoa cúc vạn thọ khô xử lý viscozyme. Sản phẩm này có thể ứng dụng trong công nghiệp chế biến nước giải khát, thực phẩm. Ngoài khả năng tạo màu vàng bắt mắt, lutein còn có những hoạt tính sinh học đáng chú ý như: có khả năng tăng cường chức năng miễn dịch, ngăn ngừa sự ô-xy hóa lipid trong tế bào, bảo vệ tế bào khỏi tác hại của tia tử ngoại, ngăn ngừa sự thoái hóa điểm vàng ở người cao tuổi...


Kết thúc đề tài, mong muốn của nhóm thực hiện là được tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 để nâng quy mô sản xuất, hoàn thiện công nghệ, cải thiện chất lượng để có thể giới thiệu chuyển giao công nghệ cho các công ty ứng dụng trong lĩnh vực chế biến thực phẩm. Mong muốn ấy đã trở thành hiện thực khi mới đây, Hội đồng KH-CN cấp tỉnh đã thông qua đề cương đề tài “Hoàn thiện quy trình tách chiết, xây dựng mô hình thiết bị sản xuất thử nghiệm lutein và chế phẩm lutein từ hoa cúc vạn thọ (Tagetes erecta L.)”. Đề tài sẽ kết thúc vào tháng 12-2017 với mục tiêu: hoàn thiện quy trình công nghệ thu nhận lutein tinh và chế phẩm lutein từ hoa cúc vạn thọ nhằm làm hạ giá thành sản phẩm; xây dựng mô hình thiết bị và sản xuất thử nghiệm lutein tinh và chế phẩm lutein quy mô 20kg nguyên liệu/mẻ tiến tới khả năng thương mại hóa sản phẩm.


Nữ cán bộ trẻ nghiên cứu về vật liệu biển

Sinh năm 1977, đã có 16 năm công tác tại Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang, Thạc sĩ Huỳnh Hoàng Như Khánh - Phó Trưởng phòng Công nghệ sinh học biển, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang là đại biểu cho lớp cán bộ trẻ làm công tác nghiên cứu khoa học.

 

Thạc sĩ Huỳnh Hoàng Như Khánh (bìa phải) cùng các đồng nghiệp trong phòng thí nghiệm.
Thạc sĩ Huỳnh Hoàng Như Khánh (bìa phải) cùng các đồng nghiệp trong phòng thí nghiệm


Hơn 10 năm công tác, chị tham gia khoảng 10 đề tài đều theo hướng nghiên cứu KH-CN vật liệu biển, đây cũng là hướng nghiên cứu mũi nhọn của viện. Đặc biệt, nhiệm vụ hợp tác quốc tế về KH-CN cấp Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam “Xúc tác sinh học để biến đổi các polysacarit từ rong nâu nhằm thu nhận các phân đoạn và nghiên cứu hoạt tính sinh học của chúng” do chị làm chủ nhiệm (2014 - 2015) vừa hoàn thành là một bước phát triển cao hơn của định hướng nghiên cứu đó.


Đây là nhiệm vụ hợp tác với Viện Hóa sinh hữu cơ Thái Bình Dương, Phân viện Viễn Đông - Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Nhiệm vụ thuộc hướng nghiên cứu chiến lược “công nghệ vật liệu từ tài nguyên biển” của Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang. Vì vậy, kết quả đạt được của nhiệm vụ có ý nghĩa lớn về mặt thực tiễn lẫn khả năng ứng dụng.


Về kết quả nghiên cứu, Thạc sĩ Huỳnh Hoàng Như Khánh cho biết, lần đầu tiên ở nước ta, một enzyme có khả năng bẻ ngắn mạch fucoidan đã được tìm thấy, tinh sạch và xác định đặc tính xúc tác. Kết quả nghiên cứu đã thu nhận cấu trúc hóa học 3 oligo-fucoidan lần đầu tiên được công bố trên thế giới; cấu trúc và hoạt tính kháng ung thư của 5 loại polysacarit. Việc nghiên cứu bẻ ngắn mạch các polysacarit rong nâu bằng các enzyme từ sinh vật biển để thu nhận các oligosacarit mới với hoạt tính sinh học đặc hiệu hơn polysacarit ban đầu là xu hướng mới đang phát triển mạnh trên thế giới, mà ở nước ta thực tế chưa có cơ sở nghiên cứu khoa học nào triển khai thực hiện. “Đây cũng là những kết quả bước đầu trong định hướng nghiên cứu tạo nguồn dược liệu mới phục vụ cho lĩnh vực y sinh. Vì thế, chặng đường phía trước để phát triển các kết quả nghiên cứu còn rất dài” - Thạc sĩ Huỳnh Hoàng Như Khánh chia sẻ.


Là mẹ của 2 con mà con nhỏ mới gần 2 tuổi, chị bảo phụ nữ làm công tác khoa học vất vả khi vừa nghiên cứu vừa phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ. Thế nhưng, nói về cái được, chị cho biết đó là cơ hội làm việc với các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới, được học hỏi nhiều điều từ kiến thức khoa học, phương pháp nghiên cứu mới đến kỹ năng sống như về chuyến làm việc 1 tháng trên tàu Viện sĩ Oparin mà chị bảo tuy đã mấy năm nhưng nhớ lại vẫn thấy xúc động.


N.D