06:02, 04/02/2016

Những "người lính" hỏa xa

Mỗi độ xuân về, trên những chuyến tàu, hàng triệu người ngược xuôi ra Bắc vào Nam về quê đón Tết, đoàn tụ bên gia đình. Thế nhưng ít ai biết rằng, để có niềm vui ấy, những "người lính" hỏa xa chẳng quản ngày đêm, lặng thầm bên khoang máy nối nhịp bờ vui đến với mọi nhà…

Mỗi độ xuân về, trên những chuyến tàu, hàng triệu người ngược xuôi ra Bắc vào Nam về quê đón Tết, đoàn tụ bên gia đình. Thế nhưng ít ai biết rằng, để có niềm vui ấy, những “người lính” hỏa xa chẳng quản ngày đêm, lặng thầm bên khoang máy nối nhịp bờ vui đến với mọi nhà…


Giao thừa bên cánh vô lăng


Phân xưởng vận dụng đầu máy Nha Trang những ngày cuối năm tất bật lạ thường. Trên đầu máy, dưới gầm xe, tiếng nhân viên gọi nhau í ới, kiểm tra an toàn chuẩn bị cho những chuyến tàu Tết. Với họ, mỗi dịp Tết đến xuân về là một kỷ niệm không thể nào quên, bao cảm xúc buồn vui xen lẫn. Những người lái tàu phải hy sinh “tình riêng” để đem đến niềm vui đoàn tụ cho hàng triệu người.

 

Chuyến tàu nối những bờ vui cho hàng ngàn vạn hành khách từ khắp mọi miền Tổ quốc
Chuyến tàu nối những bờ vui cho hàng ngàn vạn hành khách từ khắp mọi miền Tổ quốc


Hơn 30 năm trong nghề, lái tàu Hoàng Quang Khải có chừng ấy thời gian chạy tàu Tết. Anh chia sẻ, đời lái tàu buồn có, vui có, thế nhưng hạnh phúc lớn nhất là những chuyến tàu đưa hành khách về đến nơi an toàn. “Tôi không thể nào quên, một buổi chiều giáp Tết năm 2002, khi lái tàu đến địa phận TP. Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), bất chợt chiếc xe máy chở 3 người bị mắc kẹt trên đường sắt. Mặc dù bất ngờ, nhưng trong giây lát, tôi đã bình tĩnh xử lý, chiếc đầu máy khựng ngay trước xe. Có lẽ chỉ chậm giây lát nữa là 3 người sẽ mất mạng. Tôi và phụ lái xuống giúp họ ra khỏi đường sắt. Cô gái chở cụ già và con nhỏ khóc lặng người, quỳ xụp xuống cảm ơn. Đó là điều hạnh phúc nhất của những người lái tàu,” anh Khải nhớ lại.

 

Cần mẫn bên vô lăng
Cần mẫn bên vô lăng


Với lái tàu Phạm Phú Văn, trong lần lái tàu ngày 30 Tết về tới cung đường đèo Cả, đang xổ dốc, ôm cua thì bất chợt một tảng đá lớn rơi từ trên núi xuống nằm chắn ngang đường. Anh cũng rất nhanh nhẹn, xử lý kịp thời, bảo đảm an toàn cho hàng nghìn hành khách. Anh tâm sự: “Nếu không kịp thắng thì toàn bộ con tàu sẽ lao ngay xuống biển. Sau khi nghe tin tàu bị kẹt, vợ tôi ở nhà khóc suốt một ngày ròng. Tôi cùng anh em trong phân xưởng đã kịp thời khắc phục, đến tối cùng ngày thì về đến Nha Trang an toàn. Đó cũng là năm duy nhất tôi được đón Tết cùng gia đình”.    

 

Kiểm tra an toàn trước khi rời ga
Kiểm tra an toàn trước khi rời ga


Với những “người lính” hỏa xa, việc đón giao thừa bên khoang máy là chuyện thường. Thế nhưng khi nhắc đến, ai cũng có cảm giác xốn xang, cay cay nơi sống mũi. Nhớ về những lần ăn Tết cùng hành khách trên tàu, anh Khải trầm ngâm: “Thời khắc đất trời giao hòa, một cảm giác bâng khuâng đến khó tả. Chạy qua những cung đường rừng núi trập trùng, bao la, bốn bề tĩnh lặng, nhìn đồng hồ điểm 0 giờ tránh sao những phút nao lòng”. Cảm giác nhớ nhà, nhớ người thân, nhớ vợ con vẫn còn nguyên trong dòng ký ức. Anh bảo, thèm được quây quần, tệ tựu bên mâm cỗ cúng giao thừa. Cũng chính giây phút ấy, anh kéo một hồi còi tàu thật dài xua tan không gian tĩnh mịch của trời đất. Có lẽ, đời lái tàu, tiếng còi tàu đêm giao thừa thật sự thiêng liêng lạ lùng. Nó không chỉ thay cho tiếng pháo đón giao thừa tiễn biệt năm cũ, chào đón một năm mới với nhiều hy vọng tốt lành, mà còn như một sự đồng điệu với tâm hồn đời lính hỏa xa.

 

Nụ cười của “người lính” hỏa xa
Nụ cười của “người lính” hỏa xa


Không chỉ vậy, niềm vui của lính hỏa xa trong ngày Tết còn đến từ những hành động thật giản dị. Trên mỗi chuyến tàu, các anh đi chúc Tết hành khách và nhận lại những lời chúc từ họ. “Được nghe họ kể về ngày sum họp bên gia đình, nhìn những nụ cười hạnh phúc, những cái bắt tay thật chặt khiến chúng tôi cũng cảm thấy ấm lòng, vơi bớt đi phần nào nỗi nhớ nhà,” anh Trương Thanh Sơn - Đội trưởng Đội lái tàu Đổi mới, Phân xưởng vận dụng đầu máy Nha Trang trải lòng.


Theo bánh con tàu quay


Có thể nói, đời lính hỏa xa gắn bó với con tàu, không chỉ bản thân mà cả người thân của họ cũng thiệt thòi rất nhiều về tình cảm. Nếu như ngày xuân, người người, nhà nhà xum vầy, thì các anh lại phải lắc lư theo bánh con tàu quay. “Quanh năm trên tàu, ít có dịp về với gia đình, nhất là dịp Tết, anh không sợ vợ giận sao?!” - tôi hỏi anh Khải. Anh cười nói: “Riết rồi cũng quen. Tất cả vì đặc thù công việc, có ai muốn vậy đâu! Như mình, yêu nhau 7 năm mới cưới, phải làm tư tưởng cho bà xã rất nhiều, bởi đời của người lái tàu là xa gia đình. Một chặng đường dài thử thách, dần dà vợ mình cũng quen và cảm thông, chia sẻ”.  

 

Hạnh phúc khi đưa được hành khách về ga an toàn
Hạnh phúc khi đưa được hành khách về ga an toàn

 
Với những lái tàu đã vào nghề nhiều năm thì không sao, nhưng với cánh “lính trẻ” mới bước vào nghề là cả một thách thức lớn. “Đã chấp nhận dấn thân vào nghề, chúng tôi chấp nhận hy sinh tình riêng. Nhiều lúc cũng chạnh lòng khi nhìn những gia đình khác đưa con cái đi đón xuân, còn mình thì cặm cụi bên đầu máy. Thế nhưng, khi nghĩ hy sinh hạnh phúc riêng của bản thân để mang hạnh phúc đến cho mọi người, lòng mình cũng cảm thấy ấm áp, vui hơn,” lái tàu Phạm Đức Minh chia sẻ. Không chỉ anh Khải, anh Minh, mà những người lái tàu của ngành Đường sắt, tuy chịu nhiều thiệt thòi nhưng vẫn rất yêu nghề. Nhiều người là kiện tướng an toàn trong nhiều năm liền, vững vàng tay lái trên từng cung đường. Họ đã thực sự coi tàu là nhà.


Thành Nam