10:12, 10/12/2013

Hầm Đèo Cả chờ mặt bằng

Tuy đã rất nỗ lực trong việc giải phóng mặt bằng nhưng Dự án hầm đường bộ Đèo Cả vẫn rất chậm do khối lượng công việc lớn, lại phải giải quyết về tranh chấp đất đai.

Tuy đã rất nỗ lực trong việc giải phóng mặt bằng (GPMB) nhưng Dự án hầm đường bộ Đèo Cả vẫn rất chậm do khối lượng công việc lớn, lại phải giải quyết về tranh chấp đất đai.

 


Bộn bề công tác giải tỏa, tái định cư

 


Chúng tôi đến Khu tái định cư (TĐC) số 2 Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh) - một trong những hạng mục của Dự án hầm đường bộ Đèo Cả. Khu TĐC vẫn còn ngổn ngang đất đá, cây cối, mọi công việc mới chỉ bắt đầu. Một nhân viên của đơn vị thi công cho biết, đơn vị vừa tập kết vật tư, xe máy.

 

 

1
Khu tái định cư số 2 Đại Lãnh mới triển khai san ủi.

 

 

Tuy Khu TĐC đã triển khai thi công nhưng nhiều hộ dân vẫn chưa chịu bàn giao mặt bằng, vì không đồng tình với mức bồi thường. Bà Võ Thị Thử (thôn Tây Bắc 2, xã Đại Lãnh) phàn nàn: “Nhà tôi có diện tích 90m2 cùng 2 lô đất thổ cư (120m2 và 80m2), nhưng đền bù chỉ có 215 triệu đồng, lẽ ra phải được 500 triệu đồng. Vì vậy, tôi không thể ký giấy nhận tiền”. Thậm chí, có người đã giao mặt bằng nhưng cũng chưa hài lòng với mức bồi thường. Dừng chiếc xe bò đang đi, ông Võ Đức Dũng (thôn Tây Nam 1, xã Đại Lãnh) chỉ tay về căn nhà gần đó cho biết: “Cha tôi là ông Võ Nguyên, có căn nhà cấp 4, nhưng đơn vị bồi thường cho là trại nên chỉ áp giá bồi thường hơn 100 triệu đồng”. Cũng vì chưa hài lòng với mức bồi thường của huyện mà đến nay, có 15 hộ dân tại Khu TĐC vẫn chưa chịu di dời, bàn giao mặt bằng.

 

 

Dự án hầm đường bộ Đèo Cả có tổng mức đầu tư 15.603 tỷ đồng. Tổng chiều dài toàn tuyến 13,4km; trong đó: chiều dài hầm đèo Cả 3.900m, hầm Cổ Mã 500m, đường dẫn và cầu trên tuyến 9km; bề rộng nền đường 24m; bề rộng mặt đường 22,5m. Dự kiến, Dự án hoàn thành vào quý II/2016.


Theo UBND xã Đại Lãnh, triển khai Dự án hầm đường bộ Đèo Cả, trên địa bàn xã có gần 500 trường hợp bị ảnh hưởng phải giải tỏa để lấy mặt bằng thi công các hạng mục. Tuy nhiên, việc triển khai gặp rất nhiều khó khăn. Xã đã rất nỗ lực phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện chặt chẽ công việc kiểm kê, xác minh, áp giá, niêm yết đúng pháp luật… Đến nay, đã bàn giao 700m đường dẫn phía Bắc hầm đèo Cổ Mã với 30 trường hợp bị ảnh hưởng, trong đó có 2 trường hợp vướng nhà ở, chưa đồng tình với mức bồi thường nên chưa di dời. Các hạng mục khác đang tiếp tục xác minh hồ sơ, nguồn gốc đất để đẩy nhanh tiến độ. Khu TĐC số 2 rộng 15ha, có 167 trường hợp bị tác động. Hiện nay, 148 trường hợp đã nhận tiền đền bù, 15 trường hợp còn đang khiếu nại. Xã đang tiếp tục vận động người dân bàn giao mặt bằng. Ông Trần Đình Thú - Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh chia sẻ: “Do địa bàn xã có đèo Cả và đèo Cổ Mã đi qua nên công việc rất nặng nề, bề bộn với nhiều hạng mục của Dự án; trong khi đó, công tác thống kê nguồn gốc đất đai phức tạp. Phần lớn hộ dân không có giấy tờ hợp lệ về nguồn gốc đất nên việc xác minh, bồi thường gặp nhiều khó khăn, phát sinh khiếu nại, tranh chấp phải giải quyết. Xã đã làm hết sức để đẩy nhanh tiến độ. Đến nay, đường dẫn phía Bắc đèo Cổ Mã đã bàn giao cho đơn vị thi công. Các hạng mục khác cũng đang đẩy nhanh tiến độ, chuẩn bị bàn giao. Khu TĐC số 2 do nằm sâu trong khu dân cư, việc đưa xe máy, vật tư, thiết bị vào rất khó và triển khai muộn nên hiện nay chỉ mới san ủi mặt bằng…”.

 

 

Thi công miệng hầm phía Bắc đèo Cổ Mã.
Thi công miệng hầm phía Bắc đèo Cổ Mã.

 

 

Xã Vạn Thọ cũng là địa phương chịu tác động bởi Dự án hầm đường bộ Đèo Cả. Từ tháng 1-2013, xã đã phối hợp các ngành kiểm kê tài sản các hộ dân bị tác động bởi dự án. Hạng mục đường dẫn phía Nam đèo Cổ Mã dài 600m có 47 hộ bị ảnh hưởng, xã đã tiến hành niêm yết công khai nguồn gốc đất 47 hộ này từ ngày 9-4 đến 16-5. Đến ngày 24-6, phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ, TĐC cũng đã được công khai. 22 trường hợp kiến nghị giá đền bù thấp. Xã đã trình cấp trên xem xét. Sau khi điều chỉnh, tỉnh phê duyệt phương án chi tiết bồi thường và đã có thêm 7 hộ chấp nhận đền bù, số còn lại vẫn tiếp tục khiếu nại. Ông Huỳnh Ngọc Liêm - Chủ tịch UBND xã Vạn Thọ cho biết, đến thời điểm này, xã chưa thể bàn giao mặt bằng, bởi còn 2 hộ tại vị trí miệng hầm chưa chấp nhận giá đền bù và di dời. Ông Liêm cho biết, việc chậm trễ là do chính quyền địa phương phải tập trung giải quyết khiếu nại và chờ xin ý kiến của tỉnh hỗ trợ các trường hợp đặc biệt. Trong khi đó, đơn vị nhà thầu chưa phối hợp tốt với chính quyền địa phương để xác định vị trí, việc điều chỉnh tuyến gây khó khăn cho công tác kiểm kê, bồi thường, phải làm đi làm lại. Để giải quyết TĐC cho người dân bị giải tỏa trắng, huyện và xã thống nhất đưa người dân về TĐC tại 1 trong 3 khu vực dân cư là Ruộng Dỡ trong, Tư Ích và Cây Sanh - nơi trước đây đã đầu tư cơ bản hạ tầng.

 

 

Khu tái định cư Tư Ích (xã Vạn Thọ) đã có sẵn mặt bằng.
Khu tái định cư Tư Ích (xã Vạn Thọ) đã có sẵn mặt bằng.


 

Đẩy nhanh tiến độ

Trước tình hình chậm GPMB Dự án, mới đây Thủ tướng Chính Phủ đã có Công điện số 2091 yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hòa bàn giao 600m phía Nam hầm Cổ Mã thuộc gói thầu số 6 “Đường dẫn phía Nam”; tập trung giải quyết dứt điểm công tác GPMB 2 hộ dân ở đầu tuyến thuộc gói thầu số 2 “Xây dựng hầm Cổ Mã”. Thủ tướng Chính phủ cũng  yêu cầu Chủ tịch UBND 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vướng mắc để bàn giao toàn bộ mặt bằng trong tháng 12-2013; đồng thời có biện pháp ngăn ngừa tình trạng tái lấn chiếm đối với những mặt bằng đã bàn giao.


Nhận được công điện của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức cuộc họp tháo gỡ vướng mắc của dự án. UBND tỉnh đã cho phép Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả tiến hành ngay công tác xây dựng khu TĐC dù chưa hoàn thành việc giải tỏa.

 

Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Vạn Ninh, thực hiện Dự án hầm đường bộ Đèo Cả, huyện triển khai các hạng mục như: Hai tuyến chính Nam tại xã Vạn Thọ và xã Đại Lãnh; khu TĐC số 2 xã Đại Lãnh; bãi tập kết vật liệu thải số 1 và 3; khu cứu hộ cứu nạn Cổ Mã; đường công vụ N1, N2, N3… với tổng số 707 trường hợp bị ảnh hưởng. Theo kế hoạch, trong tháng 12 phải bàn giao mặt bằng thi công Dự án, trong khi đó vẫn còn 4 hộ chưa đồng ý phương án bồi thường trên tuyến đường công vụ N3 dẫn vào miệng hầm, nên huyện và nhà đầu tư đành khảo sát tuyến đường công vụ tạm để bảo đảm tiến độ. Các hạng mục còn lại đang tiếp tục rà soát để đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng.

 


Ông Lê Hữu Trí - Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết: “Tuy áp lực nhiều nhưng việc thực hiện vẫn phải bảo đảm trình tự, thủ tục pháp luật quy định, do vậy, chúng tôi phải tăng cường kiểm tra, giám sát trong khi lực lượng mỏng. Huyện đã chỉ đạo tăng cường vận động tuyên truyền tập trung cho công tác GPMB; đưa Thanh tra huyện vào cuộc ngay từ đầu để giải quyết khiếu kiện; đưa cán bộ có chuyên môn hỗ trợ cho cơ sở”. Thời gian này, khi tình hình gấp gáp, huyện yêu cầu các đơn vị, các xã tăng cường công tác vận động, chốt khối lượng để nhanh chóng GPMB, bàn giao cho đơn vị thi công. Sau khi đã giải quyết đúng chính sách, chế độ, các trường hợp còn khiếu nại tại những vị trí bức xúc sẽ bị cưỡng chế để bảo đảm yêu cầu thi công…

 


Những ngày này, lãnh đạo huyện Vạn Ninh cũng như các phòng, ban chuyên môn và 2 xã Đại Lãnh, Vạn Thọ đang quá tải với công việc. Ông Trần Kim Bảo - Phó Chủ tịch UBND huyện, người trực tiếp điều hành công tác này chia sẻ: “Yêu cầu về thời gian quá gấp trong khi huyện phải tập trung giải quyết nhiều công việc cùng lúc; tuy nhiên, đến thời điểm này, huyện đã giải tỏa hơn 700 trường hợp và chưa có trường hợp nào nổi cộm, gây bức xúc lớn. Để đẩy nhanh tiến độ GPMB, huyện đã thành lập tổ vận động, tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, đẩy nhanh tiến độ…”.

 


VĨNH LẠC