10:11, 22/11/2013

Mong manh đời lặn

Nghề lặn biển đã đem lại cuộc sống no đủ cho người dân xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa). Nhưng nghề này không chỉ có màu hồng, đằng sau đó còn có cả máu và nước mắt.

Nghề lặn biển đã đem lại cuộc sống no đủ cho người dân xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa). Nhưng nghề này không chỉ có màu hồng, đằng sau đó còn có cả máu và nước mắt.


Một ngày đầu tháng 11, tôi tìm về làng biển Ninh Vân, địa danh đang nổi như cồn bởi cơn sốt xáo tam phân. Con đường mới uốn lượn theo sườn núi Hòn Hèo đã mở ra những bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Dừng chân trên một nhánh núi đâm ngang ra biển, nhìn về phía biển, tôi bắt gặp một làng quê trù phú yên bình đang sưởi mình trong nắng sớm.

 

Làng biển Ninh Vân ngày càng trù phú.
Làng biển Ninh Vân ngày càng trù phú.


 

Đổi đời nhờ lặn biển


Người làng biển bao giờ cũng cởi mở, hiếu khách.  Nghe hỏi chuyện làng xã, ông Nguyễn Văn Ánh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Vân hào hứng kể chuyện đổi đời của làng biển. Đại ý là, cái xã heo hút từng một thời biệt lập này được như hôm nay cũng nhờ nghề đi biển; từ căn nhà, xe máy, các vật dụng sinh hoạt trong nhà như ti vi, tủ lạnh… cho đến đường làng ngõ xóm đều từ nghề lặn biển mà ra. “Nếu không có nghề lặn biển, người dân xã này còn đói nghèo dài dài chứ làm gì có được tỷ lệ người nghèo dưới 3% như hiện nay”, ông Ánh nói.

 

  Lặn biển bắt hải sản vào ban đêm.
Lặn biển bắt hải sản vào ban đêm.

 

Ngày trước, người Ninh Vân chỉ biết gắn bó với nghề nông, đánh bắt cá ven bờ để cải thiện bữa ăn. Khoảng đầu những năm 90 của thế kỷ trước, một số ngư dân trong làng rủ nhau ra khơi săn cá biển. Thấy thu nhập khá, người ta đua nhau đi lặn biển bắt cá mú, cá bò chìa, tôm, hải sâm… về bán. Ban đầu, người Ninh Vân chỉ lặn ở các vùng biển gần, sau này vươn xa đến tận các vùng biển ở Bình Thuận, có nhóm còn vào tận Phú Quốc (Kiên Giang). Nhiều người còn theo các chủ tàu ở Quảng Ngãi đi lặn tận vùng biển các nước Indonesia, Philippines, Malaysia. Đời sống của người dân Ninh Vân thay đổi thấy rõ với những chuyến đi biển... Nhà cửa lụp xụp được thay bằng nhà xây khang trang; nhiều người đóng được tàu lớn đi đánh bắt xa bờ.


Ông Hàng Văn Hướng - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Vân cho biết: “Hiện nay, xã có 495 hộ gia đình, trong đó, số hộ làm nghề biển chiếm đến 80%; toàn xã có gần 400 người làm nghề lặn biển…”.  Nhờ có nghề lặn, nhiều chủ ghe như ông Nguyễn Trắng, Nguyễn Văn Thanh (thôn Đông), Trần Văn Tài (thôn Tây)… có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Hiện tại, mỗi thợ lặn đi làm cho các chủ tàu ở Quảng Ngãi đánh bắt ở các vùng biển xa có thể thu đến trên 20 triệu đồng/chuyến (mỗi chuyến khoảng 1 tháng). Những người đi lặn cho các chủ tàu trong xã với tỷ lệ ăn chia 4/6 (chủ tàu 4 phần, thuyền viên 6 phần) cũng có thu nhập khá cao… Những năm gần đây, Ninh Vân có thêm nghề trồng tỏi nhưng với người dân nơi đây, lặn biển vẫn là nghề chính.  

 

2
Ông Nguyễn Trắng (thôn Đông) với những sản vật sau một chuyến lặn biển.


Hiểm nguy rình rập

 

Theo đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh  “Nghiên cứu áp dụng mô hình can thiệp nhằm hạn chế tai biến do lặn cho ngư dân Khánh Hòa” của Viện Pasteur Nha Trang, tỷ lệ tai biến do lặn ở ngư dân Khánh Hòa hiện lên đến 78,8% với nhiều tổn thương về tai, mũi, răng miệng, mắt, xương khớp, bại liệt. Nguyên nhân chính là do ngư dân ít được tập huấn về an toàn lặn, hệ thống khí nén thường bị sự cố.

Ông  Hàng Văn Hướng, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Vân cho biết, trong gần 20 năm qua, xã có hơn 20 người bị chết hoặc bại liệt do lặn biển, chưa kể số người bị tai nạn nhẹ.

Trong cái gió lộng chiều tà nơi làng biển, ngồi với những thợ lặn ở Ninh Vân, câu chuyện của chúng tôi lại xoay quanh việc được, mất của nghề. Hầu hết thợ lặn đều thừa nhận, nghề này được nhiều nhưng mất mát cũng không ít. Anh Nguyễn Minh Trường (33 tuổi, thôn Đông) chia sẻ: “Cũng vì cái nghèo mà phải đánh cược mạng sống của mình với biển khơi. Chứ có nghề nghiệp đàng hoàng ai mà đánh đu với nghề lặn đầy hiểm nguy này”. Cho đến bây giờ, thợ lặn Ninh Vân vẫn làm nghề theo kiểu “truyền thống” bằng việc ngậm dây hơi vào miệng, đeo kính lặn… nên chỉ cần sơ sẩy là có thể mất mạng. Dân lặn biển sợ nhất là gặp các sự cố như: Bể dây dẫn khí, vỡ mặt gương lặn, gặp luồng nước độc… Khi ấy, người thợ lặn phải lên nhanh, áp suất bị giảm đột ngột, khí nitơ không kịp thoát ra ngoài gây nghẽn mạch máu khiến cơ thể không kịp thích ứng dễ dẫn đến tai biến. “Nghề này không ai nói trước được điều gì. Dưới biển sâu đầy bất trắc chực chờ, một sự cố về bình hơi, một luồng nước độc cũng có thể lấy mất mạng sống của người thợ lặn trong nháy mắt”, anh Trường nói.


Trong suốt mấy mươi năm dọc ngang trên biển, ông Nguyễn Văn Phát (41 tuổi, thôn Tây) đã chứng kiến không ít vụ tai nạn từ nghề lặn biển, một trong số đó là cái chết của ông Nguyễn Sáu, thợ lặn ở cùng thôn trong chuyến đi lặn ở Philippines. “Hôm đó, ông Sáu lặn quá sâu, khi ngoi lên lại ỷ sức nên lên nhanh. Đến khi lên thuyền, ông kêu đầu đau quay cuồng không chịu nổi, đưa xuống nước thì lại đỡ nhưng đưa lên bờ lại tiếp tục bị đau. Cứ vài lần như vậy, đến chiều thì ông chết…”, ông Phát nhớ lại. Bản thân ông Phát cũng từng một lần gặp phải sự cố khi lặn biển ở Phú Quý (Bình Thuận). “Hôm ấy, tôi lặn bắt hải sâm gặp phải luồng nước độc nên bủn rủn cả tay chân, phải ngoi nhanh lên mặt nước. Vừa lên ghe, tôi liền bị khó thở, cũng may bạn nghề có kinh nghiệm đã ôm tôi nhảy xuống biển để giảm áp nên mới không bị di chứng”, ông Phát nhớ lại mà thoáng rùng mình.  


Theo lãnh đạo xã Ninh Vân, để hạn chế tai nạn khi lặn biển, cách đây 4 năm, Hội Pháp ngữ hỗ trợ và phát triển khoa học đời sống (AFEPS) đã chọn Ninh Vân (cùng với Lý Sơn, Quảng Ngãi) mở lớp tập huấn dạy lặn cho các “thợ lặn”, cách thức sơ cứu khi thợ lặn gặp sự cố. Tuy nhiên, do kinh phí còn hạn chế nên số lượng ngư dân được tập huấn chưa nhiều.


Nỗi buồn ám ảnh…


Trên những con đường ở Ninh Vân, thi thoảng tôi lại bắt gặp những dáng đi khập khễnh với đôi nạng, vết hằn của những bánh xe lăn. Ngay cầu tàu của làng biển, tôi gặp thợ lặn Nguyễn Thành Long (39 tuổi, thôn Đông) khi anh đang lê những bước khó nhọc với đôi nạng gỗ. Hỏi chuyện, anh Long cho biết đó là hậu quả của tai nạn lặn ở vùng biển Đài Loan cách đây khoảng 7 tháng. 4 tháng nằm viện, mất hơn 100 triệu đồng nên gia đình anh Long cạn kiệt, vợ anh phải đi làm thuê để đắp đổi cuộc sống qua ngày. Nhìn con rái cá làng biển ngày nào từng vùng vẫy khắp các vùng biển ở Đài Loan, Indonesia nay bị tàn phế, nhiều người không khỏi cảm thương. “Tôi cũng không biết cuộc sống sẽ ra sao, chỉ thương 2 con còn quá nhỏ”, anh chia sẻ mà mắt ầng ậng nước.

 

Sau lần bị nạn, thợ lặn Nguyễn Thành Long đi lại rất khó khăn.
 Sau lần bị nạn, thợ lặn Nguyễn Thành Long đi lại rất khó khăn.


Đã 7 năm trôi qua nhưng chị Lê Thị Ánh Nguyệt (41 tuổi, thôn Tây, có chồng bị tử nạn khi đi lặn biển ở Phan Thiết) vẫn chưa quên giây phút hãi hùng khi nhận được hung tin: “3 giờ sáng, người ta điện về báo tin anh ấy mất ngay ngoài biển khi vừa lặn chuyến đầu tiên. Nghe tin tôi chết lặng cả người, đứa con út mới 11 tháng tuổi đã mồ côi cha…”. Chồng mất đột ngột để lại cho chị 3 đứa con nhỏ, cùng căn nhà tuềnh toàng. Mỗi lần nhìn cảnh người ta đi biển trở về, gia đình vui vẻ, lòng chị lại quặn thắt nỗi đau. Khi đứa con nhỏ buột miệng hỏi “Ba đi đâu?” chị lại rơi nước mắt. Bây giờ, đứa con trai độc nhất của chị cũng đã tập tành đi biển. Mỗi khi nghe tiếng chuông điện thoại reo là chị lại giật mình bởi nỗi mất mát vẫn còn ám ảnh.

 

   Nhiều người ở Ninh Vân đã chết trẻ vì nghề lặn biển.
Nhiều người ở Ninh Vân đã chết trẻ vì nghề lặn biển.


Cách nhà chị Nguyệt vài bước chân, bà Phạm Thị Thành (thím chồng chị Nguyệt) cũng thấm thía nỗi đau từ nghề lặn. Không đến mức bỏ mạng ngoài khơi, nhưng ông Nguyễn Tê, chồng bà đã trải qua 10 năm nằm liệt giường trước khi mất.

 

Năm ấy, ông Tê hứa với bà sau chuyến lặn biển dài ngày sẽ chuyển sang nghề cá ven bờ cho đỡ nguy nan. Nhưng “ông đi được 1 tuần, bạn nghề gọi về báo ông bị liệt phải đưa đi cấp cứu. Suốt 1 năm đằng đẵng hết nằm bệnh viện lại đi châm cứu ở bác sĩ tư nhưng không bớt, bao nhiêu tiền của đội nón ra đi…”. Chồng bệnh nằm một chỗ, trụ cột gia đình không còn, bà Thành cùng 5 đứa con phải bươn chải kiếm sống. Nhờ gia đình bên ngoại ở TP. Hồ Chí Minh giúp đỡ, gia đình bà mới xây được nhà. Bây giờ, 2 đứa con trai bà Thành lại nối nghiệp cha. Mỗi lần con ra biển là bà lại phập phòng lo sợ, bởi hơn ai hết bà hiểu rõ cái từ “biển bạc”.  


Nghề lặn biển đã làm đổi thay cả một vùng quê Ninh Vân nhưng cũng đã tước đi mạng sống, làm không ít trai tráng làng biển trở thành người tàn tật, khiến nhiều người vợ trẻ trở thành góa phụ, nhiều đứa trẻ mồ côi cha… Thế nhưng, hấp lực của nghề lặn biển chưa bao giờ hết với người dân Ninh Vân. Những ngày này, nhiều thợ lặn của làng vẫn đang rục rịch chuẩn bị đi biển để kiếm tiền tiêu Tết.


XUÂN THÀNH