10:09, 10/09/2013

Những người tính nắng, đo mưa

Không quản ngày đêm, gió bão, mưa lũ, thậm chí hy sinh cả tính mạng, các cán bộ làm công tác khí tượng thủy văn như những người chiến sĩ thầm lặng với công việc bắt mạch ông trời, thu thập những số liệu cần thiết, góp phần giảm bớt thiệt hại do thiên nhiên gây ra.

Không quản ngày đêm, gió bão, mưa lũ, thậm chí hy sinh cả tính mạng, các cán bộ làm công tác khí tượng thủy văn (KTTV) như những người chiến sĩ thầm lặng với công việc bắt mạch ông trời, thu thập những số liệu cần thiết, góp phần giảm bớt thiệt hại do thiên nhiên gây ra.


Từ Trường Sa  


Trong chuyến thăm Trường Sa vào tháng 5-2013, vừa đặt chân lên đảo Trường Sa Lớn, đoàn cán bộ khoa học của tỉnh được chỉ huy đảo dẫn đi thăm một số công trình trên đảo như: Nhà tưởng niệm Bác Hồ, Đài liệt sĩ, chùa Trường Sa… Ngang qua 2 ngôi mộ nằm sát biển, đoàn công tác dừng lại thắp nhang. “Họ còn trẻ quá…”, vài thành viên trong đoàn ngậm ngùi. Một trong 2 ngôi mộ đó là của liệt sĩ Hoàng Văn Nghĩa, cán bộ Trạm Khí tượng hải văn Trường Sa (thuộc Đài KTTV Nam Trung bộ). Anh hy sinh khi vừa bước qua tuổi 23. Anh Vũ Đình Trung - Trạm trưởng Trạm Khí tượng hải văn Trường Sa cho biết: “Anh Nghĩa hy sinh trong một lần ra cầu tàu quan trắc mực nước biển. Đó là vào tháng 3-2010, tuy thời tiết xấu vì ảnh hưởng của cơn áp thấp nhưng anh vẫn đội mưa đi làm nhiệm vụ. Gió thổi mạnh, cầu lại trơn nên anh bị sóng đánh trôi. Vài giờ sau, chúng tôi mới tìm thấy thi thể anh”.

 

1
Phần mộ của liệt sĩ Hoàng Văn Nghĩa trên đảo Trường Sa Lớn.


Trạm Khí tượng hải văn Trường Sa có 7 cán bộ có tuổi đời còn rất trẻ. Cũng như những trạm khí tượng khác, họ luôn phải đối mặt với điều kiện làm việc đặc thù của ngành. Dù trời nắng hay mưa bão, công tác đo đạc, thu thập số liệu luôn phải đảm bảo kịp thời, chính xác. Nhiệm vụ của quan trắc viên là ghi lại thông tin về nắng, mưa, gió, nhiệt độ, độ ẩm tương đối, lượng bốc hơi… đã được mã hóa trong các hộp thu số liệu và chuyển về cho Đài KTTV Nam Trung bộ. Bên cạnh đó, Trạm còn có thêm nhiệm vụ quan trắc hải văn để cảnh báo thời tiết cho vùng biển Trường Sa. “Mưa gió ở đất liền đã mạnh, ở đảo xa còn dữ dội hơn gấp nhiều lần. Thế nhưng, chúng tôi vẫn phải khắc phục khó khăn để chuyển về những số liệu chính xác nhất. Bình thường, chúng tôi chỉ đo 4 lần/ngày, nhưng gặp thời tiết xấu, diễn biến thất thường, chúng tôi phải đo liên tục 30 phút/lần, kể cả ban ngày lẫn ban đêm”, anh Trung chia sẻ.


Trạm Khí tượng hải văn Song Tử Tây là một trạm phát báo quốc tế. Những số liệu của Trạm được chuyển về Đài KTTV khu vực Nam Trung bộ và Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương để các đài khí tượng quốc tế có thể sử dụng. “Việc đo đạc càng cụ thể, tỉ mỉ thì số liệu thu thập được càng chính xác. Vì vậy, chúng tôi luôn cố gắng không để xảy ra sai sót, ảnh hưởng đến công tác dự báo. Đặc biệt là những bản tin dự báo mưa bão, áp thấp nhiệt đới rất quan trọng đối với các ngư dân đánh bắt trên biển”, anh Trương Tiến Độ, Trạm trưởng bày tỏ.

 

Trạm thủy văn Đồng Trăng họp bàn các phương án chống lũ trước mùa mưa bão.
Trạm thủy văn Đồng Trăng họp bàn các phương án chống lũ trước mùa mưa bão.


Đến đất liền


Vào mùa nước lũ, con sông Cái trở nên hung dữ. Những con sóng dâng cao rồi bất ngờ đổ quật xuống, tạo thành dòng xoáy hút sâu xuống lòng sông. Tại nơi nguy hiểm nhất, những cán bộ của Trạm Thủy văn Đồng Trăng (xã Diên Lâm, Diên Khánh) vẫn lao ra giữa dòng nước lũ, bất kể hiểm nguy để đo đạc số liệu phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai. Trạm trưởng Nguyễn Công Đoàn, người có thâm niên 30 năm trong ngành, chia sẻ: Trạm Thủy văn Đồng Trăng là trạm cấp 1, nằm ở đầu nguồn sông Cái, có nhiệm vụ quan trắc mực nước, nhiệt độ nước, nhiệt độ không khí, lượng mưa, lưu lượng phù sa… Những số liệu được thu thập và báo về cho Đài KTTV Nam Trung bộ làm cơ sở cho công tác dự báo tình hình lũ lụt nhằm hạn chế và giảm thiểu thiệt hại cho toàn bộ vùng hạ nguồn sông Cái. Trong 8 tháng mùa khô (từ tháng 1 đến tháng 8), quan trắc viên thực hiện chế độ đo 2 lần/ngày, vào mùa lũ (tháng 9 đến tháng 12), mỗi ngày đo tới 30 lần. “Trời mưa lũ lụt, người ta chạy vào nhà để tránh còn mình thì càng mưa lũ nhiều lại càng phải ra sông nhiều” - anh Đoàn nói tếu.  

 

Anh Võ Sơn quan sát bóng Pilot thông qua máy kinh vĩ quang học.
Anh Võ Sơn quan sát bóng Pilot thông qua máy kinh vĩ quang học.

 
Đang miệt mài với công việc của mình, chị Phí Thị Phương, quan trắc viên hớt hải chạy vào báo mực nước sông Cái có biến động. Ngay lập tức, ca trực gồm 4 người do anh Bùi Xuân Anh làm ca trưởng vội vàng chuẩn bị dụng cụ để thực hiện đi ốp (ca quan trắc). Cả 4 người lội nước lên thuyền. Áo phao, phao cứu sinh đã được chuẩn bị sẵn trên khoang. Không ai bảo ai, mỗi người tự lấy một chiếc mặc vào mình. Thuần thục từng thao tác, người nổ máy lái thuyền, người vào buồng máy ghi chép, người quay ròng rọc gắn cá sắt đo độ phù sa, lưu lượng nước rồi thả xuống sông. “Lòng sông này được bố trí 8 điểm đo, mỗi điểm đo mất 5 phút. Thực hiện xong một vòng cũng mất cả tiếng đồng hồ. Khó xử lý nhất là lúc đến điểm giữa dòng, nước lũ tràn về, rác tấp đầy, mắc vào thuyền sắt, dụng cụ đo. Xử lý không khéo là cả người và dụng cụ rớt xuống nước, lái thuyền sơ ý là chìm như chơi”, anh Xuân Anh cho biết. Khi trời mưa bão là lúc công việc của những người làm công tác thủy văn gặp gian nan, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Lũ thường về bất ngờ vào ban đêm nên phần lớn họ phải thức trắng đêm để làm nhiệm vụ. “Còn nhớ trận lũ lớn năm 2009, khi mực nước sông Cái dâng cao lên tới hơn 14m, chiếc cầu Phú Cốc - con đường duy nhất để tới trạm bị ngập và đánh gãy khiến toàn bộ khu vực xung quanh trạm bị tê liệt. Lần đó, chúng tôi phải ăn mì tôm cả tuần”, chị Phương kể lại.

 

Quan trắc mực nước trên sông Cái.
Quan trắc mực nước trên sông Cái.


Vừa bước vào Trạm Khí tượng Nha Trang (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang), chúng tôi bắt gặp một người đàn ông đứng tuổi đang loay hoay gí sát mắt vào chiếc máy nhỏ xíu được đặt trên chiếc trụ sắt cao khoảng 1m, vừa quan sát vừa nhìn đồng hồ và ghi chép. Thấy chúng tôi tò mò, anh Hoàng Văn Xuân - Trạm trưởng nhanh nhẹn nói: “Đó là anh Sơn Pi - lốt!” Sở dĩ mọi người trong trạm gọi vậy là bởi 20 năm làm trong ngành khí tượng thì hơn chục năm, anh Võ Sơn gắn bó với quả bóng Pilot để đo gió trên cao bằng máy kinh vĩ quang học. Hàng ngày, chẳng kể nắng hay mưa, từ 6 giờ 30 đến 10 giờ 30, anh Sơn ra vườn thả bóng để quan sát tốc độ và hướng gió. Cứ một phút anh lại quan sát và ghi chép một lần. “Nếu không quan sát kịp thời là mất bóng ở thời điểm đó, việc thu thập số liệu, dự báo thời tiết sẽ không được chính xác”, anh Sơn chia sẻ. Trời mỗi lúc một nắng gắt, những giọt mồ hôi chảy dài trên khuôn mặt đen sạm, lưng áo ướt đẫm nhưng anh vẫn miệt mài làm việc. Công việc tưởng chừng nhẹ nhàng nhưng có chứng kiến mới biết được những vất vả của một quan trắc viên.

 

KTTV5: Anh Hoàng Văn Xuân thay giản đồ cho máy đo thời gian nắng trong ngày.
Anh Hoàng Văn Xuân thay giản đồ cho máy đo thời gian nắng trong ngày.

 

Trạm Khí tượng Nha Trang là trạm cấp 1 phát báo quốc tế nên một ngày quan trắc viên thực hiện 8 lần đi ốp vào những khung giờ: 1 giờ, 4 giờ, 7 giờ, 10 giờ, 13 giờ, 16 giờ, 19 giờ, 22 giờ. Đây cũng là trạm duy nhất ở Khánh Hòa có thả bóng Pilot. Công việc ở trạm đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác cao. “Làm công việc bắt mạch ông trời cực lắm. Ngày nắng ráo thì không sao chứ những ngày giông bão, chúng tôi phải trực 24/24, kiểm tra kỹ những diễn biến bất thường của thời tiết. Về đêm, khi mọi người ngon giấc thì chúng tôi phải thức trực ca, ghi chép, chuyển thông tin kịp thời cho Đài”, anh Hoàng Văn Xuân tâm sự.

 

Các quan trắc viên Trạm Thủy văn Đồng Trăng thực hiện các thao tác lắp cá sắt để thả xuống lòng sông đo độ phù sa.
Các quan trắc viên Trạm Thủy văn Đồng Trăng thực hiện các thao tác lắp cá sắt để thả xuống lòng sông đo độ phù sa.

 
Như người chiến sĩ thầm lặng

 

Ông Nguyến Tấn Hương - Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Nam Trung bộ: “Thời gian tới, dự án hiện đại hóa ngành Khí tượng thủy văn sẽ được triển khai. Dự án sẽ trang bị những thiết bị, máy móc tự động thu thập số liệu ngoài trời và truyền vào trong nhà để xử lý, qua đó sẽ giảm bớt sự vất vả, khó khăn và nguy hiểm cho cán bộ làm công tác khí tượng thủy văn”.

Công việc của quan trắc viên chẳng khác nào người lính thầm lặng đong đếm những biến chuyển của trời, đất để cuộc sống người dân bình yên hơn. Ngày này qua ngày khác, họ đối diện với nắng, gió, mưa, bão và hàng ngàn con số. Thế nhưng, chúng tôi vẫn cảm nhận ở họ một tình yêu và sự gắn bó với nghề. Hàng năm, những cán bộ trẻ, đảng viên gương mẫu vẫn tình nguyện công tác tại những trạm xa xôi, khó khăn từ hải đảo đến miền núi cao. Ngày lễ, Tết, mọi người được sum họp bên gia đình, còn họ vẫn cần mẫn tính nắng, đo mưa. Sau một năm, họ lại miệt mài tổng hợp, chỉnh biên số liệu để đưa ra những đặc điểm chung, khái quát phục vụ cho các chuyên ngành giao thông, xây dựng, thủy lợi, quốc phòng… Ông Nguyễn Tấn Hương - Giám đốc Đài KTTV Nam Trung bộ đánh giá: “Cán bộ làm công tác KTTV vẫn luôn được xem là những người chiến sĩ thầm lặng chiến đấu trên mặt trận phòng, chống thiên tai để phục vụ nhân dân. Tính mạng của họ có thể bị đe dọa do gió lốc, lũ quét, mưa bão nhưng họ vẫn thu thập và chuyển tải được những số liệu kịp thời, chính xác. Công việc của họ đóng góp rất lớn cho công tác dự báo, phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra”.


Chứng kiến công việc của các cán bộ ngành KTTV khiến chúng tôi nhớ tới truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của nhà văn Nguyễn Thành Long. Câu chuyện kể về cuộc sống của chàng thanh niên là cán bộ khí tượng, sống một mình trên đỉnh núi cao Sa Pa, bốn bề chỉ có cây cỏ và mây mù lạnh lẽo. Công việc của anh là đo gió, mưa, nắng, mây, đo chấn động mặt đất, dự báo trước thời tiết hàng ngày phục vụ sản xuất, chiến đấu. Dẫu có khó khăn, gian khổ nhưng họ luôn giữ được sự lạc quan, yêu nghề.

 

MẠNH HÙNG - HOÀNG DUNG