10:09, 28/09/2013

Xe open tour trá hình vẫn tiếp tục vi phạm

 Theo quy định, những loại xe này chỉ dành cho khách đi du lịch theo tour, theo hợp đồng nên được đón, trả khách tại trung tâm thành phố. Núp dưới hình thức này, nhiều hãng xe đã cho xe vào trung tâm thành phố để đón, trả khách lẻ, gây mất an toàn giao thông.

Cách đây không lâu, Báo Khánh Hòa đã có bài viết phản ánh về tình trạng các doanh nghiệp (DN) lấy danh nghĩa vận tải du lịch lữ hành (open tour) để hoạt động, đón, trả khách trong trung tâm thành phố, gây bức xúc cho các DN vận tải khách tuyến cố định và mất an toàn giao thông. Tuy nhiên, đến nay tình trạng này vẫn chưa được giải quyết mà ngày càng công khai, sôi nổi hơn.  

 “Treo đầu dê bán thịt chó”

Ông Nguyễn Quốc Dũng - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an TP. Nha Trang: “Do các hoạt động này thường diễn ra ngoài giờ hành chính (vào sáng sớm hoặc ban đêm) và các vi phạm diễn ra rất nhanh nên lực lượng Thanh tra giao thông và Cảnh sát giao thông Công an TP. Nha Trang rất khó xử lý. Cùng với đó, mức xử phạt các lỗi vi phạm thông thường như: Đậu, đỗ xe không đúng nơi quy định không cao nên các DN “lờn thuốc” và tiếp tục vi phạm”.

Vào 8 giờ và 20 giờ hàng ngày, tại các tuyến đường trung tâm TP. Nha Trang như: Nguyễn Chánh, Nguyễn Thiện Thuật, Đinh Tiên Hoàng, Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám, Lý Tự Trọng… có khá nhiều xe núp bóng “open tour” tự tổ chức bán vé, ngang nhiên đón, trả khách không đúng nơi quy định. Tình trạng này diễn ra khá công khai và phổ biến nhưng hiếm khi thấy lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý. Ông Nguyễn Văn Hòa - một người dân sống trên đường Đinh Tiên Hoàng cho biết: “Tối nào cũng có 2, 3 xe của hãng Trà Lan Viên đậu dưới lề đường đón khách. Những ngày lễ, Tết tại khu vực này rất ồn ào, với rất đông người tới gửi hàng, mua vé, đi xe… Mọi việc diễn ra tấp nập không khác gì ở bến xe”.

Hành khách ngồi chờ xe tại phòng bán vé xe Tân Hoàng Long. Ảnh: Thảo Ly
Hành khách ngồi chờ xe tại phòng bán vé xe Tân Hoàng Long. Ảnh: Thảo Ly

Anh Ngọc Vinh - hành khách thường xuyên đi tuyến Nha Trang - TP. Hồ Chí Minh cho biết anh đang học đại học ở TP. Hồ Chí Minh, nên một năm đi về 3, 4 lần và chủ yếu đi xe open tour. Loại hình này đặt vé tiện lợi, chỉ cần gọi điện đặt chỗ, trước giờ xuất phát đến văn phòng lấy giấy ghi giờ đi, số xe. Các xe open tour đón, trả khách trong trung tâm thành phố nên rất tiện cho người đi. “Ngày thường, tôi đi giá khoảng 200.000 đồng/vé. Ngày lễ, Tết giá có thể tăng gấp đôi hoặc hơn nhưng tôi vẫn chấp nhận. Vì có lần tôi đi xe từ bến vào TP. Hồ Chí Minh, xuống Bến xe Miền Đông bị cánh xe ôm, xe dù chèo kéo nên rất mệt” - anh Ngọc Vinh nói.

Trong vai một khách hàng đặt vé đi TP. Hồ Chí Minh, sau cuộc điện thoại giao dịch, chúng tôi tới phòng vé Trà Lan Viên và được nhân viên giao một tờ giấy biên nhận ghi đầy đủ thông tin ngày, giờ đi, số tiền được ghi ký hiệu ở một góc nhỏ của tờ giấy. Khi chúng tôi hỏi vé, nhân viên của hãng cho biết chỉ cần tờ giấy này là đủ. Điểm khác biệt ở những chiếc xe này với xe tuyến cố định là phía trước, bên hông hoặc sau xe luôn có dòng chữ xe giường nằm cao cấp “du lịch lữ hành” hoặc “Open tour”. Theo quy định, những loại xe này chỉ dành cho khách đi du lịch theo tour, theo hợp đồng nên được đón, trả khách tại trung tâm thành phố. Núp dưới hình thức này, nhiều hãng xe đã cho xe vào trung tâm thành phố để đón, trả khách lẻ, gây mất an toàn giao thông.

Ông Trần Chí Tài - Phó Giám đốc Công ty TNHH Cúc Tùng cho biết: “Hầu hết các DN này đều núp bóng đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành để bán vé tuyến cố định, đây gọi là “treo đầu dê bán thịt chó”. Các hãng có tuyến xe cố định thì giá vé ổn định, lễ hoặc Tết chỉ tăng khoảng 30 - 40%. Còn các xe open tour giá vé tăng giảm vô tội vạ. Ngày thường có khi hạ xuống còn 2/3 so với mức giá chung, ngày lễ, Tết thì tăng lên gấp đôi, gấp ba. Việc này làm ảnh hưởng nhiều đến các xe chạy tuyến cố định”.

Mọi việc diễn ra chủ yếu vào ban đêm và rất nhanh chóng. (Ảnh chụp tại đường Trần Hưng Đạo) Ảnh: Thảo Ly
Mọi việc diễn ra chủ yếu vào ban đêm và rất nhanh chóng. (Ảnh chụp tại đường Trần Hưng Đạo) Ảnh: Thảo Ly

Bà Nguyễn Thị Phương Anh - Giám đốc hãng xe Hà Linh (thường tổ chức đón khách tại đường Trần Hưng Đạo) cho biết, hãng đăng ký kinh doanh vận tải khách với 2 hình thức: Theo tuyến cố định và theo hợp đồng (open tour). Các xe hợp đồng được đón trả khách theo địa điểm xác định trong thành phố. Để tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách, hãng chỉ đón trả khách trong thành phố bằng xe trung chuyển để về bến. Tuy nhiên, có khi do lượng khách quá đông, xe trung chuyển không đủ nên xe khách cũng có vào các đường phố trung tâm để đón.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn tỉnh hiện nay có hơn 10 hãng xe kinh doanh theo hình thức open tour, mỗi hãng có khoảng 3 - 5 đầu xe. Bình quân mỗi ngày có khoảng 80 chuyến xe open tour “xuất bến” đón khách.

Khó khăn trong xử lý

Theo quy định, việc kinh doanh vận tải khách có 4 hình thức: Kinh doanh theo tuyến cố định; theo hợp đồng (open tour); kinh doanh taxi và xe buýt. Một số DN vận tải khách lợi dụng hình thức vận chuyển khách theo hợp đồng để vào trung tâm thành phố đón, trả khách lẻ. Các DN này thường gom khách lẻ chờ tại một địa điểm, lập danh sách và hợp thức hóa bằng cách ký khống hợp đồng tour với một đối tượng nào đó. Do vậy, khi bị cơ quan chức năng kiểm tra, họ vẫn ung dung xuất trình đầy đủ giấy tờ kinh doanh. Ngoài ra, vin vào giá hợp đồng nên những DN này không đăng ký giá vé vận tải khách. Khi bị các cơ quan chức năng của tỉnh xử lý vi phạm và không cấp giấy phép kinh doanh mới, các DN này lại lách luật bằng cách đến tỉnh khác xin cấp phép hoạt động tour, làm đăng ký kinh doanh mới và lại tiếp tục đón, trả khách trong trung tâm TP. Nha Trang.

Ông Nguyễn Văn Dần - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) xác nhận, từ trước đến nay loại hình kinh doanh này lực lượng Thanh tra của Sở chỉ mới xử lý ở mức dừng, đỗ xe không đúng nơi quy định. Còn vi phạm kinh doanh không đúng với loại hình đăng ký (đón khách lẻ, không xuất vé, không kiểm soát được giá vé) thì vẫn chưa xử lý được. Các cơ quan chức năng đã phối hợp kiểm tra nhưng do họ đã hợp thức hóa số hành khách trên xe bằng hợp đồng và giao dịch vé bằng miệng nên không đủ cơ sở pháp lý để xử lý.

Tuy đã hơn 20 giờ nhưng vẫn có  người đến giao dịch tại phòng  bán vé xe Trà Lan Viên . Ảnh: Thảo Ly
Tuy đã hơn 20 giờ nhưng vẫn có người đến giao dịch tại phòng bán vé xe Trà Lan Viên . Ảnh: Thảo Ly

Chi cục Thuế TP. Nha Trang cho biết, theo quy định của Luật Quản lý thuế, các DN tự khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm về tình hình kê khai nộp thuế. Hàng tháng, căn cứ hồ sơ khai thuế của DN, cơ quan Thuế kiểm tra, đối chiếu, so sánh việc kê khai nhằm phát hiện sai sót và yêu cầu DN điều chỉnh kịp thời. Tuy nhiên, đối với loại hình dịch vụ này do khách hàng thường không có nhu cầu lấy vé hoặc hóa đơn; các đơn vị này thường hoạt động ngoài giờ hành chính, có nhiều điểm bán vé dọc theo tuyến đường xe chạy, vì vậy, ngành Thuế cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý giá cũng như doanh thu bán hàng.

Từ đầu năm đến nay, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã tiến hành kiểm tra 18 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, trong đó có các DN kinh doanh theo hình thức open tour. Qua kiểm tra, có 9 đơn vị bán vé cao hơn mức kê khai gồm: Việt Nhật, Tâm Hạnh, Hà Linh, Quang Hạnh, Tân Hoàng Long, Trà Lan Viên, Phương Nam, Nam Phương, Hà Phương. Đoàn đã lập biên bản và thu lại tiền chênh lệch trả cho khách hơn 68 triệu đồng, nộp ngân sách 8,1 triệu đồng; đồng thời đề nghị các đơn vị dừng ngay việc bán vé tăng giá. Ông Nguyễn Bé - Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết,  sau đợt kiểm tra, Sở Tài chính đã tham mưu UBND tỉnh, yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải thu tiền của khách bằng giấy biên nhận hoặc phiếu đặt chỗ, phải thực hiện việc phát hành vé hoặc hóa đơn theo quy định tại Thông tư số 191 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, sử dụng hóa đơn vận tải hành khách bằng ô tô.

Sẽ giải quyết dứt điểm 

Trên địa bàn tỉnh hiện có các DN kinh doanh loại hình xe open tour như: Tân Hoàng Long, Trà Lan Viên, Nam Phương, Hạnh Cà Phê, Phương Trang, Hà Linh, Nhị Phi, Tâm Hạnh, Hà Linh, Việt Nhật…

Từ đầu năm đến nay, Thanh tra giao thông đã xử lý 5.448 vụ vi phạm an toàn giao thông với số tiền xử phạt 5,3 tỷ đồng; trong đó có 110 vụ xe open tour. Các lỗi vi phạm chủ yếu là đậu, đỗ, đón, trả khách không đúng nơi quy định.

Được biết, ngày 1-10-2013, Thông tư 18 của Bộ GTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ có hiệu lực thi hành. Theo quy định này, vị trí đón, trả khách phải được UBND tỉnh phê duyệt. Thông tư 18 còn nghiêm cấm các đơn vị kinh doanh vận tải hợp đồng bán vé dưới mọi hình thức. Đồng thời xe đăng ký biển số ở tỉnh muốn đến các tỉnh, thành khác đăng ký kinh doanh phải có xác nhận của Sở GTVT tỉnh đó.

Ngoài ra, Thông tư 23 của Bộ GTVT quy định về cung cấp, quản lý và sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình xe ô tô sẽ có hiệu lực vào 15-10-2013. Theo quy định này, việc giám sát, quản lý hành trình xe ô tô sẽ được Tổng Cục đường bộ Việt Nam quản lý, hàng tháng Tổng Cục sẽ gửi thông báo lỗi vi phạm của các đơn vị kinh doanh vận tải cho Sở GTVT các tỉnh và yêu cầu xử lý lái xe và đơn vị vi phạm. Cùng với đó, Nghị định 93 quy định các đơn vị kinh doanh sai mục đích sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh… Những quy định này sẽ là cơ sở pháp lý để các cơ quan chức năng xử lý triệt để các hình thức kinh doanh không đúng với quy định, trong đó có hình thức núp bóng open tour.

Tuy nhiên, theo ông Dần, để giải quyết dứt điểm tình trạng này, Bộ GTVT cần quy định các biện pháp chế tài xử phạt cụ thể hơn như: Thu hồi giấy phép kinh doanh, phù hiệu, không xét cấp phù hiệu vận tải đối với hành vi lập bến trái phép, bán vé lẻ sai quy định của các DN kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng open tour. Qua đó, các cơ quan quản lý mới có cơ sở pháp lý để xử lý các cơ sở vi phạm, hạn chế được các trường hợp lách luật. Ngoài ra, cần có quy định về sự phối hợp đồng bộ giữa các Sở GTVT ở các địa phương nhằm ngăn chặn, xử lý triệt để mô hình hoạt động xe open tour.

N.H