05:08, 21/08/2017

Chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe đối với người có công

Hỏi: Ở địa phương tôi thấy có một số người được hưởng chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe đối với người có công (NCC), nhưng cũng có người không được. Xin hỏi chế độ điều dưỡng đối với NCC được Nhà nước quy định thế nào?

 

Hỏi: Ở địa phương tôi thấy có một số người được hưởng chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe đối với người có công (NCC), nhưng cũng có người không được. Xin hỏi chế độ điều dưỡng đối với NCC được Nhà nước quy định thế nào?


Phan Hoài  (xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa)


Trả lời: Chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe đối với NCC với cách mạng và thân nhân được quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC của liên bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) và Bộ Tài chính, tùy thuộc đối tượng, được điều dưỡng mỗi năm hoặc hai năm một lần.


Thứ nhất: Đối tượng được điều dưỡng phục hồi sức khỏe mỗi năm một lần:


a) Người hoạt động cách mạng trước ngày 1- 1- 1945;


b) Người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945;


c) Cha đẻ, mẹ đẻ chỉ có một con mà người con đó là liệt sĩ hoặc cha đẻ, mẹ đẻ có hai con là liệt sĩ trở lên;


d) Bà mẹ Việt Nam Anh hùng;


đ) Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh và thương binh loại B (gọi chung là thương binh), bệnh binh có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật từ 81% trở lên;


e) Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do ảnh hưởng của chất độc hóa học từ 81% trở lên;


g) NCC giúp đỡ cách mạng được Nhà nước tặng Kỷ niệm chương Tổ quốc ghi công hoặc Bằng Có công với nước.


Thứ hai: Đối tượng được điều dưỡng phục hồi sức khỏe hai năm một lần:


a) Cha đẻ, mẹ đẻ của liệt sĩ; NCC nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; vợ hoặc chồng của liệt sĩ; con liệt sĩ bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng;


b) Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến;


c) Thương binh, bệnh binh có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật dưới 81%;


d) Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do ảnh hưởng của chất độc hóa học dưới 81%;


đ) Người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày;


e) NCC giúp đỡ cách mạng trong kháng chiến đang hưởng trợ cấp hàng tháng.


Hàng năm, phòng LĐ-TB-XH lập danh sách đối tượng được điều dưỡng gửi sở LĐ-TB-XH quyết định. Quyết định đối tượng đưa đi điều dưỡng tập trung phải bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và tình trạng sức khỏe của đối tượng.


Luật sư Nguyễn Thiện Hùng