10:11, 07/11/2013

Băng ghi âm có được coi là chứng cứ?

Tôi cho một người thân trong gia đình vay một số tiền lớn nhưng không lập văn bản nên hiện nay người đó không thừa nhận việc vay.

- Hỏi: Tôi cho một người thân trong gia đình vay một số tiền lớn nhưng không lập văn bản nên hiện nay người đó không thừa nhận việc vay. Theo tư vấn của một người bạn, tôi đã ghi âm một cuộc nói chuyện, trong đó đề cập đến việc vay tiền và  người đó cũng đã có một vài câu xác nhận việc vay nợ. Nay tôi muốn sử dụng băng ghi âm đó để làm bằng chứng trước Tòa để vạch trần sự gian dối của người đó có được không?


Nguyễn Thị Mai (Ba Ngòi, Cam Ranh)


- Trả lời: Theo quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự về chứng cứ thì các tài liệu nghe được, nhìn được đều được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó. Như vậy, băng ghi âm được xem là một trong những nguồn của chứng cứ. Tuy nhiên, để được xem là chứng cứ thì băng ghi âm đó phải được thực hiện theo một quy trình pháp luật chặt chẽ. Theo Nghị quyết số 04/2005/NQ-HĐTP ngày 17-9-2005 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn về Chứng cứ và Chứng minh, để băng ghi âm đó được công nhận là chứng cứ thì bà phải xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ của băng ghi âm đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm. Nếu bà không xuất trình các văn bản này, thì băng ghi âm đó không được coi là chứng cứ. Trong trường hợp này, bà cần phải có văn bản trình bày mọi việc liên quan tới việc thu âm tức là việc ghi âm tiến hành như thế nào, hoàn cảnh, không gian, thời điểm, đối tượng, nội dung...


Lưu ý với bà rằng, việc giao nộp chứng cứ cần được tiến hành trước khi phiên Tòa diễn ra. Nếu trong quá trình xét xử bà mới công bố băng ghi âm đó thì sẽ không được Tòa án chấp nhận.


Luật gia Minh Hương