08:09, 30/09/2017

Đòi nợ kiểu hồ đồ…

Từ đầu phiên tòa tới trước khi luận tội, bị cáo P.T.A.T (sinh năm 1971, trú xã Vĩnh Hiệp, TP. Nha Trang) tỏ ra khá vui vẻ như không hề nghĩ mình phạm tội. Khai tại tòa, T. nói, trên đường đi chợ, gặp chị M., bị cáo hỏi tiền góp, nhưng chị M. chỉ bảo "không có" rồi bỏ đi luôn.

Từ đầu phiên tòa tới trước khi luận tội, bị cáo P.T.A.T (sinh năm 1971, trú xã Vĩnh Hiệp, TP. Nha Trang) tỏ ra khá vui vẻ như không hề nghĩ mình phạm tội. Khai tại tòa, T. nói, trên đường đi chợ, gặp chị M., bị cáo hỏi tiền góp, nhưng chị M. chỉ bảo “không có” rồi bỏ đi luôn. Điều đó khiến bị cáo thấy bực bội. Khi bị cáo đi theo hỏi khi nào đưa được thì chị M. chỉ nói bao giờ đi bán thì trả. Lúc đó, bị cáo thấy rất uất ức và nghĩ, rõ ràng mình cho vay sao giờ phải năn nỉ như xin được vay vậy. Đúng lúc đó, bị cáo thấy chị M. đeo dây chuyền nên giật luôn, chỉ nghĩ đơn giản là để có tài sản trừ nợ, chẳng hề nghĩ làm sai. Bị cáo còn đoán sợi dây chuyền đó chừng 2 chỉ, nếu chị M. không chịu trả tiền thì bị cáo cầm luôn sợi dây, thiệt chừng 2 triệu đồng cũng được.


Chị M. bức bối cho biết, chị đã giải thích do mấy hôm chợ ế, không bán được hàng nên từ từ, vài ngày nữa chị trả, nhưng bị cáo T. nhất quyết không chịu, một mực đi theo đòi trả hết, sau đó giật sợi dây chuyền chị đang đeo. Bị cáo còn thừa nhận đã giật dây chuyền để trừ nợ. Chị nói nếu giật dây chuyền của chị thì chị sẽ không trả nợ. Hai mẹ con chị lên xe máy đuổi theo đòi lại thì chỉ nhận được câu trả lời: Muốn kiện lên công an!


Nhân chứng, là người chở bị cáo T. về cho biết, trên đường về, T. có cho anh biết việc giật dây chuyền. Lúc đó, mẹ con chị M. chạy xe theo hò hét đòi, điều khiển xe rất nguy hiểm nên anh đã đề nghị hai bên cùng đến công an giải quyết, nhưng họ không chịu, vì vậy, anh bảo họ về rồi báo công an. Anh cũng khuyên bị cáo tới công an giải quyết và hôm sau T. ra đầu thú. Vị thẩm phán cũng phân tích thêm: Bị cáo muốn đòi nợ cũng không thể vì vậy mà cướp giật đồ theo kiểu siết nợ. Nếu người ta không trả được ngay, hai bên có thể thương lượng, thậm chí báo chính quyền, kiện ra tòa…


Trường hợp như bị cáo T. không phải duy nhất. Mới đây, 2 bị cáo H.N.D (sinh năm 1987, trú Vạn Khánh, Vạn Ninh) và B.K.N (sinh năm 1992, trú Vạn Phú, Vạn Ninh) đã phải lãnh án cùng về tội cướp tài sản. Nguồn cơn phạm tội cũng xuất phát từ món nợ khó đòi. Bị cáo D. khai nhận, D. có bán nợ cho anh Q. một gốc trầm với giá 7 triệu đồng, nhưng anh Q. nợ nửa năm không trả. D. đòi nhiều lần, anh Q. đã không trả lại còn hăm dọa đòi đánh, khiến bị cáo rất ức chế. Đúng lúc đó, bị cáo thấy anh Q. rao bán trên mạng một viên đá ruby nhân tạo màu đỏ nên mới rủ N. hẹn anh này ra quán cà phê đòi tiền, nếu không trả thì lấy đá trừ nợ. Khi bị cáo và N. dọa nạt, đánh anh Q. và bạn anh Q., lấy được đá, điện thoại, bị cáo đã nói rõ khi nào trả tiền thì sẽ trả lại đồ.


Tranh luận với đại diện viện kiểm sát sau khi nghe luận tội, bị cáo D. chỉ biết thở dài và nói: “Bị cáo chỉ nhất thời phạm tội, ngay hôm sau, bị cáo đã mang đá đi giao nộp công an”. Còn bị cáo T. buồn bã than: “Bị cáo chỉ nghĩ lấy dây chuyền để trừ nợ thôi, ngay hôm sau bị cáo đã đầu thú, giao nộp lại. Tất cả cũng do bị cáo quá nôn nóng muốn đòi khoản tiền góp 10 triệu đồng mà chị M. nợ không đưa”.


Lẽ đương nhiên, có nợ phải đòi; nhưng đòi nợ cũng phải đúng luật. Có lẽ, nhiều người cũng như các bị cáo, suy nghĩ đơn giản miễn sao đòi được nợ. Nhưng nếu cứ hành động hồ đồ như các bị cáo trên, thì từ chủ nợ, rất có thể trở thành bị cáo!   


TAM THUẬT