10:06, 02/06/2017

Thận trọng với mạng xã hội

Ngày ra tòa, 2 nam sinh viên học tại TP. Hồ Chí Minh đều khóc. C.Đ.H.H (sinh năm - SN 1996) và P.H.T.T (SN 1992) khai, họ biết mua bán tiền giả là vi phạm pháp luật, nhưng vì thiếu tiền đóng học phí nên tặc lưỡi làm liều và tự nhủ chỉ giải quyết tạm thời, ngờ đâu… Khóc nhiều nhất là T. ....

Ngày ra tòa, 2 nam sinh viên học tại TP. Hồ Chí Minh đều khóc. C.Đ.H.H (sinh năm - SN 1996) và P.H.T.T (SN 1992) khai, họ biết mua bán tiền giả là vi phạm pháp luật, nhưng vì thiếu tiền đóng học phí nên tặc lưỡi làm liều và tự nhủ chỉ giải quyết tạm thời, ngờ đâu… Khóc nhiều nhất là T. Trước đó, T. là sinh viên năm 4, chỉ còn ít ngày là tốt nghiệp, nhưng giờ tất cả đã dang dở. Tham gia mua tiền giả 2 lần, lần đầu trả lại vì tiền xấu, lần sau T. bỏ ra 1,5 triệu đồng, mới lấy được 300.000 đồng tiền giả. 3 năm 6 tháng tù không quá dài, nhưng với T. cũng đủ khép lại 4 năm học đại học và làm lại từ đầu khi ra tù. Còn H., vốn là sinh viên giỏi, nhưng cũng bị mức lời cao thu hút tham gia vào đường dây. T.M.H (SN 1998, trú xã Vĩnh Hiệp, TP. Nha Trang) tham gia đường dây này có lẽ vì thiếu hiểu biết pháp luật và vì cha mẹ mất sớm, sống cùng dì, gia cảnh khó khăn. Th., cô công nhân vốn có việc làm, tuy lương không cao nhưng ổn định, đã bỏ ra 1 triệu đồng dành dụm mua 3 triệu đồng tiền giả, còn nhờ người yêu chở đi mua. Kẻ sản xuất tiền giả - B.Q.H (SN 1983, trú Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) cũng chỉ nảy sinh ý định phạm tội qua theo dõi mạng facebook cộng đồng “mua bán tiền giả uy tín” và “học hỏi” từ những chia sẻ làm, mua bán tiền giả. Tiếc cho nghề điêu khắc gỗ được đào tạo nửa chừng bị Q.H dùng vào việc phạm tội!


Trước tòa, các bị cáo đều khai nhận không hề quen biết nhau trực tiếp mà chỉ quen qua mạng. Điểm gắn kết các bị cáo chính là khoản tiền lời gấp 2, gấp 3 nếu trót lọt, cùng cách thức làm ăn được quảng cáo là dễ dàng. Trong khi đó, tính đến ngày bị phát hiện, mới chỉ có vài đối tượng thu lời từ bán tiền giả, còn chủ yếu tiêu thụ lặt vặt: mua ly nước mía, thực phẩm, sim, card điện thoại… nhưng hầu hết đều bị trả lại do nghi ngờ. Đáng nói, chẳng thành viên nào cảnh báo trên mạng về nguy cơ bị bắt!


Cũng từ quen biết qua mạng facebook, một em gái (SN 2001) đã theo người bạn mới quen về phòng trọ, để bị N.T.L (SN 1988, trú xã Ninh Thân, thị xã Ninh Hòa) ở cùng phòng dụ xem facebook và lợi dụng sơ hở, giở trò đồi bại.


Buồn hơn là cô gái quen bị cáo N.V.H (SN 1993, trú xã Vĩnh Lương, Nha Trang) qua zalo. Chuyện bắt đầu từ thời điểm cô nhận lời đi ăn uống cùng H. và để H. chở về rồi giở trò xấu. Đáng lên án nữa là sau khi làm nhục cô gái, H. còn chụp hình, đe dọa phát tán ảnh “nóng” lên mạng xã hội để buộc cô gái im lặng. Được thể, H. tiếp tục dùng ảnh “nóng” uy hiếp, buộc cô gái phải tiếp tục gặp gỡ để cho quan hệ. Mọi chuyện chỉ dừng lại khi cô gái vượt qua mặc cảm bản thân và báo công an…


Từ kết bạn ảo trong hội chơi tiền giả, một nhóm thanh niên đã không làm chủ được cám dỗ đồng tiền; một em gái bị xâm hại từ mối quan hệ qua facebook; một cô gái bị làm nhục, o ép bởi bạn quen qua zalo…; chuyện của họ không giống nhau, nhưng cảm giác tiếc nuối có lẽ đều có với tất cả. 3 vụ án xét xử liên tiếp chính là bài học về sự thận trọng khi sử dụng mạng xã hội, tránh trở thành nạn nhân của nó.


TAM THUẬT