06:04, 01/04/2017

Thách đố chết người

Tham gia phiên tòa xét xử bị cáo Đ.T.P.P (sinh năm 2002, trú phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang) với tư cách nhân chứng có khá nhiều người cùng trang lứa với bị cáo, đa phần học lớp 8, lớp 9. Thấy một bạn khai có vẻ ngô nghê, tất cả, kể cả bị cáo, vẫn hồn nhiên cười hoặc vô tư chen ngang nhắc.

Tham gia phiên tòa xét xử bị cáo Đ.T.P.P (sinh năm 2002, trú phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang) với tư cách nhân chứng có khá nhiều người cùng trang lứa với bị cáo, đa phần học lớp 8, lớp 9. Thấy một bạn khai có vẻ ngô nghê, tất cả, kể cả bị cáo, vẫn hồn nhiên cười hoặc vô tư chen ngang nhắc. Ra tòa, các nhân chứng vẫn hồn nhiên xưng “cháu”, “con”, rồi người khai được rủ đi “coi đánh nhau”, kẻ nói được đưa cho dao nhưng không biết đâm ai, cũng không dám đâm…


Căn nguyên mâu thuẫn, như P. khai, là do trước đó nhóm của bị hại đã đánh 2 người bạn nhóm P. Biết tin, nhóm P. tìm gặp nói chuyện, nhưng “tụi nó không xin lỗi mà còn thách đố đánh nhau”, P. nói ấm ức. Tại điểm hẹn ở khu vực công viên, hai nhóm thống nhất mỗi bên chọn một người ra “cạch” (đánh nhau bằng tay). Bạn bên nhóm P. yếu hơn, bị vật xuống đất và bẻ cổ, phải xin thua và được thả ra. Lẽ ra hai bên đã đi về nếu P. không tức tối, đập điện thoại rồi cầm dao bấm, cùng cả nhóm xông vào đánh nhóm bị hại.


Lý giải chuyện mang theo vũ khí, P. bảo vì sợ nhóm kia đông hơn. Nhưng P. thừa nhận, khi gặp nhau thấy nhóm kia không mang vũ khí. Về chuyện vì sao đâm nhiều nhát, và đuổi theo khi bị hại đã bỏ chạy, P. nói do không thấy máu chảy nên nghĩ… chưa đâm được! P cũng không giải thích được vì sao gây án xong, cả nhóm còn thuê nhà trọ ở qua đêm, hôm sau nghe tin bị hại đã chết cũng không về, cho tới khi bị công an đến kiểm tra, đưa về làm việc.


Vị đại diện Viện Kiểm sát phân tích: Câu chuyện vốn không liên quan đến bị cáo, mâu thuẫn cũng không xuất phát từ quan hệ của bị cáo, nhưng bị cáo lại hành động rất tích cực. Hành vi của bị cáo quá xốc nổi. Thậm chí, khi bên bị cáo xin thua, bên bị hại đã thả tay ra, bị cáo vẫn không buông tha.


Phía người dự cũng có những tiếng ồn ào không đồng tình. Nhưng có lẽ, họ sẽ thấu hiểu hơn nếu biết về hoàn cảnh của bị cáo. Cha mẹ ly hôn, P. sống với bà nội từ lúc 6 tuổi, học hết lớp 6 thì bỏ học, hàng ngày đi làm chả cá thuê. Sau khi P. gây án, người đứng ra vay mượn bồi thường cho gia đình bị hại là cô ruột P. Cha P. thì trần tình, vợ chồng bỏ nhau, ông đi đánh bắt ngoài biển, tối mới về, không coi ngó được con. P. không có mẹ chăm, bà nội lại già yếu không đưa đi học được nên cháu bỏ học rồi theo bạn bè xấu rủ rê. Có lần ông gặp mấy đứa bạn, mắng chúng toàn lôi kéo P. thì con ông lại nhằm lúc ông đi biển mà trốn đi chơi. Mẹ P. thậm chí chỉ nhớ được năm sinh của con, không nhớ nổi ngày sinh. Bà cũng chỉ biết tin con bỏ học từ năm lớp 6. Về số tiền bồi thường, mẹ P. chỉ biết nhà nội đã bồi thường một phần, còn cha P. than hồi giờ ông chỉ làm mướn kiếm sống, không nhà, con còn phải ở với bà nội, ông đi làm kiếm ăn nuôi con còn chẳng đủ nên mong tòa xem xét. Nghe cha mẹ nói nhưng P. không một lần ngước lên nhìn họ.


Từ mâu thuẫn, đến cách thách đố của hai nhóm trẻ thật trẻ con, đơn giản. Duy có điều không hề đơn giản, đó là một mạng người đã vĩnh viễn mất đi! Đây là điều đau lòng với gia đình bị hại, nhưng cũng là bài học với P., là chuyện buồn với bạn bè hai bên, và cả những người lớn.


TAM THUẬT