06:03, 04/03/2017

"Tiên trách kỷ…"

Cũng như nhiều phiên tòa xét xử án hiếp dâm trẻ em, bị cáo C.V.K (sinh năm 1993) và N.T.T (sinh năm 1995, cùng trú huyện Vạn Ninh) không nhận được ánh nhìn thông cảm của người dự. Phiên tòa kết thúc, người dự còn có thêm cảm giác trăn trở.

Cũng như nhiều phiên tòa xét xử án hiếp dâm trẻ em, bị cáo C.V.K (sinh năm 1993) và N.T.T (sinh năm 1995, cùng trú huyện Vạn Ninh) không nhận được ánh nhìn thông cảm của người dự. Phiên tòa kết thúc, người dự còn có thêm cảm giác trăn trở.  


Trước tòa, cả K. và T. đều khai không quen bị hại. Thấy bị hại ở chỗ nhậu, cả hai đều đoán bị hại là bạn của ai đó trong nhóm. Có thể, chuyện chẳng xảy ra nếu bữa nhậu không kéo dài tới nửa đêm và khi tàn cuộc chỉ còn lại bị hại say rượu nằm ngủ. K. hối hận nói, bây giờ mới thấy đã phụ lòng cha mẹ, vợ con. Rồi bị cáo thanh minh, từ trước tới nay ít đi chơi đêm; hôm đó nhậu nhân lễ 1-5; ý nghĩ đồi bại đến bột phát nhưng không nghĩ là phạm tội. K. thừa nhận bị hại đã chống cự quyết liệt nhưng K. vẫn phạm tội tới cùng bởi được T. giúp sức tích cực. T. cũng “hồn nhiên” khai, do có chút hơi men nên thấy K. rủ, bị cáo cũng tham gia


Mẹ bị hại khóc ròng kể: Con bà rất ngoan, hiền. Hôm đó, cháu xin phép về nhà nội (ở khác huyện) chơi. Bà nghe con kể lại hôm đó, do cả nhóm đi chơi nhưng không đủ xe nên phải kêu thêm người. Con bà không hư đốn, chẳng qua do hồi giờ không nhậu nhẹt nên bạn bè rủ uống 1 - 2 ly là say. Mấy bạn cháu ở gần đó nên về được, chỉ có cháu từ nơi khác đến, lại say rượu nên mới không biết đường về nhà nội. Sau khi chuyện xảy ra, cháu bị bạn bè nói, u uất điên dại đến mức bỏ học, bà rất khổ sở, phải khuyên nhủ mãi, mới chịu đi học lại. Sợ khơi lại chuyện cũ nên ngày xử, bà cũng không dám cho tới tòa…


Nghe mẹ bị hại phân trần, vị đại diện Viện kiểm sát từ tốn: Các bị cáo phạm pháp thì phải bị pháp luật trừng trị, nhưng bà cũng nên rút kinh nghiệm trong cách giáo dục con. Con bà mới gần 13 tuổi 9 tháng, nhưng bà dễ dàng để con một mình đi về nhà nội ở khác huyện. Lẽ ra với độ tuổi đó, đi từ huyện này sang huyện khác, nếu mẹ bận thì bố phải rước. Bà còn đồng ý cho con đi chơi đêm mà không hề biết con đi chơi với ai, không kiểm soát được bạn xấu, bạn tốt của con. Trong vụ án này, có một phần trách nhiệm của bà. Vị thẩm phán cũng nhấn mạnh: Để con gái đi uống rượu ban đêm với những thanh niên không quen biết ở chốn vắng vẻ, bà cần xem lại cách giáo dục con.


“Tiên trách kỷ…”, câu nói của cổ nhân thật không sai. Nhận thức hời hợt, sa đà nhậu nhẹt, tận khi xét xử, các bị cáo còn thanh minh tại rượu, tại hoàn cảnh…, chỉ khi chịu sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật, họ mới hiểu, tổn thương thể xác có thể lành, nhưng tổn thương tinh thần sẽ theo suốt cuộc đời bị hại. Về phía bị hại, do cha mẹ chưa thực sự sâu sát với con gái, hay như lời vị chủ tọa phân tích: Việc cha mẹ cho phép con đi chơi đêm nhưng không kiểm soát được con cũng là điều kiện để loại tội phạm này xảy ra trong xã hội.


TAM THUẬT