11:02, 03/02/2017

Mất đi tình bạn

Ít có phiên xử kiện đòi tài sản nào mà hai bên đương sự đều lý lẽ sắc sảo như phiên sơ thẩm vừa qua. Ngay khi kết thúc phiên tòa, bị đơn đã kháng cáo.

Ít có phiên xử kiện đòi tài sản nào mà hai bên đương sự đều lý lẽ sắc sảo như phiên sơ thẩm vừa qua. Ngay khi kết thúc phiên tòa, bị đơn đã kháng cáo. Rồi đây, cấp phúc thẩm sẽ tiếp tục xét xử, bị đơn có thể phải trả hoặc không trả phần tiền mà nguyên đơn kiện đòi, nhưng với những gì đã diễn ra, có thể thấy kết quả trước tiên là có một tình bạn đã mất đi.


Rất ngắn gọn, đại diện nguyên đơn đưa ra chứng cứ được xác nhận từ ngân hàng về từng lần bà N. chuyển tiền vào tài khoản chung, rồi lần lượt từng lần bị đơn rút hết tiền ra chỉ sau đó vài ngày. Vị này cho biết, bà N. chuyển tiền về nhờ bà K. mua và đứng tên giùm nhà đất ở Việt Nam. Bà N. nhờ vì bà là người Việt mang quốc tịch Mỹ, có ý định trở về Việt Nam sinh sống nhưng quy định của pháp luật Việt Nam chưa cho phép người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài đứng tên chủ sở hữu nhà đất. Nhưng sau khi bà K. rút tiền, bà N. không hề biết bà K. dùng tiền vào việc gì.


Lập luận ngược lại, bà K. đầy tự tin khẳng định, hai bên chẳng hề thỏa thuận mua giùm, đứng tên giùm nhà đất nào hết. Chứng cứ là nguyên đơn chẳng xuất trình được giấy tờ nào chứng minh thỏa thuận đó! Nhà đất đứng tên bà đã có trước khi bà N. chuyển tiền về. Rồi bà K. dành nhiều lời khẳng định tình bạn của hai bên, như: khi về Việt Nam, bà N. tự nguyện xin ở nhờ và bà K. tự nguyện cho ở nhờ mà không đòi hỏi bất kỳ điều gì; bà K. còn nhiều lần chở bà N. đi khám chữa bệnh khớp nặng... Cũng chính vì thân thiết nên bà N. đã tự nguyện dẫn bà K. ra ngân hàng, lập tài khoản đồng sở hữu, tự nguyện cam kết cho bà K. được quyền sử dụng mọi khoản tiền trong tài khoản nếu có, bà K. chẳng hề yêu cầu, ép buộc gì. Bằng chứng là sau khi chuyển tiền, bà N. còn cung cấp mã pin và nói bà K. ra ngân hàng rút tiền. Vì bà N. tự nguyện cho, nên bà K. không đồng ý trả lại hơn 46.000 USD!


Thân đến thế, nhưng tình bạn này lại nhanh chóng tan vỡ khi bà K. không cho bà N. ở nhờ nhà nữa vì... thấy bà N. có những biểu hiện tâm lý bất thường!


Đại diện nguyên đơn cho rằng nếu nói không có chứng cứ chứng minh thỏa thuận mua giùm, đứng tên giùm thì cũng chẳng có gì chứng minh được bà N. tự nguyện cho tiền hay không, chỉ có thực tế là bà K. đã rút tiền từ tài khoản chung và bà N. không biết bà K. tiêu vào việc gì. Bên nguyên không quan tâm đến nhà đất mà bà K. viện dẫn có trước khi được cho tiền, bởi tài sản đó không liên quan đến thỏa thuận nhận tiền để mua nhà đất… 


Cứ như vậy, hai bên cãi qua cãi lại, không ai chịu ai. Bên khẳng định cho tiền có điều kiện, bên khăng khăng được tặng cho do thân tình. Nhưng bà K. cũng cho biết tình bạn đó xuất phát từ chỗ quen biết trên mạng. Bà này cũng phải thừa nhận, trước đó, hai bên từng ra tòa vì chuyện tương tự và cấp phúc thẩm đã buộc bà K. phải trả lại cho bà N. hơn 41.000 USD, là một phần trong tổng số tiền mà bà N. chuyển về cho bà K. để nhờ mua và đứng tên giùm nhà đất. Một số khoản tiền mà bà N. xin rút yêu cầu khởi kiện tại phiên tòa trước đây do lúc đó chưa thu thập đủ bằng chứng và nay được khởi kiện tại phiên tòa này.


Phải trả hay không trả, rồi đây cấp phúc thẩm sẽ xem xét. Nhưng cho dù bà K. nói bao nhiêu về tình bạn sâu sắc, bà cũng không thể trả lời thỏa đáng trước câu hỏi của đại diện Viện Kiểm sát: Nếu đã thân thiết đến độ tự nguyện cho nhau, không lý do gì, người ta lại kiện đòi đến 2 lần? 

 
TAM THUẬT