08:10, 08/10/2016

Bi kịch gia đình

Nhìn nữ bị cáo N.L.P.N (sinh năm 1977, trú phường Phương Sài, Nha Trang) khóc rưng rức khi nghe đứa con trai duy nhất bộc bạch trước tòa về nỗi buồn mất cha và nỗi trống vắng khi mẹ phải vào tù, không ít người dự phiên tòa thở dài.

Nhìn nữ bị cáo N.L.P.N (sinh năm 1977, trú phường Phương Sài, Nha Trang) khóc rưng rức khi nghe đứa con trai duy nhất bộc bạch trước tòa về nỗi buồn mất cha và nỗi trống vắng khi mẹ phải vào tù, không ít người dự phiên tòa thở dài.


Suốt phiên xử, bị cáo N. thừa nhận mọi hành vi phạm tội như cáo buộc của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, từ việc đi mua 20.000 đồng tiền xăng về cất trong nhà, đến việc chờ cho người chồng ngủ say rồi tưới xăng, châm lửa đốt. Lời thanh minh duy nhất của bị cáo là do bức xúc. Người ta chỉ hiểu ra giữa hai vợ chồng có mâu thuẫn từ bản cáo trạng được công bố và từ lời khai của con trai bị cáo. Trước thái độ phẫn nộ của gia đình bên nội, N. chỉ cúi đầu. Bị cáo cũng đồng ý bồi thường chi phí xây dựng lại căn nhà cháy nham nhở cho gia đình anh chị chồng. Trả lời tòa, bị cáo cho biết còn mảnh đất đứng tên 2 vợ chồng, sau này bị cáo sẽ bán đi bồi thường. Phút chờ nghị án, có người quen tới mắng vốn N., nói đồng ý bán đất rồi con trai bơ vơ thế nào, sao không nghĩ đến biết bao tài sản đã bị người chồng “quăng” qua cửa sổ? Có người còn chì chiết N. sao dại thế, cả xóm ai không biết chuyện chồng N. ngoại tình!


Lặng lẽ đứng trước vành móng ngựa, bị cáo N. chỉ khẽ “dạ” trước những câu hỏi của hội đồng xét xử và luật sư, từ chuyện hai vợ chồng thỉnh thoảng cãi nhau; chuyện chồng N. thường xuyên bỏ nhà đi; thỉnh thoảng về nhà gây sự đánh N. Đỉnh điểm mâu thuẫn có lẽ là  đêm chồng N. từ TP. Hồ Chí Minh về Nha Trang gặp N. và đề cập việc bán đất để trả nợ, nuôi bồ nhí. Do N. không đồng ý, hai bên đã cãi vã. Sau khi N. mua xăng về cất, hai vợ chồng tiếp tục cãi nhau, chồng N. còn đánh N. và đe dọa lấy dao đâm N. Bao dồn nén đã khiến N. mù quáng bật hộp quẹt…


Nghe hội đồng xét xử phân tích bị cáo vẫn còn lựa chọn khác, như ly hôn, nhưng bị cáo lại chọn cách xử sự rất tiêu cực, nhẫn tâm, đặc biệt bị cáo là phụ nữ, bị hại lại chính là người chồng, N. cũng chỉ cúi đầu dạ khẽ. Thấy thái độ của bị cáo như vậy, gia đình bên nội tỏ ra phẫn nộ. Họ còn đề nghị tòa phải xem xét bị cáo cả về hành vi hủy hoại tài sản của người khác, bởi khi bật lửa đốt chồng, không phải bị cáo chỉ nghĩ đến hậu quả giết người, mà phải biết sẽ gây cháy nhà, cháy đồ đạc. Họ có yêu cầu bồi thường toàn bộ chi phí xây mới lại căn nhà cũng không có gì quá đáng, bởi nếu chuyện không xảy ra, dù cho căn nhà cũ kỹ, họ vẫn ở được. Về chuyện có đề nghị giảm án hay không thì họ còn chờ sau phiên xử mới họp gia đình đề nghị. Phía người thân quen của bị cáo cũng xôn xao, cho rằng bên nội quá đáng, rằng không phải bỗng dưng N. làm vậy…


Không khí nóng nảy của đôi bên bỗng chùng xuống khi con trai bị cáo N., cũng là con người bị hại, xin có ý kiến. Em cho biết, trước đây sống bên nhà chú, nhưng từ khi xảy ra chuyện mẹ đốt cha, em phải về sống bên nhà cậu. Trầm giọng, em nói, cha đã mất, mẹ phải đi tù, em thực sự rất cô đơn nên mong tòa giảm nhẹ hình phạt cho mẹ. Em bảo, trước đây em chưa từng gặp mặt “cô ấy”, nhưng sau khi cha mất, “cô ấy” có dẫn con tới. Em từng chứng kiến mẹ nghe điện thoại và khóc… Tờ đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho mẹ mà em gửi tòa cũng đau đáu tâm sự: sau khi cha mất, mẹ bị tạm giam, ông bà nội cùng các bác, cô, chú hắt hủi, không cho em sống chung nữa, nên em phải nương náu phía ngoại. Nhưng bà ngoại đã mất, ông ngoại bị bệnh nặng, cuộc sống của cậu mợ cũng rất khó khăn…


Cảnh cậu con trai 16 tuổi chạy theo bị cáo N. đang gạt nước mắt, cố ghi nhớ hình ảnh đứa con vừa buông lơi tay mẹ khiến nhiều người phải lắc đầu xót xa cho một bi kịch gia đình.


TAM THUẬT