09:11, 14/11/2017

Xác định được người tung tin vỡ hồ Đá Bàn

Ngày 14-11, Đại tá Đặng Đức Luân - Trưởng Công an thị xã Ninh Hòa cho biết, đơn vị đã xác định được đối tượng tung tin vỡ hồ chứa nước Đá Bàn lên mạng xã hội. Đó là đối tượng Nguyễn Phúc Hậu (sinh năm 1997, trú xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa).

Ngày 14-11, Đại tá Đặng Đức Luân - Trưởng Công an thị xã Ninh Hòa cho biết, đơn vị đã xác định được đối tượng tung tin vỡ hồ chứa nước Đá Bàn lên mạng xã hội. Đó là đối tượng Nguyễn Phúc Hậu (sinh năm 1997, trú xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa). Đơn vị đang củng cố hồ sơ để ra quyết định xử phạt hành chính đối với Nguyễn Phúc Hậu về hành vi tung tin đồn thất thiệt lên mạng xã hội.

 

Hồ chứa nước Đá Bàn. Ảnh: BKH

Hồ chứa nước Đá Bàn. Ảnh: BKH


Tại cơ quan công an, Hậu khai, sáng 6-11, trong lúc đến một quán tạp hóa ở thị xã Ninh Hòa để mua đồ thì tình cờ nghe có người nói về việc vỡ đập thủy lợi hồ chứa nước Đá Bàn. Chỉ nghe loáng thoáng về thông tin trên, Hậu nghĩ là tin “sốt dẻo” nên vội vã phát tán lên mạng xã hội mà không nghĩ đến hậu quả.


Cũng theo Đại tá Đặng Đức Luân, các đơn vị nghiệp vụ Công an thị xã đang xác minh đối tượng đã tung tin chợ Dinh ở phường Ninh Hiệp bị sập hôm 5-11 lên mạng xã hội và tin gần 40 người lao động trên một bè cá ở thôn Lệ Cam, xã Ninh Phú bị thiệt mạng do bão. “Đây đều là những tin đồn thất thiệt, gây hoang mang cho người dân, đồng thời ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Do vậy, chúng tôi vẫn đang tích cực truy tìm đối tượng đã tung những tin đồn thất thiệt này để xử lý nghiêm”, Đại tá Luân khẳng định.


Theo lãnh đạo Công an thị xã Ninh Hòa, qua các vụ việc trên cho thấy người dân quá dễ tin những lời đồn thổi mà không kiểm chứng thông tin. Người dân cần lắng nghe thông tin chính thống từ chính quyền địa phương nơi cư trú.


Tại huyện Vạn Ninh cũng lan truyền thông tin “hơn 10 người dân tộc thiểu số làm công trên lồng bè của một gia đình ở thị trấn Vạn Giã, Vạn Ninh bị sóng đánh thiệt mạng. Trước cảnh những người làm công đều đã chết, của cải bị bão đánh tan tành, hai vợ chồng chủ bè cá đã tự vẫn!”. Về vấn đề này, lãnh đạo Công an huyện Vạn Ninh khẳng định, tin đồn trên là thất thiệt. Công an huyện đang truy tìm đối tượng đã tung tin giả lên mạng xã hội để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.


Trao đổi với phóng viên, luật sư Trần Quốc Tuấn (Văn phòng luật sư Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, hành vi tung tin giả lên mạng xã hội, theo quy định hiện hành thì tùy từng mức độ vi phạm sẽ bị xử lý, nhẹ thì bị xử phạt hành chính, còn gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị khởi tố hình sự.


THÀNH LONG

 



Theo điểm a, khoản 3 Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP: Hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì bị phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng.


Theo Điều 122 Bộ luật Hình sự về tội vu khống: Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác… thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.


Theo điểm a, khoản 1, Điều 226 Bộ luật Hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet: Hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet những thông tin trái với quy định của pháp luật (trừ tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy) mà xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.