11:11, 13/11/2013

Hải sản khô và nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm

Hải sản khô tiện dụng, lại ngon miệng nên được nhiều người mua về ăn hoặc làm quà biếu. Tuy nhiên, tại nhiều chợ và quầy hàng hải sản, sản phẩm này được bày bán trong điều kiện không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hải sản khô tiện dụng, lại ngon miệng nên được nhiều người mua về ăn hoặc làm quà biếu. Tuy nhiên, tại nhiều chợ và quầy hàng hải sản, sản phẩm này được bày bán trong điều kiện không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.


Hải sản nào cũng có


Chợ Đầm (Nha Trang) có riêng một khu vực chuyên bán hải sản khô với đủ chủng loại. Từ các sản phẩm bình dân như: Cá chỉ vàng, cá mai, cá đuối, tôm, mực cho đến các sản phẩm cao cấp như tôm sú, vi cá, hải sâm… Ngoài hải sản phơi một nắng, hai nắng, còn có hàng ăn liền được tẩm gia vị cũng được khá nhiều người ưa chuộng như: Mực tẩm, cá tẩm, mực khô xé sợi, mực rim me... Tại các chợ khác như: Chợ Xóm Mới, Vĩnh Hải, Bình Tân (Nha Trang)…, hải sản khô được bán xen kẽ với các mặt hàng thực phẩm khô, thực phẩm công nghệ… Phổ biến nhất là các loại cá biển, mực, tôm khô.


“Chạy đua” cùng thời giá, giá các loại hải sản khô hiện nhích lên từ 5 - 10% so với năm ngoái. Mực lá, mực ống dao động từ 280.000 - 600.000 đồng/kg tùy loại, loại tẩm ướp sẵn hoặc xé sợi từ 320.000 - 650.000 đồng/kg. Tôm khô loại to giá khá cao, lên tới 700.000 đồng/kg, loại thường giá 300.000 - 400.000 đồng/kg. Cá chỉ vàng khô loại thường 150.000 đồng/kg, loại tẩm ướp gia vị, ướp mè giá 200.000 - 250.000 đồng/kg… Riêng các loại hải sản khô cao cấp có giá lên tới vài triệu đồng/kg. Bà Nguyễn Thùy My (phường Vạn Thắng, Nha Trang) cho biết, gia đình bà thường xuyên mua tôm khô về nấu canh, hoặc mua cá khô dự trữ trong những ngày mưa vì tiện dụng, để được lâu, ăn lại ngon miệng. Khi được hỏi về độ an toàn của các sản phẩm này, bà My cho biết: “Hàng mua của người quen tại chợ Đầm nên tôi khá yên tâm”. Tuy nhiên quá trình người bán sơ chế, tẩm ướp các loại hải sản như thế nào thì bà My không rõ.

1
Hải sản khô bày bán ở chợ Đầm không được bảo quản kỹ càng.


Bảo quản sơ sài

 

Ông Nguyễn Minh Sô, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh: Hàng hóa là thực phẩm (ngoại trừ thực phẩm tươi sống) bày bán trên thị trường phải có nhãn mác với đầy đủ các thông tin: Tên sản phẩm, nơi sản xuất, định lượng, ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần hoặc thành phần định lượng, thông tin cảnh báo vệ sinh, an toàn, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản.

Tìm đến sạp hàng M. mà bà My chỉ dẫn tại chợ Đầm, chúng tôi nhận thấy các sản phẩm được bảo quản trong điều kiện không đảm bảo an toàn. Đa số hàng hóa được người bán tự đóng gói trong các túi nilon, bao bì in tên sản phẩm, số lô sạp kèm theo dòng quảng cáo “đặc sản Nha Trang” và số điện thoại liên hệ để đặt hàng. Các thông tin cảnh báo về vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản… dường như không có. Thậm chí, nhiều sản phẩm bán theo ký được đựng trong các thùng xốp, hũ thủy tinh không được che chắn cẩn thận, không có ngày sản xuất và hạn sử dụng. “Hàng khô thì để cả năm không hỏng” - người bán trấn an khi thấy chúng tôi tỏ vẻ lo ngại về chất lượng các sản phẩm ở đây.
Tại quầy hàng khác, hải sản khô cũng được bày bán trong điều kiện mất vệ sinh. Ngay cả những ngày mưa, nhiều mặt hàng vẫn được bày “lộ thiên” hoặc che đậy sơ sài, thùng đựng đặt dưới đất, cạnh các vũng nước rất mất vệ sinh. Điểm chung của nhiều sản phẩm là không rõ nơi sản xuất, không nhãn mác, thiếu các thông tin bắt buộc ghi trên nhãn mác hàng hóa, không có hạn sử dụng hoặc chỉ ghi hạn sử dụng 6 tháng nhưng không rõ sản xuất từ ngày nào. Theo ông Nguyễn Văn Phát, chủ một cơ sở kinh doanh hải sản khô tại Nha Trang, nếu không có chất bảo quản thì các loại mực tẩm, cá tẩm chỉ để được trong khoảng 10 ngày ở nhiệt độ thường và khoảng 1 tháng trong tủ lạnh. Đối với các loại hải sản sơ chế và phơi khô thì chỉ để được khoảng 3 tháng trong điều kiện khô thoáng. Các cơ sở sản xuất thường phải sử dụng hóa chất để tránh ẩm, mốc, bảo quản được lâu. Tuy nhiên, họ sử dụng hóa chất nào để chế biến, bảo quản các loại hải sản này, sử dụng với liều lượng bao nhiêu và hóa chất đó đảm bảo an toàn đối với sức khỏe hay không thì người mua khó lòng biết được.  


Được biết, hàng năm Chi cục Quản lý thị trường, Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh đều có các đợt kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm trên thị trường, trong đó có các cơ sở kinh doanh hải sản khô. Hầu hết các đợt kiểm tra đều phát hiện các trường hợp kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không công bố tiêu chuẩn sản phẩm, nhãn sản phẩm không đúng quy định, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm… Tuy nhiên, số đơn vị được kiểm tra và mẫu hàng hóa được lấy xét nghiệm chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với số lượng đơn vị kinh doanh và các mặt hàng hải sản khô bày bán trên thị trường. Vì vậy, người tiêu dùng nên lưu ý chọn mua các sản phẩm có xuất xứ, nhãn mác rõ ràng để đảm an toàn sức khỏe.


T.VIỆT