10:10, 14/10/2021

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Khánh Hòa: Tháo gỡ vướng mắc xử lý nợ bị rủi ro

Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội vừa ban hành Quyết định 62 với các quy định xử lý nợ bị rủi ro theo nguyên nhân khách quan cho khách hàng vay. Quyết định này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những vướng mắc trong xử lý nợ tín dụng chính sách trong thời gian qua.

Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) vừa ban hành Quyết định 62 với các quy định xử lý nợ bị rủi ro theo nguyên nhân khách quan cho khách hàng vay. Quyết định này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những vướng mắc trong xử lý nợ tín dụng chính sách trong thời gian qua.


Tháo gỡ vướng mắc


Cùng với hoạt động chuyển tải kịp thời nguồn vốn tín dụng đến hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, thời gian qua, NHCSXH tỉnh Khánh Hòa cũng tập trung cao cho công tác xử lý nợ quá hạn. Tuy đã tích cực triển khai các biện pháp nhưng hiện nay vẫn còn một số khoản nợ chưa thể xử lý, tồn đọng nhiều năm. Theo báo cáo của NHCSXH tỉnh, đến ngày 30-9, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh hơn 13,16 tỷ đồng, tăng 646 triệu đồng so với đầu năm, chiếm tỷ lệ 0,4% trong tổng dư nợ. Trong đó, nợ quá hạn hơn 8,9 tỷ đồng (tỷ lệ 0,27%), tăng hơn 1 tỷ đồng so với đầu năm; nợ khoanh hơn 4,2 tỷ đồng (tỷ lệ 0,13%), giảm 403 triệu đồng so với đầu năm. Trong các nguyên nhân dẫn đến nợ quá hạn, chiếm tỷ lệ cao nhất là hộ vay bỏ đi khỏi địa phương, không tìm được nơi ở hiện nay (451 hộ, chiếm 63% tổng nợ quá hạn). Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác như: người vay chết; người vay đang thi hành án…

 

Người dân giao dịch tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.

Người dân giao dịch tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Khánh Hòa.


Cơ chế xử lý nợ rủi ro tại NHCSXH được quy định trong Quyết định 50/2010 của Thủ tướng Chính phủ đã cơ bản giải quyết, xử lý được các rủi ro do nguyên nhân khách quan. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, có một số nguyên nhân khách quan chưa có cơ chế xử lý như: khách hàng hoặc thành viên trong gia đình bị bệnh hiểm nghèo ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh; hộ vay bỏ đi khỏi địa phương trên 2 năm, người vay phải thi hành án... Xuất phát từ thực tiễn, ngày 11-3, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 08/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế xử lý nợ bị rủi ro tại NHCSXH kèm theo Quyết định 50/2010, có hiệu lực từ ngày 19-5. Đến ngày 27-9, Chủ tịch HĐQT NHCSXH đã ban hành Quyết định 62 về quy định xử lý nợ bị rủi ro. Điểm quan trọng trong Quyết định 62 so với Quyết định 50 là có cơ chế xử lý nợ bị rủi ro với các nguyên nhân khách quan như: hộ vay vắng mặt tại nơi cư trú và không có thông tin xác thực về tung tích từ 2 năm liền trở lên; khoản vay phải thu hồi theo bản án quyết định của tòa án; người vay hoặc các thành viên trong hộ gia đình bị bệnh cần chữa trị dài ngày hoặc bị bệnh hiểm nghèo; hoặc bị suy giảm khả năng lao động trên 81% trở lên... Điều này đã góp phần tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động xử lý nợ rủi ro thời gian qua.


Đảm bảo công khai, minh bạch, chặt chẽ


Theo ông Hồ Đắc Thích - Giám đốc NHCSXH tỉnh, ngay khi NHCSXH ban hành Quyết định 62, NHCSXH tỉnh đã chỉ đạo giám đốc các phòng giao dịch cấp huyện, thị xã, thành phố báo cáo và tham mưu kịp thời cho UBND, trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH cùng cấp triển khai thực hiện quy định xử lý nợ bị rủi ro theo Quyết định 62; đồng thời tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ xử lý nợ bị rủi ro cho cán bộ đơn vị, cán bộ hội, đoàn thể nhận ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn. Qua rà soát phân tích, toàn tỉnh có 287 trường hợp khách hàng nợ đủ điều kiện xử lý rủi ro theo Quyết định 62 với số tiền 3,662 tỷ đồng.


Trong những tháng cuối năm, NHCSXH tỉnh chỉ đạo cán bộ tín dụng tham mưu chủ tịch UBND cấp xã (là thành viên ban đại diện HĐQT) và phối hợp chặt chẽ với hội đoàn thể, công an cấp xã, tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện rà soát kỹ các khoản nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan đủ điều kiện xử lý rủi ro trình cấp có thẩm quyền xử lý, đặc biệt các trường hợp vắng mặt tại nơi cư trú và không có thông tin xác thực về tung tích từ 2 năm trở lên. Bên cạnh đó, các phòng giao dịch cấp huyện quán triệt toàn bộ cán bộ thực hiện nghiêm các quy định xử lý nợ bị rủi ro, đảm bảo xử lý đúng đối tượng, đúng nguyên nhân, đúng quy trình, công khai, minh bạch, chặt chẽ, không tạo kẽ hở, lợi dụng chính sách của Nhà nước. Giám đốc các đơn vị chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước giám đốc chi nhánh và Tổng Giám đốc NHCSXH về tính chính xác, hợp pháp, hợp lệ, đúng thực tế của hồ sơ đề nghị xử lý nợ rủi ro. Các phòng giao dịch tổ chức tuyên truyền, phổ biến, công khai nội dung Quyết định 08 và Quyết định 62 đến các ban, ngành liên quan, hội đoàn thể nhận ủy thác các cấp, UBND xã, trưởng thôn, tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện và giám sát.


MAI HOÀNG