06:09, 29/09/2017

Cam Lâm: Hiệu quả tín dụng chính sách xã hội

10 năm qua (2007 - 2017), tín dụng chính sách xã hội do Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) triển khai đã góp phần thực hiện hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

 

10 năm qua (2007 - 2017), tín dụng chính sách xã hội do Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) triển khai đã góp phần thực hiện hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.


Trước đây, gia đình bà Đặng Thị Phượng (thôn Lập Định 1, xã Cam Hòa) là hộ nghèo. Khoảng năm 2007, với sự hỗ trợ của Hội Phụ nữ xã, bà Phượng vay 5 triệu đồng của NHCSXH huyện Cam Lâm, mua 1 con bê. 2 năm sau, bà xuất bán lứa bò đầu tiên hơn 10 triệu đồng. Sau đó, bà tiếp tục được vay 10 triệu đồng của NHCSXH huyện, đầu tư nuôi heo nái và mua thêm 1 bê con. Công việc chăn nuôi thuận lợi, cho lãi khá. Nhờ vậy, năm 2012, gia đình bà đã vươn lên thoát nghèo. “Sau đó, tôi tiếp tục vay NHCSXH huyện 20 triệu đồng để trồng 5 sào khoai sáp, nuôi thêm bò… Sau khi trừ chi phí, tôi lãi khoảng hơn 90 triệu đồng/năm. Dần dần, vợ chồng tôi đã tích góp được tiền để xây nhà. Gia đình tôi có cuộc sống ổn định như hôm nay là nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH huyện”, bà Phượng cho biết.

 

Ông Ngọc Liên đang chăm sóc bò

Ông Ngọc Liên đang chăm sóc bò

 

Ông Nguyễn Hữu Hảo - Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm: 10 năm qua, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Cam Lâm đã triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, địa phương và giám sát có hiệu quả các nguồn vốn, chương trình cho vay trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, tổ chức hội, đoàn thể huyện, xã triển khai thực hiện khá tốt cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi… Qua đó, giúp hàng chục ngàn hộ chính sách, hộ khó khăn có vốn sản xuất kinh doanh vươn lên ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững; tạo việc làm ổn định; cải thiện môi trường sống; tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên có chi phí học tập…

Cuộc sống của gia đình ông Võ Ngọc Liên (xã Cam Hải Đông) bây giờ cũng bớt khó khăn hơn trước nhờ vay vốn ưu đãi của NHCSXH huyện. Gia đình ông Liên là hộ cận nghèo. Ông làm nghề đi biển, vợ làm thuê làm mướn nên thu nhập khá bấp bênh. Cách đây 3 - 4 năm, ông được vay 20 triệu đồng từ NHCSXH huyện, đầu tư làm chuồng, mua 1 bê con. Sau một thời gian nuôi, ông xuất bán 2 con bò hơn 25 triệu đồng, từng bước trả nợ, lãi đúng hạn. Ông Liên cho biết: “Hiện nay, 1 con bò của gia đình sắp đẻ, tôi dự định mua thêm 1 con bê. Nếu giá bò ổn định, mỗi năm, tôi lãi khoảng 14 - 15 triệu đồng/con, có thêm nguồn thu để trang trải cuộc sống”.

 

Ông Phan Văn Ninh - Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Cam Lâm cho biết, 10 năm qua, ngoài tranh thủ nguồn vốn của Trung ương, nguồn ngân sách tỉnh, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện còn tổ chức huy động tiền gửi tiết kiệm từ dân cư và từ hộ vay nên kết quả nguồn vốn tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Năm 2007, khi nhận bàn giao từ Cam Ranh, Diên Khánh với nguồn vốn là 44,6 tỷ đồng; ước tính đến ngày 30-9-2017 đạt 325,7 tỷ đồng. Đến nay, Ngân hàng CSXH huyện Cam Lâm đã triển khai thực hiện cho vay 13 chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn với doanh số cho vay 689 tỷ đồng với 47.988 lượt hộ vay. Ước tính đến ngày 30-9-2017, dư nợ là 325 tỷ đồng (tăng 278 tỷ đồng so năm 2007); nợ quá hạn 888 triệu đồng (chiếm 0,28% dư nợ)…


Bên cạnh kết quả đạt được, một số xã có nợ quá hạn còn cao; công tác tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu các quy định của ngân hàng, nhất là việc huy động tiết kiệm còn hạn chế... Theo ông Phan Văn Ninh, thời gian tới, đơn vị sẽ thực hiện tốt giao dịch lưu động tại xã, chất lượng hoạt động ban quản lý tổ vay vốn; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát đến hội cấp xã, tổ vay vốn, xử lý thu hồi nợ quá hạn; nâng cao chất lượng tín dụng…


NGUYỄN KIM