10:10, 24/10/2016

Ngân hàng Chính sách xã hội: Tập trung xử lý nợ quá hạn

Theo chỉ đạo của ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh...

Theo chỉ đạo của ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, NH và 4 tổ chức hội, đoàn thể phải phối hợp tập trung xử lý nợ quá hạn, với mục tiêu đến cuối năm 2016, giảm tỷ lệ nợ quá hạn toàn tỉnh dưới mức 0,45%.


Nợ quá hạn tăng


Theo báo cáo của NHCSXH tỉnh, đến ngày 30-9, tổng dư nợ trên địa bàn tỉnh đạt 1.978 tỷ đồng, tăng 6,83% so với đầu năm. Trong năm 2016, NHCSXH tỉnh đã giải ngân được 527 tỷ đồng cho 30.153 lượt hộ vay. Tổng nợ quá hạn hơn 11,3 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,57% tổng dư nợ. So với đầu năm, nợ quá hạn quý III tăng hơn 4,4 tỷ đồng nhưng giảm hơn 1 tỷ đồng so với quý II. Trong số nợ quá hạn, riêng TP. Nha Trang chiếm hơn 4,4 tỷ đồng, tỷ lệ 1,5%, là địa phương có số nợ quá hạn cũng như tỷ lệ nợ quá hạn cao nhất tỉnh.

 

Một cựu chiến binh ở huyện Cam Lâm vươn lên thoát nghèo nhờ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội
Một cựu chiến binh ở huyện Cam Lâm vươn lên thoát nghèo nhờ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội

 

Ngoài Nha Trang, các địa phương có tỷ lệ nợ quá hạn cao gồm: Khánh Sơn (0,6%), Diên Khánh (0,51%), Cam Ranh (0,49%); các địa phương có tỷ lệ nợ xấu thấp gồm: Cam Lâm (0,31%) và Ninh Hòa (0,32%). Hiện nay, dư nợ ủy thác chiếm tỷ lệ 99,9% tổng dư nợ; số lượng nợ quá hạn ủy thác qua hội, đoàn thể nhận ủy thác hơn 11,2 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ quá hạn cao nhất ở hội nông dân (0,67%), tiếp theo là đoàn thanh niên (0,54%), hội phụ nữ (0,51%) và hội cựu chiến binh (0,49%). Thực hiện kế hoạch giảm nợ quá hạn, chỉ có hội nông dân và hội cựu chiến binh giảm số nợ quá hạn còn đoàn thanh niên và hội phụ nữ lại tăng thêm.


Phân tích nguyên nhân phát sinh và gia tăng nợ quá hạn, bà Trương Thị Thanh Tùng - Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh cho rằng, thứ nhất, hộ vay quá nghèo, do trong quá trình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, thua lỗ, không có khả năng khôi phục sản xuất kinh doanh dẫn đến mất vốn, không còn khả năng trả nợ; gia đình gặp nhiều rủi ro trong cuộc sống như có thành viên trong gia đình ốm đau thường xuyên dẫn đến khó khăn không có khả năng trả nợ; sinh viên ra trường không có việc làm hoặc có việc làm nhưng thu nhập thấp, không đủ trả nợ. Thứ hai, do hộ vay bỏ đi khỏi địa phương, hộ gia đình vay vốn thiếu ý thức trả nợ, một số sinh viên ra trường có việc làm ổn định nhưng thiếu ý thức hỗ trợ gia đình trả nợ NH. Thứ ba, chính quyền địa phương cấp xã chưa thực sự tích cực, quyết liệt trong việc chỉ đạo, đôn đốc hộ vay trả nợ khi đến hạn; công tác vận động, thuyết phục hộ vay trả nợ còn hạn chế.


Giải pháp xử lý


Trong các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, hội cựu chiến binh có tỷ lệ nợ quá hạn thấp nhất. Theo ông Trần Văn Hạnh - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, một trong những giải pháp hội thực hiện hiệu quả là phát động thi đua giảm nợ quá hạn dưới 3%, đưa giảm nợ quá hạn vào chỉ tiêu đánh giá thi đua, kịp thời khen thưởng những địa phương có tỷ lệ nợ quá hạn thấp. Thời gian tới, Hội Cựu chiến binh tỉnh sẽ phối hợp với hội cựu chiến binh các huyện và cơ sở cùng NHCSXH, cấp ủy, chính quyền cơ sở tăng cường công tác kiểm tra tại tổ tiết kiệm và vay vốn cũng như tại nhà các hộ vay, đặc biệt tập trung vào các địa bàn trọng điểm có số nợ quá hạn nhiều, tỷ lệ cao là TP. Nha Trang và huyện Khánh Vĩnh.

 

Phòng Giao dịch NHCSXH thị xã Ninh Hòa giải ngân vốn vay cho người dân phường Ninh Hiệp
Phòng Giao dịch NHCSXH thị xã Ninh Hòa giải ngân vốn vay cho người dân phường Ninh Hiệp


Bên cạnh đó, UBND các cấp đã chỉ đạo việc xử lý nợ vay đến hạn, nâng cao chất lượng tín dụng. Là địa phương có số lượng cũng như tỷ lệ nợ quá hạn cao nhất tỉnh, Thành ủy Nha Trang đã chỉ đạo UBND các xã, phường, hội, đoàn thể, cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát phối hợp với NHCSXH trong việc xử lý nợ quá hạn, nợ khó đòi.


Để giảm nợ quá hạn, nâng cao chất lượng tín dụng, theo bà Trương Thị Thanh Tùng, chính quyền địa phương các cấp, hội đoàn thể cấp xã cần tiếp tục phối hợp NHCSXH thường xuyên phân tích, phân loại nợ quá hạn để có giải pháp xử lý phù hợp với từng khoản vay thực tế. Đối với hộ vay gặp khó khăn trong đời sống, chưa có khả năng trả nợ ngay thì vận động hộ vay trả dần. Đối với hộ có khả năng trả nợ nhưng chây ỳ thì tiếp tục vận động thuyết phục hoặc khởi kiện ra cơ quan pháp luật. Đối với hộ bỏ đi khỏi địa phương, trong trường hợp xác định được địa chỉ cụ thể, các địa phương có văn bản hoặc trực tiếp tìm kiếm, vận động hộ vay trả nợ; trường hợp chưa xác định được địa chỉ cụ thể nhưng biết địa phương hộ vay chuyển đến (huyện, tỉnh), cần tiếp tục xác minh địa chỉ nơi cư trú cụ thể để phối hợp trả nợ. Đối với những trường hợp hộ vay bị rủi ro do thiên tai, dịch bệnh hay người vay chết, NH phối hợp với địa phương lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét khoanh nợ, xóa nợ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động của tổ thu hồi nợ cấp xã; tiếp tục rà soát, củng cố, kiện toàn hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay.


N.D