08:11, 06/11/2012

Sẽ cho phép mở rộng tín dụng

Với những tổ chức có nhu cầu mở rộng, khả năng quản trị tốt, NHNN xem xét cho phép mở rộng tín dụng.

 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Với những tổ chức có nhu cầu mở rộng, khả năng quản trị tốt, NHNN xem xét cho phép mở rộng tín dụng.

Bà Đỗ Thị Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết tại buổi tọa đàm “Đánh giá hiệu quả chính sách tiền tệ 10 tháng năm 2012 và khuyến nghị chính sách” diễn ra sáng 5-11, do Học viện Ngân hàng tổ chức.

Theo bà Đỗ Thị Nhung, tín dụng của nền kinh tế đã tăng trở lại 3,3% so với cuối năm 2011, sau khi tăng trưởng âm trong 5 tháng đầu năm. Cơ cấu tín dụng cũng được chuyển đổi, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực ưu tiên. Trong đó, tín dụng xuất khẩu tăng cao nhất, đạt mức 10,76%, tiếp đến là tín dụng nông thôn.

Sở dĩ, tăng trưởng tín dụng 10 tháng qua thấp, theo bà Nhung, là do lực cầu yếu làm giảm khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp; Nhu cầu vay vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp lớn nhưng huy động trung và dài hạn khó khăn.

Ngoài ra, nợ xấu tăng cao nên ngân hàng thận trọng hơn khi cho vay, khâu thẩm định hồ sơ vay vốn cũng phải kỹ lưỡng hơn… Thực tế này đã phần nào ảnh hưởng đến mở rộng tín dụng. Ngoài ra, khả năng quản trị của doanh nghiệp thấp nên không đủ khả năng đứng vững trước khó khăn, dẫn tới sử dụng vốn không tốt.

Trong những tháng cuối năm, để tháo gỡ khó khăn cho hệ thống, đại diện NHNN cho biết, cơ quan này sẽ kiên trì những chính sách đã đề ra trong 6 tháng đầu năm, tiếp tục có những chính sách hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng. NHNN cũng sẽ tổ chức giám sát việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng của tổ chức tín dụng. Với những tổ chức có nhu cầu mở rộng, khả năng quản trị tốt, NHNN xem xét cho phép mở rộng tín dụng.

Đặc biệt, NHNN sẽ cùng các tổ chức tín dụng tháo gỡ khó khăn về nợ xấu. Hiện NHNN kiến nghị các bộ ngành cùng tháo gỡ vấn đề này như kiến nghị Bộ Công thương có giải pháp tháo gỡ hàng tồn kho, Bộ Tài chính đẩy nhanh cho phép bảo lãnh doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn ngân hàng thương mại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm đến việc thành lập quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Riêng thị trường bất động sản, NHNN đề xuất tập trung tháo gỡ tồn kho, có chính sách đổi với cho vay với người thu nhập thấp.

Lãi suất chủ chốt đã giảm 5%

Theo bà Nhung, mặt bằng lãi suất cho vay hiện đã giảm. Đầu năm 2012, Thống đốc NHNN đưa ra mục tiêu lãi suất giảm 1%, nhưng do lạm phát kiểm soát ở mức thấp nên lãi suất được giảm nhanh hơn dự kiến. Đến nay, các mức lãi suất chủ chốt đã giảm 5%. Còn các khoản cho vay cũ, các tổ chức tín dụng cũng đã điều chỉnh xuống dưới 15%/năm.

Đến nay, dư nợ các khoản vay lãi suất dưới 15% chiếm tỷ trọng khoảng 90%. “NHNN sẽ giám sát chặt chẽ lãi suất, đảm bảo lãi suất không tăng trong những tháng cuối năm” - bà Nhung khẳng định.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm này, TS Lê Xuân Nghĩa khẳng định:“Tới đây, sức ép giảm lãi suất, mở rộng tín dụng lớn nhưng dư địa để giảm lãi suất là không có”.

Tán đồng với chương trình NHNN đang làm là cải cách lại những quy định liên quan đến minh bạch hóa của ngân hàng, thực hiện chuẩn mực quốc tế và xây dựng tiêu chí cảnh báo sớm.

Ông Nghĩa đưa ra 2 vấn đề cần lưu ý: Chính phủ đã có chương trình chống đô la hóa và vàng hóa, được xây dựng từ năm 2011. Theo đó, năm 2012 phải chống được vàng hóa và 2015 phải chống được đô la hóa.

NHNN đưa ra lộ trình 25-11 kết thúc huy động vàng, nhưng do có trục trặc (một số ngân hàng có trạng thái âm vàng lớn) nên phải lùi đến 30-6 năm sau. Đây là điều do hệ thống tuyên truyền của NHNN, chính phủ không rõ ràng nên có nhiều ý kiến liên quan đến việc chống vàng hóa.

Từ nay tới 2015 sẽ có việc giảm dần cho vay ngoại tệ, giảm huy động ngoại tệ và tiến đến chấm dứt huy động năm 2015. “Có thể sẽ có một số trục trặc nhưng chắc chắn phải chấm dứt tình trạng vàng hóa và đô la hóa trong nền kinh tế” - ông Nghĩa nhấn mạnh.

Theo VOV