11:08, 06/08/2018

Nuôi trồng thủy sản trên biển: Khó triển khai theo quy hoạch

Quy hoạch phát triển ngành Thủy sản tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố. 

Quy hoạch phát triển ngành Thủy sản tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố. Tuy nhiên, khó khăn nhất mà các địa phương đang gặp phải là việc triển khai nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên biển theo đúng quy hoạch.


Người dân không chịu di dời


Ông Nguyễn Văn Hiền - người nuôi tôm hùm tại phường Cam Linh (TP. Cam Ranh) bày tỏ: “Chúng tôi đã nghe việc di dời lồng bè về đúng các vùng quy hoạch. Nhưng nhà ở Cam Linh mà sang nuôi tận Bình Ba, Bình Hưng thì bất tiện quá. Đó là chưa kể, khi di dời sang đó, những vị trí đẹp người dân Cam Bình đã chọn hết rồi; sang Cam Bình nuôi thì phải đầu tư lồng bè rất tốn kém do vùng nước sâu, sóng gió nhiều… Chúng tôi chỉ muốn nuôi tại vùng nước ven bờ như hiện nay, không muốn di dời đi đâu cả. Mà cho dù có chấp nhận di dời thì liệu những khu vực quy hoạch này có đủ chỗ cho hơn 33.000 lồng nuôi của người dân Cam Ranh di dời đến hay không?”.

 

Người dân cần tuân thủ quy hoạch khi nuôi trồng thủy sản trên biển.

Người dân cần tuân thủ quy hoạch khi nuôi trồng thủy sản trên biển.


Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó Chủ tịch UBND phường Cam Linh cho hay: “Hiện nay, nông dân trên địa bàn phường chủ yếu nuôi tôm hùm với hơn 4.500 lồng, một số loài cá ở vùng nước ven bờ, nằm ngoài quy hoạch vùng nuôi vừa được công bố. Việc di dời người dân đến nơi NTTS đúng vùng quy hoạch rất khó khăn. Hiện nay, TP. Cam Ranh xây dựng phương án hỗ trợ người dân di dời lồng bè về nơi quy hoạch. Địa phương đang tiến hành tuyên truyền để người dân nắm bắt được quy hoạch để thực hiện. Tuy nhiên, đa số các hộ không đồng tình với việc di chuyển về vùng nuôi theo quy hoạch vì quá xa và bất tiện”.


Còn ông Nguyễn Ngọc Ý - Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết: “Nhu cầu NTTS trên biển của người dân Vạn Ninh rất lớn, toàn huyện có hơn 8.500 lồng nuôi. Các khu vực NTTS được quy hoạch lần này vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu nuôi của người dân. Để đảm bảo quyền lợi cho người dân phát triển kinh tế, địa phương đề nghị nên bổ sung một số khu vực có khả năng NTTS trên vịnh Vân Phong như: Bãi Búa - Bãi Gạo (50ha), Vũng Sim (100ha), phía nam đảo Cùm Meo (100ha) và phía nam đảo Hòn Vung (100ha). Ngoài ra, hiện nay, quy hoạch có một khu vực chồng lấn với diện tích mặt nước đã được cấp phép cho doanh nghiệp nuôi ngọc trai, vì vậy cần điều chỉnh lại quy hoạch để tránh sự chồng lấn này”.

 
Cần tuân thủ quy hoạch


Theo lãnh đạo TP. Cam Ranh, để di dời lồng bè ven bờ đến vùng nuôi quy hoạch, người dân sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, để phát triển TP. Cam Ranh thì không thể tiếp tục việc NTTS ở ven vịnh Cam Ranh. Thực tế, việc phát triển NTTS tự phát ven bờ những năm qua đã để lại những hệ lụy lớn về môi trường, cảnh quan. Địa phương sẽ cương quyết di dời các bè NTTS về đúng vùng quy hoạch. Để thực hiện đúng quy hoạch, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước rất cần sự đồng lòng của người dân.


Ông Nguyễn Ngọc Ý cho hay: “Cơn bão số 12 năm 2017 đã để lại hậu quả nặng nề đối với các hộ NTTS bằng lồng bè trên vịnh Vân Phong. Khi triển khai chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các hộ NTTS bị thiệt hại đều không được hỗ trợ theo Nghị định 02 năm 2017 của Chính phủ. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu kê khai ban đầu và nuôi không đúng vùng quy hoạch. Vì vậy, để đảm bảo phát triển kinh tế, NTTS một cách bền vững, người dân cần tuân thủ đúng quy hoạch”.


Theo ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, người NTTS cần lưu ý triển khai nuôi theo đúng quy hoạch đã được công bố. Việc phát triển NTTS phù hợp với quy hoạch, có kê khai, đăng ký ban đầu không chỉ giúp người nuôi có đủ điều kiện để được Nhà nước hỗ trợ khi gặp thiên tai, dịch bệnh, mà còn giúp phát triển NTTS một cách bền vững. Đối với quy hoạch NTTS bằng lồng bè trên biển, bên cạnh việc nuôi đúng vùng quy hoạch, người dân cần lưu ý việc chuyển từ lồng bè truyền thống sang nuôi theo công nghệ Na Uy, với ô lồng bằng vật liệu nhựa HDPE. Trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, việc đầu tư cho công nghệ mới, có thể thích ứng với gió bão cấp độ lớn nhằm giảm thiểu rủi ro là vấn đề người dân cần lưu ý. Chính quyền các địa phương cũng cần sớm công bố quy hoạch NTTS trên địa bàn; có phương án tổ chức sắp xếp, di dời các lồng bè về đúng nơi quy hoạch…


BÍCH LA


 


 

Tại huyện Vạn Ninh, NTTS bằng lồng bè trên biển được quy hoạch tại vùng nuôi thôn Xuân Tự (xã Vạn Hưng), diện tích khoảng 120ha với 2.000 lồng bè truyền thống; vùng nuôi lạch Cổ Cò (xã Vạn Thạnh) diện tích 100 - 120ha, mật độ cho phép 2.000 lồng, kết hợp nuôi lồng truyền thống và lồng công nghiệp kiểu Na Uy. Vùng nuôi Bãi Nặm - Bãi Sau thuộc thôn Khải Lương (xã Vạn Thạnh) diện tích khoảng 100ha, cho phép nuôi 1.500 lồng truyền thống và 50 lồng công nghiệp kiểu Na Uy. Vùng nuôi Cửa Lớn phía mũi Cổ Cò diện tích 50 - 60ha, bố trí khoảng 150 lồng nuôi công nghiệp kiểu Na Uy. Vùng nuôi Nam Hòn Ông diện tích khoảng 100ha, bố trí khoảng 1.500 lồng nuôi truyền thống. Vùng nuôi Hòn Vung (thị trấn Vạn Giã) có diện tích khoảng 50ha, bố trí khoảng 1.000 lồng nuôi truyền thống.


Tại TP. Cam Ranh, chỉ phát triển ở 3 vùng nuôi gồm: Bình Ba diện tích 100ha, bố trí khoảng 8.000 lồng nuôi; Cam Lập diện tích 500ha, bố trí 25.000 lồng nuôi và Bình Hưng diện tích 30ha, bố trí 1.000 lồng nuôi. Tại TP. Nha Trang tập trung ở 3 khu vực gồm: vùng nước đảo Bích Đầm diện tích 6ha, vùng nước giao giữa đảo Bích Đầm và Đầm Bấy diện tích 50ha, vùng nước đảo Trí Nguyên (Hòn Miễu) diện tích 14ha. Tại thị xã Ninh Hòa, quy hoạch chủ yếu tập trung tại đầm Nha Phu với 3 vùng nuôi: 40ha mặt nước phía tây nam các đảo Hòn Lăng, Hòn Giữa; 20ha phía tây nam đảo Hòn Thị và 26ha ở khu vực Bãi Giông (xã Ninh Vân).