08:07, 15/07/2018

Băn khoăn cây mì giống

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nơi diện tích mì tăng nhanh, làm khan hiếm giống, có nơi nông dân lại lo lắng vì giống mì mới vẫn bị bệnh chổi rồng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nơi diện tích mì tăng nhanh, làm khan hiếm giống, có nơi nông dân lại lo lắng vì giống mì mới vẫn bị bệnh chổi rồng.


Khan hiếm giống


Ông Nguyễn Văn Thành (thôn Tân Lập, xã Ninh Sim, thị xã Ninh Hòa) cho hay, hiện nay, giống cây mì khan hiếm bởi nông dân đang tập trung chuyển đổi. Do chủ động được nguồn giống nên ông đã xuống giống 5ha cách đây 2 tháng. Tuy vậy, việc trồng dặm số mì chết do nắng nóng trên diện tích 5ha vẫn đang gặp khó vì thiếu giống.

 

Mì giống mới SM937-26 thu hoạch tại Cam Lâm kết quả rất khả quan.

Mì giống mới SM937-26 thu hoạch tại Cam Lâm kết quả rất khả quan.


Bà Ngô Thị Kiều Oanh - chủ một điểm bán cây mì giống tại xã Ninh Xuân cho biết, trong tháng 6, bà bán hàng trăm bó mì giống cho nông dân các xã có nhu cầu (1 bó 18 - 20 cây), nhưng hiện nay không có giống để bán vì đầu vào cũng khan hiếm. Đây là giống mì cao sản, nông dân thường gọi là mì đọt đỏ đọt trắng lấy từ Đắk Lắk.


Tại Ninh Sim, diện tích cây mì có xu hướng tăng. Ông Nguyễn Văn Trung - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, bình thường diện tích mì trên địa bàn chỉ khoảng 60 - 80ha nhưng năm nay dự báo có thể tăng gấp 2 - 3 lần. Hiện nay, tại các thôn, mì đã xuống giống được 75ha, thời gian tới còn tăng nữa bởi trời đang nắng, nông dân chưa vội xuống giống. Hội Nông dân xã vận động người dân không nên ồ ạt chuyển đổi bởi thị trường cây mì chưa chắc ổn định, thay vào đó nên chuyển đổi sang các cây có giá trị và lập vườn như: xoài, mít, bưởi.


Tại xã Ninh Tây, diện tích cây mì của xã ổn định khoảng 100ha, nhưng năm nay có khuynh hướng tăng mạnh, nhất là khu vực Buôn Lác - nơi có nhiều diện tích đất trồng mì thích hợp.


Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa, việc chuyển đổi ồ ạt từ mía sang mì có nguyên nhân từ giá mía niên vụ này và những niên vụ gần đây thấp, người trồng mía thua lỗ nên không còn mặn mà với cây mía. Tuy nhiên, thị xã vẫn chưa có giải pháp khả thi để giải quyết tình hình căng thẳng mì giống.


Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Ninh Hòa cho biết, qua nắm bắt, diện tích trồng mì vẫn chưa nhiều bởi hiện nay thời tiết nắng nóng. Toàn thị xã có hơn 100ha mì đã xuống giống, tập trung nhiều nhất tại 3 xã phía tây là: Ninh Sim, Ninh Tây và Ninh Tân. Trạm đang theo dõi chặt chẽ vấn đề này để có khuyến cáo kịp thời.


Giống mới vẫn bị bệnh chổi rồng?


Tháng 5-2017, ông Ông Hà Mai (Đá Trắng, xã Cầu Bà, huyện Khánh Vĩnh) - người thực hiện mô hình giống mì mới cho biết, ông được cán bộ Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ chuyển giao 5 giống mì mới trên diện tích 5.000m2. Trong thời gian này, mì bị gió bão làm ngã đổ. Tháng 10-2017, ông phát hiện mì có dấu hiệu bị bệnh chổi rồng, thân khô từ đọt xuống và lá rụng dần, cây chết khô. Năng suất mì đạt thấp, chỉ khoảng 1 - 1,5 kg/bụi.


Ông Phan Trần Việt - cán bộ Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ cho biết, viện hợp đồng với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai đề tài  Nghiên cứu một số cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao tại Khánh Hòa. Đề tài nghiên cứu nhiều giống cây trồng, trong đó có mì. Cây mì được khảo nghiệm tại 2 điểm Cam Lâm và Khánh Vĩnh, vụ đầu vào tháng 5-2017. Mỗi điểm trình diễn 5.000m2/5 giống. KM 94 là giống đối chứng và 4 giống mới là: SM 937 - 26, KM 101, HL S 11 và KM 7. Đề tài thực hiện 3 năm mới đánh giá được kết quả. 2 năm đầu khảo nghiệm, năm 3 triển khai mô hình, sau đó phân tích các yếu tố: năng suất, sinh trưởng, sâu bệnh mới chọn ra giống phù hợp…


2 điểm khảo nghiệm nhưng chỉ có Khánh Vĩnh là bị bệnh chổi rồng. Hầu hết các giống mắc nhẹ 10 - 15%, giống KM 94 có tỷ lệ bệnh cao hơn, 30 - 40%. Theo kế hoạch, năm 2018, đề tài tiếp tục triển khai để theo dõi các yếu tố tổng hợp, trong đó có bệnh chổi rồng. Năm 2019 sẽ tiến hành tuyển chọn giống phù hợp, xây dựng mô hình và tổ chức hội nghị đầu bờ cho nông dân tham quan.


V.LẠC