09:06, 22/06/2018

Chủ động phát triển Khu kinh tế Vân Phong

Ngày 22-6, Ban Chỉ đạo phát triển Khu kinh tế (KKT) Vân Phong (gọi tắt Ban chỉ đạo) họp triển khai thực hiện nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2016 - 2020.

Ngày 22-6, Ban Chỉ đạo phát triển Khu kinh tế (KKT) Vân Phong (gọi tắt Ban chỉ đạo) họp triển khai thực hiện nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2016 - 2020. Các ông: Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo; Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Đức Vinh - Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.


Khởi sắc


Theo báo cáo của UBND tỉnh, đến nay, KKT Vân Phong đã có 155 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 4 tỷ USD, vốn thực hiện là 664 triệu USD, đạt 17% vốn đăng ký. Trong đó, từ năm 2016 đến tháng 5-2018, thu hút được 32 dự án (trong đó có 4 dự án có vốn đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đăng ký 60.270 tỷ đồng (tương đương hơn 2,7 tỷ USD). Tại khu vực Nam Vân Phong, hiện nay, có nhiều nhà đầu tư đang khảo sát và đề xuất các dự án công nghiệp lớn trong lĩnh vực hóa dầu, điện khí, phát triển khu công nghiệp, phụ trợ đóng tàu… Bên cạnh đó, dự án Khu đô thị Đông Bắc Ninh Hòa đã có hơn 10 nhà đầu tư đăng ký; dự án Khu dân cư Ninh Long, Ninh Thủy đang được đẩy nhanh các thủ tục để triển khai xây dựng. Đây là những tín hiệu tốt đối với phát triển đô thị tại khu vực Nam Vân Phong.

 

Đồng chí Lê Thanh Quang chỉ đạo tại cuộc họp.

Ông Lê Thanh Quang chỉ đạo tại cuộc họp.


Các dự án đã đi vào hoạt động trong KKT Vân Phong đóng góp cho ngân sách tỉnh năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2016 chiếm 30,4% tổng ngân sách tỉnh; năm 2017 chiếm 31.85% và quý I/2018 chiếm 49,36%, nguồn thu chủ yếu từ thuế xuất nhập khẩu xăng dầu. KKT Vân Phong cũng giải quyết việc làm cho hơn 6.000 lao động. Một số dự án lớn như: Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, Dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong, các cảng tổng hợp ở Nam Vân Phong và Bắc Vân Phong, Khu Công nghiệp Ninh Thủy… đang triển khai xây dựng.

Ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: “Với kết quả như trên, có thể nói KKT Vân Phong đã có nhiều khởi sắc và đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh”.


Giải quyết khó khăn


Tuy nhiên, hiện nay, việc chuẩn bị thành lập Đặc khu hành chính, kinh tế Bắc Vân Phong đã ảnh hưởng đến việc phát triển cũng như thu hút đầu tư tại KKT Vân Phong. Ông Hoàng Đình Phi - Trưởng ban Quản lý KKT Vân Phong cho biết: “Diện tích của KKT Vân Phong sẽ giảm đáng kể, từ 70.000ha còn 30.000ha, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư. Ngoài ra, nguồn đầu tư từ ngân sách hiện nay được phân bổ khá thấp so với các KKT ven biển khác nên khó khăn cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Nếu tình hình này không được cải thiện sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển KKT Vân Phong trong những năm tiếp theo. Các vấn đề nguồn nhân lực, công tác giải phóng mặt bằng, nước phục vụ cho sản xuất, kinh doanh cho KKT và đặc khu trong tương lai cũng là vấn đề nan giải”.

 

zzKho xăng dầu ngoại quan Vân Phong góp phần lớn trong việc thu ngân sách của cả KKT Vân Phong.

Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong góp phần lớn trong việc thu ngân sách của cả KKT Vân Phong.

 

Ông Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy: Dự án Luật Đặc khu chưa thông qua, song chúng ta vẫn phải chuẩn bị mọi mặt để phát triển KKT, phát triển đặc khu. Việc hình thành đặc khu sẽ không ảnh hưởng đến các nhà đầu tư ở Nam Vân Phong. Chúng ta cần phải chủ động để phát triển KTT Vân Phong, không phải đợi đến khi Dự án Luật Đặc khu được thông qua mới chuẩn bị. Như vậy sẽ lỡ mất thời cơ.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban chỉ đạo đã kiến nghị nhiều vấn đề để KKT Vân Phong tiếp tục phát triển trong những năm tiếp theo. “Khi đặc khu hình thành, chúng ta phải tính đến phương án khu vực phòng thủ, nguồn nhân lực phục vụ cho đặc khu; cần phải làm ngay từ bây giờ mới kịp. Hiện nay, mỗi năm, cả tỉnh chỉ đào tạo được khoảng 2.000 lao động phục vụ cho du lịch, vậy khi thêm đặc khu nữa thì nguồn nhân lực sẽ rất thiếu. Chúng ta cũng phải tính tới nguồn nước phục vụ cho cả KKT. Trước mắt, cần sử dụng các nguồn nước từ hồ Hoa Sơn (huyện Vạn Ninh), Tiên Du (thị xã Ninh Hòa) để đáp ứng nhu cầu ban đầu cho các nhà đầu tư”, ông Nguyễn Tấn Tuân phát biểu.  

               
Ông Lê Đức Vinh cho biết, dù có nhiều tiềm năng nhưng du lịch ở Nam Vân Phong hiện phát triển chậm. Tỉnh đã tiếp xúc với một số nhà đầu tư ở Nhật Bản để kêu gọi đầu tư vào khu vực này. Hiện nay, việc cấp nước thô cho KKT Vân Phong gặp nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư vì các dự án có sử dụng nước hiện chưa hoạt động. Do đó, nếu đầu tư các dự án cấp nước, các nhà đầu tư lo ngại việc chưa thể kinh doanh được.


Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Lê Thanh Quang đề nghị tỉnh thu hút thêm vốn đầu tư, tiếp tục kêu gọi lấp đầy các dự án ở phía nam Vân Phong. Trong thời gian tới, phải tiến hành dẫn nước thô để phục vụ các công trình đang triển khai ở Vân Phong. Trước mắt, ở phía bắc dùng nước hồ Hoa Sơn, ở phía nam dùng nước hồ Tiên Du, Đá Bàn. Riêng về vấn đề nguồn nhân lực cần có sự phối hợp giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Các công trình an ninh - quốc phòng sẽ bố trí hợp lý và tận dụng các lợi thế sẵn có. Một số dự án phục vụ du lịch đã triển khai, tiếp tục thực hiện để phục vụ nghỉ dưỡng cho các chuyên gia khi đặc khu hình thành.


Đình Lâm