11:05, 23/05/2018

Chưa xuất hiện tình trạng thu mua rễ tiêu

Thời gian gần đây, tình trạng thương lái thu mua rễ cây tiêu xảy ra ở một số tỉnh có diện tích tiêu lớn. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho loại cây trồng này. Ở Khánh Hòa tuy chưa xuất hiện nhưng cơ quan chức năng cũng đang tập trung theo dõi để kịp thời cảnh báo người dân.

Thời gian gần đây, tình trạng thương lái thu mua rễ cây tiêu xảy ra ở một số tỉnh có diện tích tiêu lớn. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho loại cây trồng này. Ở Khánh Hòa tuy chưa xuất hiện nhưng cơ quan chức năng cũng đang tập trung theo dõi để kịp thời cảnh báo người dân.


Ngán ngẩm với cây tiêu


Ở Khánh Sơn, cây tiêu là một trong những cây trồng mang về giá trị kinh tế lớn. Đặc biệt, từ năm 2013 đến 2016, khi giá thu mua tiêu tăng chóng mặt, diện tích trồng tiêu vì thế cũng tăng theo cấp số nhân. Nhưng rồi giá thu mua tiêu nhanh chóng tụt dốc. Người trồng tiêu không còn lợi nhuận khi đây là cây trồng đòi hỏi sự đầu tư khá lớn về vốn liếng, kỹ thuật chăm sóc.

 

Ông Tuyên ở thôn Liên Hòa, xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn cho biết, mỗi héc-ta tiêu người dân phải đầu tư ban đầu khoảng 600 triệu đồng. Sau 3 năm chăm sóc, cây tiêu bắt đầu cho thu hoạch. Lúc cao điểm giá tiêu 220.000 đồng/kg, mỗi héc-ta tiêu cho người dân thu nhập lên tới hàng tỷ đồng. Năm 2017, tiêu chỉ quanh quẩn ở mức 120.000 đồng/kg, nếu so với kinh phí đầu tư, lời lãi chẳng còn bao nhiêu. Đến năm 2018, tiêu chỉ còn bán với giá 60.000 đồng/kg, người trồng lỗ nặng.


Điều quan trọng là khi cây tiêu không còn mang về thu nhập như mong đợi, hoạt động chăm sóc, đầu tư vào cây trồng này cũng giảm xuống khiến cho dịch hại phát triển, cụ thể là bệnh chết nhanh chết chậm có điều kiện bùng phát. Diện tích trồng tiêu cũng vì thế giảm theo. Ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn cho biết, từ gần 90ha năm 2016, đến nay toàn huyện chỉ còn chưa đầy 40ha. Diện tích còn lại này cũng khá èo uột do không được đầu tư chăm sóc xứng đáng.

 

Người dân Khánh Sơn chăm sóc tiêu.

Người dân Khánh Sơn chăm sóc tiêu.

 

Chưa xảy ra hiện tượng thu mua rễ tiêu


Trước thông tin về hoạt động thu mua rễ cây tiêu, nhất là trong thời điểm không ít hộ trồng tiêu đang ngán ngẩm với cây trồng này, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Bình (Khánh Sơn) cho biết: “Qua tìm hiểu tại một số hộ có diện tích tiêu lớn trên địa bàn, các hộ đều khẳng định trong năm 2018 chưa nhận được đề nghị thu mua rễ tiêu nào”.


Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh, toàn huyện có khoảng 10ha tiêu. Trong đó, có khoảng 7ha đã cho thu hoạch nằm chủ yếu ở một số xã như: Khánh Trung, Khánh Thành, Khánh Phú, Liên Sang. Huyện đã nghe thông tin về việc một số thương lái tổ chức thu mua rễ tiêu ở tỉnh Đồng Nai, qua theo dõi, trên địa bàn huyện chưa có hiện tượng này.


Theo bà Trịnh Thị Thùy Linh - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, toàn tỉnh có diện tích cây tiêu chưa đầy 50ha. Diện tích nhỏ nên chưa xảy ra tình trạng thu mua rễ tiêu. Mặt khác, với giá thu mua rễ tươi chỉ khoảng 20.000 đồng/kg, rễ khô 80.000 đồng/kg không đủ trả công đào gốc tiêu, nên việc mua bán khó xảy ra. Dẫu vậy, cơ quan chức năng cũng khuyến cáo, giữa lúc dịch hại trên cây tiêu đang diễn biến phức tạp, rễ của những cây tiêu bị bệnh có thể lan truyền mầm bệnh, nên người dân cần cẩn trọng.  Ngoài ra, trong quá trình chuyển đổi cây trồng, nhất là trong thời điểm phá bỏ cây tiêu đang bị bệnh để trồng cây khác, cần xử lý sạch mầm bệnh trước khi xuống giống nhằm triệt tiêu khả năng mầm bệnh cũ của cây tiêu có thể lan truyền.


H.Đ