10:04, 02/04/2018

Hiệp định CPTPP: Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh chưa hưởng lợi

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương được ký kết sẽ mở ra nhiều triển vọng cho các doanh nghiệp trong nước. Song, ở Khánh Hòa, dường như các doanh nghiệp chưa được hưởng lợi từ hiệp định này.
 
 

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết sẽ mở ra nhiều triển vọng cho các doanh nghiệp (DN) trong nước. Song, ở Khánh Hòa, dường như các DN chưa được hưởng lợi từ hiệp định này.
 
Tại Khánh Hòa, khi CPTPP được ký kết, các DN chuyên sản xuất hàng xuất khẩu như: thủy sản, dệt may chịu ảnh hưởng đầu tiên. Khi thuế xuất khẩu vào các thị trường như: Nhật, Canada, Australia giảm là cơ hội để các DN Khánh Hòa tăng cường sản lượng và mở rộng thị phần. Đặc biệt, ngoài Nhật Bản đã có mối quan hệ làm ăn từ trước thì Canada, Australia được xem là những thị trường tiềm năng có sức tiêu thụ lớn mà các DN dệt may và thủy sản Khánh Hòa chưa khai thác hết. Ông Nguyễn Thất Linh - Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH Thương mại Khatoco cho biết: “CPTPP được ký kết và có hiệu lực thì phần lớn hàng dệt may sẽ được hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu vào các nước thành viên CPTPP. Chúng tôi kỳ vọng lớn vào các thị trường mới như: Canada, Australia, Peru… Riêng với Canada, hàng dệt may Việt Nam hiện nay chỉ chiếm khoảng 2% thị phần, vì vậy cơ hội mở rộng thị trường là rất lớn”. Theo ông Linh, hiện nay, các sản phẩm dệt may xuất khẩu của Khatoco đã tăng trưởng rất mạnh so với năm 2017, phần lớn đều hướng đến thị trường Canada và các nước ký kết CPTPP. 
 
Cũng như dệt may, CPTPP là cơ hội để các sản phẩm về da của Khatoco tăng tỷ trọng, tăng cơ hội xuất khẩu sang các nước: Chile, Australia, New Zealand, Mexico, Canada… Riêng Nhật Bản, một trong những thị trường chủ lực của ngành xuất khẩu da giày, nếu biết tận dụng chặt chẽ các điều khoản từ CPTPP, mức tăng trưởng này sẽ còn cao hơn hiện tại. 

 

Công nhân của doanh nghiệp thủy sản trong Khu Công nghiệp Suối Dầu.
Công nhân của doanh nghiệp thủy sản trong Khu Công nghiệp Suối Dầu.
 
 
Tuy nhiên, theo đánh giá chung, hiện nay, phần lớn các DN có hàng xuất khẩu ở tỉnh vẫn chưa thực sự được hưởng lợi từ CPTPP như kỳ vọng. Bởi đa phần các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của các DN trong tỉnh lâu nay chủ yếu ở châu Âu, Mỹ và một phần nhỏ ở Nhật. Trong đó, ngành thủy sản lâu nay có kim ngạch xuất khẩu rất lớn ở thị trường châu Âu và Mỹ. Các thị trường như: Australia, Canada, Chilê lâu nay rất ít DN tiếp cận. Tương tự, dệt may cũng là ngành luôn có tỷ trọng cao ở thị trường Mỹ và một phần ít thuộc về thị trường Nhật. Phần lớn các nước ở trong khối CPTPP vẫn là thị trường còn bỏ ngỏ với ngành dệt may tỉnh. Ông Võ Đình Hùng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang khẳng định: “Hoa Kỳ không tham gia hiệp định này là một sự thiệt thòi cho ngành dệt may tỉnh, vì phần lớn các sản phẩm của ngành đều xuất khẩu sang thị trường này. Các thị trường như: Canada, Australia lâu nay chỉ chiếm kim ngạch rất nhỏ”.  
 
Bên cạnh đó, các DN về nông nghiệp là những DN chịu áp lực nhiều nhất. Mía đường, thịt gia súc, gia cầm là những mặt hàng mà giá của nhiều nước trong khối CPTPP thấp hơn Việt Nam. Khi thuế nhập khẩu giảm sâu, mức độ cạnh tranh sẽ quyết liệt hơn nhiều. Nếu muốn tồn tại, các DN phải tự thay đổi để thích nghi. Theo bà Mai Kiều Liên - Tổng Giám đốc Vinamilk (cổ đông chính của Công ty Cổ phần Đường Việt Nam, tiền thân là Công ty Cổ phần Đường Khánh Hòa), ngành mía đường nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng đã được bảo hộ nhiều năm, đây là thời điểm hội nhập để ngành thay đổi và phát triển tốt hơn. Muốn tồn tại, cần phải chấp nhận cạnh tranh. “Bản thân Vinamilk đã tính đến việc cải tổ lại bộ máy, áp dụng những chiến lược và hệ thống quản lý tiên tiến của Vinamilk vào Công ty Cổ phần Đường Việt Nam. Đồng thời, công ty sẽ đầu tư mở rộng công suất từ 10.000 tấn lên 15.000 tấn mía/ngày; luyện độc lập đường thô từ 1.500 tấn lên 2.000 tấn/ngày. Tiếp theo, trong 5 năm tới sẽ hạ giá thành đường bằng với giá thành đường các nước”, bà Liên cho hay.
 
Ông Trần Văn Ngoạn - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Khi CPTPP được ký kết và có hiệu lực thì bên cạnh cơ hội, các DN ở Khánh Hòa cũng gặp rất nhiều thách thức. Đến thời điểm hiện tại, chưa có nhiều DN trên địa bàn tỉnh được hưởng lợi từ CPTPP. Trong khi đó, xu hướng đầu tư rất nhanh và mạnh của các nhà đầu tư nước ngoài với lợi thế cả về tài chính, công nghệ và thị trường đều vượt xa so với các DN Việt Nam sẽ tạo vô vàn bất lợi cho DN trong nước”. 
 

CPTPP được coi là một hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao, không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như: cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại... mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như: lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, DN nhà nước… Việc tham gia CPTPP sẽ giúp Việt Nam thu hút đầu tư và thương mại với các quốc gia thành viên CPTPP; tăng tốc phát triển xuất khẩu, nhất là các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như: nông sản, dệt may, thực phẩm, đồ uống… sang các nước trong khối; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như lao động phổ thông thông qua trao đổi và xuất khẩu lao động.


 

ĐÌNH LÂM