11:04, 11/04/2018

Công tác khuyến nông: Khôi phục lại nhiều mô hình

Năm 2018, song song với việc triển khai các nhiệm vụ thường xuyên, công tác khuyến nông sẽ tập trung tối đa nguồn lực vào việc khôi phục lại những mô hình chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 12 xảy ra vào cuối năm 2017.

Năm 2018, song song với việc triển khai các nhiệm vụ thường xuyên, công tác khuyến nông sẽ tập trung tối đa nguồn lực vào việc khôi phục lại những mô hình chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 12 xảy ra vào cuối năm 2017.


Bão tàn phá nặng nề


Kết quả tổng kết công tác khuyến nông vừa được Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức cho thấy, trong năm 2017, hầu hết các mô hình được trung tâm triển khai đều chưa thể đánh giá hết tính hiệu quả, phù hợp hay không do điều kiện thời tiết không thuận lợi. Cây bắp nếp lai trên đất lúa triển khai tổng cộng gần 7,5ha tại Diên Khánh và Khánh Vĩnh nhưng chỉ có khoảng 2ha cho thu hoạch với năng suất 60 tạ/ha. Giống bắp có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, nhưng giá bán lại không cao, chưa đầy 4.000 đồng/kg, dẫn tới lợi nhuận chỉ khoảng 13 triệu đồng/ha. Số diện tích còn lại bị hư hại hoàn toàn do bão.

 

Với 7ha bưởi thâm canh theo chuẩn VietGAP được triển khai ở Diên Khánh, Khánh Vĩnh và Ninh Hòa, cây vừa trồng được 3 - 5 tháng thì gặp bão, đổ ngã nhiều. Rất may đây là những cây non nên khả năng phục hồi khoảng 70%. Đối với diện tích bưởi VietGAP chăm sóc năm 2 với 2,7ha ở các xã: Ninh Thân, Ninh Đông và Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa) phát triển không đồng đều. Cây bưởi ở Ninh Vân bị sâu bệnh, sinh trưởng kém; Ninh Thân tỏ ra phù hợp với cây bưởi da xanh, nhưng toàn bộ diện tích bưởi cũng không tránh khỏi ảnh hưởng nặng nề do bão.


Đặc biệt, một phương pháp trồng trọt còn khá mới mẻ cũng đã được đưa vào mô hình, đó là trồng rau thủy canh hồi lưu dạng tháp được triển khai tại xã Suối Cát, Cam Lâm. Theo đó, có 84 trụ thủy canh được đặt trên diện tích 120m2 trong nhà màn, có khả năng trồng 4.000 gốc rau các loại. Sau 2 tháng chạy thử nghiệm cho kết quả khả quan, đến tháng 10 triển khai đại trà nhiều loại rau như: cải, xà lách, rau muống… Nhưng khi cây đang sinh trưởng tốt, sắp sửa cho thu hoạch thì cơn bão khiến hệ thống nhà màn, tháp trụ bị đổ gãy hoàn toàn, chưa thể đánh giá được hiệu quả.


Không chỉ các mô hình khuyến nông, những diện tích khuyến lâm cũng rơi vào tình trạng tương tự. Trong tổng số 7 mô hình có diện tích 45,6ha tại Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Diên Khánh, Cam Lâm, Ninh Hòa và Nha Trang chủ yếu trồng cây gáo vàng và cây sưa. Trong khi nhiều diện tích cây gáo vàng bị ngập úng, thối rễ, tỷ lệ sống chỉ còn từ 10 đến 20%, thì có gần 9ha sưa ở Vĩnh Lương, Nha Trang phát triển tương đối tốt, tỷ lệ cây sống 70 - 80%, nhưng bão lớn gây gãy đổ, chỉ có thể phục hồi được khoảng 40%.


Cùng số phận còn có các mô hình khuyến ngư, đặc biệt là mô hình nuôi cá bớp sử dụng vắc xin phòng bệnh được triển khai tại đảo Đầm Bấy, Vĩnh Nguyên, Nha Trang. Tại đây, 63m3 lồng được thả với mật độ 8 con/m3. Với 500 con giống cho tỷ lệ sống đạt 90%. Theo tính toán, sau 10 tháng nuôi sẽ cho thu hoạch với kích cỡ 5,2kg/con, mang về lợi nhuận gần 50 triệu đồng. Nhưng chỉ mới 5 tháng thả nuôi, cơn bão đã cuốn phăng tất cả, ước thiệt hại 185 triệu đồng. Theo lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, đây là mô hình hoàn toàn mới, sử dụng vắc xin giúp cá bớp phát triển tốt, không bị bệnh do vi khuẩn stretococcus iniae gây ra trong giai đoạn cá nhỏ, nhờ đó tỷ lệ sống cao. Đáng tiếc là mô hình chưa thể đánh giá được hiệu quả cuối cùng.

 

Tập trung phục hồi diện tích cây trồng bị gãy, đổ do bão.

Tập trung phục hồi diện tích cây trồng bị gãy, đổ do bão.

 

Tập trung phục hồi


Theo ông Huỳnh Kim Khánh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác khuyến nông năm 2018 là xây dựng các mô hình nuôi - trồng có tính chất hình mẫu, từ đó đánh giá kết quả rồi nhân rộng. Trong quý I, các khuyến nông viên tập trung đánh giá chi tiết các thiệt hại, biện pháp khắc phục, hồi phục đối với các mô hình bước đầu có thể đánh giá được tính thích hợp và hiệu quả. “Các mô hình mà khuyến nông hướng đến trong thời gian này ngoài việc đáp ứng được các đòi hỏi về quy hoạch, phù hợp, hiệu quả, còn có thể thích ứng được với biến đổi khí hậu”, ông Khánh nhấn mạnh. Nói khác đi, trong điều kiện nắng mưa thất thường như hiện nay, hoạt động nông nghiệp công nghệ cao đang được khuyến khích phát triển. Ở đó, nông dân có thể chủ động điều khiển được không chỉ về hệ thống tưới tiêu, phân bón, mà còn có khả năng điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm, tạo ra được môi trường phát triển thuận lợi nhất cho cây trồng mà không quá lệ thuộc vào yếu tố thời tiết bên ngoài.


Trong số 11 mô hình khuyến nông được trình diễn trong năm 2018, sẽ có 12ha lúa được trồng giống mới, 6ha lúa giống sẽ được ứng dụng phân bón công nghệ nano, mô hình luân canh đậu phụng cao sản trên đất trồng tỏi, luân canh đậu xanh trên đất kiệu, lúa, tỏi; mô hình tưới nước tiết kiệm… Các mô hình đều hướng đến việc đưa vào loại giống cao sản, có khả năng chống chịu tốt hơn với những điều kiện khí hậu khác nhau. Đây cũng là đòi hỏi bức thiết hiện nay, khi điều kiện thời tiết ngày càng diễn biến bất thường, bất lợi cho hoạt động trồng trọt của nông dân.


H.Đăng