11:04, 10/04/2018

Cam Ranh: Nhu cầu giống sò mía tăng cao

Lãi từ sản xuất giống sò mía gấp hàng chục đến hàng trăm lần so với chi phí đầu tư khiến ngành sản xuất giống thủy sản này đang "nóng" trên địa bàn Cam Ranh.

Lãi từ sản xuất giống sò mía gấp hàng chục đến hàng trăm lần so với chi phí đầu tư khiến ngành sản xuất giống thủy sản này đang “nóng” trên địa bàn Cam Ranh.


Lãi cao


Sò mía hay ngao 2 cồi đang là đối tượng nuôi ưa thích tại nhiều vùng nuôi trong cả nước. Trong khi đó,  sò mía có xuất xứ từ vịnh Cam Ranh, một địa bàn nuôi thích hợp. Thời điểm này, đi một vòng ven các xã, phường ven biển Cam Ranh, đâu đâu cũng thấy trại giống sò mọc lên như nấm thay cho các trại tôm truyền thống. Nhiều nơi còn phá bể nuôi tôm hoặc chuyển một phần công năng sang nuôi sò.


Vào Cam Ranh lập nghiệp từ năm 2010, sau bao lần chuyển đổi đối tượng nuôi từ tu hài, cá chẽm, cá bớp, hiện nay ông Chu Xuân Đức (Cam Phúc Nam) mới an tâm với con sò mía. Ông Đức tiết lộ, nhờ sản xuất giống sò này mà 2 năm gần đây ông đã xây được nhà, tậu được ô tô. “Tuy độ hao hụt ấu trùng khá cao, phụ thuộc nhiều vào tác động ngoại cảnh nhưng nuôi sò mía cho thu nhập cao. Mua vài ký hay vài chục ký, thậm chí hàng tạ sò bố mẹ (giá 100.000 đồng/kg) cũng không nhiều tiền nhưng nếu sinh sản tốt có thể cho ra hàng vạn, hàng triệu con giống, giá bán hiện tại 30 - 40 đồng/con giống, lãi sẽ rất cao”, ông Đức phấn khích. Cũng theo ông Đức, hiện nay, nguồn giống sò bố mẹ có thể lấy ở nhiều nơi do việc nuôi thương phẩm đã lan rộng. Nhưng đầu ra của giống sò mía còn khan hiếm, hiện tại không có hàng để bán. Bởi, việc làm ra con giống không phải lúc nào cũng có, trong khi nhu cầu nuôi rất cao, đặc biệt là các tỉnh khu vực phía bắc như: Hải Phòng, Quảng Ninh... Sò thương phẩm cũng đang là đối tượng ẩm thực hút hàng.


Khu vực Cam Phú, trước kia dày đặc những trại sản xuất tôm, cá hiện nay chuyển mạnh sang nuôi sò. Ông Đặng Bá Cường - chủ trại giống Cường Thịnh cho hay, trại chuyển sang nuôi sò 2 năm nay nhưng có thể nói chỉ một đợt nuôi cũng có thể kiếm tiền tỷ tùy vào năng lực bể nuôi của trại và lượng sò bố mẹ cho sinh sản. Mỗi đợt trại có thể sản xuất hàng chục bể, dung tích 3m3/bể, thu hàng vạn đến hàng triệu ấu trùng. Tuy sức sinh sản lớn nhưng không phải lúc nào cũng làm được sò giống bởi hiện nay nguồn nước khu vực này (gần cảng) đã bị ô nhiễm.


Cần quản lý chặt


Tuy việc nuôi sinh sản sò mía đang phát triển rất “nóng” nhưng các cơ quan quản lý lại cho rằng nhu cầu sản xuất đang giảm. Ông Nguyễn Dự - Trưởng trạm Chăn nuôi và thú y Cam Ranh cho biết, các trại giống tôm đang chuyển đổi sang nuôi sò do đầu tư thấp, lợi nhuận cao, thị trường rộng mở, nhưng việc sản xuất không phải lúc nào cũng thuận lợi.

 

Ông Lê Minh Hải - Trưởng phòng Kinh tế Cam Ranh: Đây là vấn đề mới nên các ngành chưa nắm bắt sát sao. Thời gian tới, phòng sẽ đề xuất UBND thành phố có kế hoạch kiểm tra và tăng cường quản lý vấn đề này.

“Mọi năm vào thời điểm này là mùa sò giống nhưng năm nay các trại giống sản xuất không được. Một số cơ sở lo ngại nguồn nước bị ô nhiễm đã chuyển từ khu vực cây số 4 vào Cam Thịnh Đông nhưng 2 - 3 tháng nay cũng không làm được con giống nào”, ông Dự nói. Sò mía là đối tượng nuôi mới nên chưa có các chỉ tiêu kiểm tra, cán bộ làm công tác kiểm dịch không biết kiểm tra thế nào. Việc thống kê cũng khó chính xác bởi các trại giống khi sản xuất gặp khó khăn chuyển đổi qua lại giữa các đối tượng nuôi nên rất khó kiểm soát. Bên cạnh đó, nguồn con giống hiện nay chủ yếu xuất đi các tỉnh khác, sò thương phẩm nuôi trong tỉnh chưa nhiều.


Theo Trạm Chăn nuôi và thú y Cam Ranh, qua thống kê sơ bộ, Cam Ranh có 34 trại sản xuất sò giống, tập trung chủ yếu tại Cam Phúc Nam, Cam Phú và Ba Ngòi. Một số cơ sở đang nuôi trong vùng quy hoạch cấm phát triển thủy sản. Ông Mai Ngọc Tấn - Trưởng trạm Thủy sản Cam Ranh cho rằng, việc nuôi sò hiện nay còn nhỏ lẻ, xu hướng giảm, không có nhiều trại giống chuyên.


Việc phát triển “nóng” đối tượng nuôi mới có thể làm ảnh hưởng đến quy hoạch, môi trường và nhiều hệ lụy khác, đây là điều các cơ quan quản lý Nhà nước cần nắm bắt, kiểm tra, theo dõi. Tuy nhiên, hiện hay công tác này ở Cam Ranh còn lỏng lẻo. Chính vì vậy, thành phố cần có sự chỉ đạo để không phát sinh những hệ lụy do tăng trưởng “nóng” có thể làm bùng phát dịch bệnh hay tác động xấu ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.


V.LẠC