11:03, 19/03/2018

Giải pháp giữ lao động nghề biển

Hiện nay, ngày càng có nhiều ngư dân bỏ nghề biển. Thiếu lao động đã buộc nhiều tàu cá phải nằm bờ. Để giữ được lao động nghề biển, vấn đề cốt lõi là phải nâng cao thu nhập cho ngư dân, cải thiện môi trường làm việc.

Hiện nay, ngày càng có nhiều ngư dân bỏ nghề biển. Thiếu lao động đã buộc nhiều tàu cá phải nằm bờ. Để giữ được lao động nghề biển, vấn đề cốt lõi là phải nâng cao thu nhập cho ngư dân, cải thiện môi trường làm việc.


Nhiều ngư dân bỏ nghề


Có kinh nghiệm hơn 10 năm theo các tàu câu cá ngừ đại dương, ông Trương Văn Toàn (ở Hòn Rớ, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) vẫn quyết định bỏ nghề biển, đi làm phụ hồ tại TP. Nha Trang. Ông Toàn chia sẻ: “Nghề biển quanh năm lênh đênh trên biển, đối diện với nhiều hiểm nguy, vất vả; điều kiện sinh hoạt thiếu thốn. Mấy năm nay, đi biển 10 chuyến thì chỉ được 3 - 4 chuyến, còn lại từ hòa đến lỗ phí tổn nên thu nhập của bạn thuyền chẳng được bao nhiêu. Vì vậy, rất nhiều người bỏ nghề để đi phụ hồ thu nhập cao hơn, lại gần nhà”.

 

1

Thu nhập là vấn đề cốt lõi để giữ lao động nghề biển.


Theo ông Mai Thành Phúc - Ngư đội trưởng Ngư đội Trường Sa Lớn (Phước Đồng), những năm gần đây, ngày càng có nhiều người có thâm niên hàng chục năm đi biển bỏ nghề biển, người trẻ tiếp nối thì tìm đỏ mắt không thấy. Nguyên nhân chủ yếu do thu nhập thấp, bình quân chỉ từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng. Thiếu lao động, khó khăn dồn hết lên vai chủ tàu. Có những chủ tàu chạy đôn, chạy đáo khắp nơi nhưng vẫn không thể tìm đủ thuyền viên nên phải nằm bờ. Trong câu chuyện với ông Phúc, được biết, Ngư đội Trường Sa Lớn hiện có 32 tàu khai thác xa bờ. Mỗi chuyến vươn khơi, để đủ người, nhiều chủ tàu phải nhận người mới, không quen với công việc trên biển nên hiệu quả làm việc thấp. Đó là chưa kể tình trạng lao động lừa chủ tàu, ứng trước tiền của 2 - 3 chủ tàu rồi bỏ ngang, đến khi tàu chuẩn bị rời cảng thì tắt điện thoại…


Đây cũng là tình trạng chung của các tàu khai thác vùng lộng, tuyến gần bờ. Tại các làng biển ở Ninh Thủy, Ninh Hải… (thị xã Ninh Hòa), ngày càng nhiều phụ nữ theo nghề biển. Hỏi ra mới biết, do thiếu lao động nên phụ nữ cũng theo chồng ra biển. Lãnh đạo UBND phường Ninh Hải xác nhận, ở địa phương hiện có hàng chục cặp vợ chồng làm nghề biển, chuyên đi khai thác gần bờ.   

 

Theo ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng Ban quản lý cảng Hòn Rớ, mọi năm, cứ sau Tết Nguyên đán lại xuất hiện tình trạng thiếu lao động nghề biển, năm nay càng trầm trọng hơn. Hiện nay, tại cảng Hòn Rớ có rất nhiều tàu nằm bờ do không đủ lao động. Đó cũng là nguyên nhân chính khiến từ đầu năm đến nay, sản lượng thủy sản qua cảng rất ít.

 

Các tàu cá đóng mới, điều kiện làm việc, sinh hoạt đảm bảo nên vẫn thu hút được lao động.

Các tàu cá đóng mới, điều kiện làm việc, sinh hoạt đảm bảo nên vẫn thu hút được lao động.

 

Những tồn tại cần giải quyết


Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, toàn tỉnh hiện có 9.800 tàu cá các loại, với hơn 30.000 lao động hoạt động nghề khai thác thủy sản. Riêng đội tàu khai thác xa bờ có 1.300 tàu, nhu cầu lao động khoảng 10.000 - 13.000 lao động. Đối với tàu câu cá ngừ đại dương cần 6 - 8 lao động/tàu; tàu lưới rê khơi cần 12 người, tàu lưới vây khơi cần 16 người, tàu câu mực cần 5 - 6 người. Một thực tế hiện nay, có khoảng 30% lao động nghề biển là người địa phương, bám biển đã mấy chục năm; khoảng 70% còn lại hầu hết là lao động thời vụ, không có sự gắn bó lâu dài với nghề, người ở địa phương khác đến Khánh Hòa làm việc.


Ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho rằng: “Có nhiều nguyên nhân khiến lao động nghề biển bỏ nghề. Muốn thu hút được lao động nghề biển thì phải giải quyết được vấn đề cốt lõi là thu nhập cho người lao động, vì vậy phải nâng cao được hiệu quả chuyến biển. Có một thực tế là trình độ ngư dân hiện nay còn hạn chế, chưa khai thác hết tiềm năng của biển, dẫn đến năng suất lao động thấp, thu nhập không cao, vì thế ít người muốn gắn bó với nghề khai thác xa bờ. Để giải quyết vấn đề này, tỉnh đang tập trung phát triển, hiện đại đội tàu khai thác xa bờ nhằm giúp ngư dân làm chủ những còn tàu hiện đại. Việc đào tạo, nâng cao trình độ cho ngư dân cũng đang được triển khai”.


Ông Lê Văn Thanh chuyên đi câu cá ngừ đại dương, ở Hòn Rớ cho rằng: “Ngoài yếu tố thu nhập thì chủ tàu cần quan tâm thêm việc cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt trên tàu thì mới giữ và thu hút được lao động”. Theo ông Thanh, những tàu đóng mới, an toàn hơn; máy móc, trang thiết bị hiện đại… luôn thu hút được lao động lành nghề. Cụ thể như: đi tàu composite mới được đóng, nước ngọt để sinh hoạt không thiếu thốn như tàu vỏ gỗ, nấu ăn cũng rất thuận lợi, có chỗ ngủ thoải mái, nhà vệ sinh sạch sẽ… Những điều này giúp cho thuyền viên có thể nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động sau thời gian làm việc vất vả.


BÍCH LA