11:01, 22/01/2018

Tìm vốn cho doanh nghiệp sau bão

Để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong việc hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại do cơn bão số 12, mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức cuộc họp với các sở, ban, ngành nhằm đưa ra giải pháp. 

Để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong việc hỗ trợ doanh nghiệp (DN) bị thiệt hại do cơn bão số 12, mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức cuộc họp với các sở, ban, ngành nhằm đưa ra giải pháp. Tại cuộc họp, vấn đề tạo điều kiện để các DN vay vốn để khôi phục sản xuất được quan tâm đặc biệt.


Hỗ trợ nhiều mặt


Theo báo cáo của các sở, ban, ngành, thời gian qua, các cấp, ngành đã có nhiều hỗ trợ cho các DN khắc phục hậu quả cơn bão số 12. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa, Cục Thuế, Sở Tài chính, Liên đoàn Lao động tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh là những đơn vị được đánh giá có nhiều việc làm thiết thực và kịp thời trợ giúp các DN sau khi bão xảy ra. Bà Nguyễn Thị Hằng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: “Trong thời gian qua, chúng tôi đã có nhiều hoạt động hỗ trợ các DN bị thiệt hại do bão. Từ thống kê thiệt hại cho đến thăm hỏi, động viên đều được tiến hành kịp thời. Đến thời điểm hiện tại, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức thăm hỏi và hỗ trợ DN, công nhân, viên chức lao động với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng”.

 

Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang, đơn vị bị thiệt hại nặng do bão.

Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang, đơn vị bị thiệt hại nặng do bão.


Ông Trần Sỹ Quân - Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: “Trong quá trình hỗ trợ các DN, Cục Thuế gặp không ít khó khăn trong việc xác định mức độ thiệt hại để áp dụng chính sách. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh chỉ có 527 DN kê khai mức độ thiệt hại do bão với tổng số tiền 2.660 tỷ đồng. Con số này chỉ mới là ước lượng, con số thiệt hại thực có thể lớn hơn. Mặc dù số lượng DN bị thiệt hại lớn, nhưng cả tỉnh chỉ có 64 DN xin gia hạn nộp thuế với số tiền hơn 87 tỷ đồng. Về việc xin miễn giảm thuế, Cục Thuế mới chỉ nhận được hồ sơ của 3 DN là Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Giang, Công ty Cổ phần Hòn Tằm Biển Nha Trang và Công ty TNHH Tư vấn thiết kế xây dựng ADC”.


Theo ông Quân, do việc thống kê thiệt hại gặp nhiều khó khăn nên đã ảnh hưởng nhiều đến việc hỗ trợ DN. Tuy nhiên, với phương châm tạo điều kiện nhanh nhất cho DN, Cục Thuế đã áp dụng nhiều giải pháp linh động để giải quyết hỗ trợ. Hiện ngành Thuế tỉnh đã tư vấn, hướng dẫn và hoàn thiện hồ sơ cho các DN xin được miễn, giảm, hoãn nộp thuế. Bên cạnh đó, hoãn cưỡng chế nợ thuế cho 27 DN với số tiền gần 60 tỷ đồng.  


Sở Tài chính cũng đã tập trung hướng dẫn các DN về trình tự, thủ tục xác nhận thiệt hại tài sản do bão gây ra để DN có điều kiện xin miễn, giảm thuế, tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất. Còn Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa chủ yếu tập trung vào vấn đề giảm lãi suất, tháo gỡ việc khoanh nợ, giãn nợ... cho các DN.


Giúp doanh nghiệp sớm tiếp cận vốn


Đồng chí Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đánh giá cao những cố gắng của các sở, ban, ngành trong thời gian qua. Đồng thời khẳng định, ngoài việc thăm hỏi, hoãn, miễn giảm nộp thuế, bảo hiểm xã hội, vấn đề tạo điều kiện để các DN có vốn tái đầu tư và khắc phục thiệt hại là quan trọng nhất. “Phải tìm cách để các DN có thể tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp nhất. Thậm chí có những trường hợp vay không cần thế chấp. Bởi, nhiều DN tài sản đã bị bão làm hư hại nên không có tài sản để thế chấp. Hoặc tài sản đó đã được thế chấp vay vốn từ trước khi có bão, nay DN cần tiền để khắc phục thiệt hại mà cứ đòi phải thế chấp thì DN không thể đáp ứng được”, đồng chí Trần Sơn Hải nhấn mạnh.


Liên quan đến vấn đề vay vốn của DN, ông Đỗ Trọng Thảo - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa cho biết: “Có 53 khách hàng DN vay vốn theo Nghị định 55 của Chính phủ (chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn) bị thiệt hại, nợ vay thiệt hại là 55 tỷ đồng và 169 DN vay vốn không thuộc Nghị định 55 bị thiệt hại với nợ vay bị thiệt hại là 630 tỷ đồng. Sau bão, các tổ chức tín dụng đã chủ động rà soát các khoản nợ vay của người dân, DN trên địa bàn bị thiệt hại do mưa bão, kịp thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, giúp khách hàng khôi phục và ổn định sản xuất như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vốn vay, tiếp tục cho vay mới…; phối hợp với UBND các cấp lập biên bản xác định thiệt hại do thiên tai và giá trị vốn vay bị thiệt hại để lập hồ sơ đề nghị khoanh nợ”.


Với tình hình thiệt hại do cơn bão số 12, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa đã đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có giải pháp hỗ trợ người dân, DN bị thiệt hại. Đồng thời, chi nhánh đã xây dựng, đề xuất sơ bộ một số giải pháp hỗ trợ bổ sung để khắc phục hậu quả của bão. Để tạo điều kiện cho DN dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, đề nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ các DN trong việc vay vốn với lãi suất 4%/năm, thời gian hỗ trợ 12 tháng. Mức vốn được hỗ trợ lãi suất với cá nhân không quá 0,3 tỷ đồng, DN không quá 4 tỷ đồng.


Để kịp thời trợ giúp về vốn cho các DN, đồng chí Trần Sơn Hải giao Ngân hàng Nhà nước và Sở Tài chính nghiên cứu để phân bổ nguồn lực tài chính hiện có của tỉnh theo tỷ lệ hợp lý. Đồng thời, 2 đơn vị xem xét tham mưu cho tỉnh giải pháp giúp DN vay vốn ngân hàng để họ sớm phục hồi sản xuất. “Phải tạo điều kiện cho DN có vốn. Song vì nguồn lực có hạn nên cần phải có những điều kiện cụ thể để DN được hưởng những chính sách ưu đãi, qua đó phục hồi sản xuất một cách nhanh nhất. Nếu không sớm ổn định sản xuất thì sẽ còn có những thiệt hại lớn hơn”, đồng chí Trần Sơn Hải nói.


Đình Lâm