10:01, 10/01/2018

Nỗ lực tái cơ cấu nông nghiệp

Năm 2017 hoạt động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa diễn ra sôi động, bước đầu phát huy hiệu quả, đưa giá trị sản xuất nông nghiệp tăng cao.

 

Năm 2017 hoạt động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa diễn ra sôi động, bước đầu phát huy hiệu quả, đưa giá trị sản xuất nông nghiệp tăng cao.


Cột mốc mới trong xuất khẩu nông sản


Theo ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), trong năm 2017, hầu hết các loại nông sản tại Khánh Hòa được tiêu thụ kịp thời, giá cả ở mức có lợi cho nông dân. Đặc biệt, hoạt động xuất khẩu tăng mạnh với 96.000 tấn, tăng gần 13% so với năm 2016; đưa tổng kim ngạch xuất khẩu lên 538 triệu USD, đạt mức cao nhất từ trước tới nay và tăng hơn 18% so với năm 2016.

 

Tại Khánh Hòa, ở lĩnh vực nông nghiệp, mặt hàng xuất khẩu chủ lực vẫn là thủy sản. Năm nay, thời tiết tương đối thuận lợi cho việc đánh bắt thủy sản, cùng với đó, việc giải quyết kịp thời các chính sách hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ đã khuyến khích ngư dân vươn khơi bám biển. Sản lượng khai thác thủy sản ước đạt hơn 98.000 tấn, tăng 6% so với năm 2016. Trong năm, ngành Nông nghiệp tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản. Toàn tỉnh có 46 tàu cá đóng mới, nâng cấp, hoán cải theo Nghị định 67; đã hạ thủy và hoạt động 24 tàu (21 tàu đóng mới và 3 tàu nâng cấp, cải hoán) và đang đóng 4 tàu; tiến hành kiểm tra và cấp giấy chứng nhận thủy sản khai thác xuất khẩu cho 500 lô hàng vào thị trường châu Âu và các thị trường khác.


Ở lĩnh vực nông nghiệp, bên cạnh sự chuyển biến về quy mô sản xuất, chăn nuôi, đánh bắt thủy hải sản, sự tham gia của các doanh nghiệp vào nông nghiệp cũng góp phần quan trọng trong việc nâng cao giá trị nông sản. Bên cạnh các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy hải sản đã phát triển mạnh và ngày càng đi vào chiều sâu, những năm gần đây, nhiều mô hình kinh tế có sự tham gia của doanh nghiệp đã bước đầu khẳng định hiệu quả. Chẳng hạn như Công ty TNHH Thông Thuận đầu tư hàng chục héc-ta trồng cỏ ở Khánh Vĩnh để phục vụ nuôi bò; Công ty TNHH Chăn nuôi Nhật Minh đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào trang trại chăn nuôi heo hiện đại khép kín ở Khánh Vĩnh; Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Kim Kim Hoa đầu tư hàng chục tỷ đồng phát triển vườn cây ăn quả chất lượng cao theo chuẩn GAP ở Vạn Ninh; Công ty TNHH Hiệp Nông Phát đầu tư trồng rau theo chuẩn GAP ở Ninh Hòa...


Đây cũng là năm mà ngành NN-PTNT tiếp tục tập trung chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng phát huy lợi thế của địa phương, vùng miền gắn với nhu cầu thị trường và thích ứng với thời tiết khí hậu. Tính đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi được gần 1.000ha lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây hàng năm, cây ăn quả. Trong đó, huyện Cam Lâm có diện tích chuyển đổi nhiều nhất (chuyển 140ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng khoai sáp; đổi 114,7ha đất trồng mía, mì kém hiệu quả sang trồng xoài); huyện Khánh Vĩnh chuyển đổi đất trồng cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh (80ha) và sầu riêng (15ha). Do mới chuyển đổi, nhiều diện tích chưa cho thu hoạch, nhưng theo tính toán, các diện tích trồng cây ăn quả này cho hiệu quả gấp 4 - 5 lần so với các loại cây trồng trước đó.

 

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham quan Phiên chợ nông sản Khánh Hòa 2017.

Các vị lãnh đạo tỉnh tham quan Phiên chợ nông sản Khánh Hòa 2017.

 

Phấn đấu duy trì tăng trưởng 2,8%


Năm 2018, Khánh Hòa sẽ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nhằm bảo đảm phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của ngành Nông nghiệp; cải thiện nhanh hơn đời sống của người dân nông thôn; phấn đấu duy trì tốc độ tăng bình quân tổng sản phẩm khu vực nông, lâm, thủy sản năm 2018 đạt hơn 2,8%; có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng số xã nông thôn mới của tỉnh vào cuối năm 2018 lên 39 xã; đưa tỷ lệ dân cư nông thôn dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt hơn 94,5% và sử dụng nước sạch đạt chuẩn Bộ Y tế lên 40%.


Để đạt được các mục tiêu trên, ngành Nông nghiệp đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó, tiếp tục đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn  theo hướng tập trung các cây trồng, vật nuôi có lợi thế phát triển trong vùng, thay đổi giống mới, thâm canh tăng năng suất, sản lượng và phát triển theo hướng an toàn phục vụ cho phát triển đô thị, du lịch. Cây công nghiệp ngắn ngày chủ lực được xác định là cây mía. Cây lâu năm được xác định là cây ăn quả, trong đó chủ lực là cây xoài, sầu riêng, bưởi da xanh. Trong chăn nuôi, duy trì và phát triển đàn gia súc, gia cầm, hình thành các khu chăn nuôi tập trung, tạo điều kiện phát triển chăn nuôi theo hình thức công nghiệp, áp dụng công nghệ cao. Ngành triển khai Đề án đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong sản xuất nông nghiệp, theo hướng đa dạng hóa về loại hình, quy mô, phù hợp với điều kiện và nhu cầu từng ngành, nghề, lĩnh vực, địa phương, đưa kinh tế tập thể trở thành thành phần kinh tế có vai trò quan trọng trong xây dựng cánh đồng lớn, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, tích tụ ruộng đất, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, góp phần cải thiện bộ mặt nông thôn và quá trình xây dựng nông thôn mới.


Đây cũng là năm ngành Nông nghiệp tiếp tục rà soát, hoàn thiện, ban hành các chính sách đặc thù của tỉnh tạo động lực mới, trong đó lưu ý tạo điều kiện để nông dân và doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi hơn về đất đai, nguồn vốn và thị trường để mở rộng sản xuất những cây trồng, vật nuôi có lợi thế ở địa phương, tạo sản lượng hàng hóa có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng yêu cầu thị trường; tiếp tục hỗ trợ đánh bắt thủy sản xa bờ.


Hồng Đăng