11:01, 17/01/2018

Nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2018

 Tính đến ngày 31-12-2017, tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh đạt 20.264 tỷ đồng, vượt 17,4% dự toán và tăng 12% so với năm 2016. Bao gồm: thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 6.320 tỷ đồng, vượt 32,4% so với dự toán và tăng 8,3% so với năm 2016

Ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa.


- Xin ông đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2017?

 

- Tính đến ngày 31-12-2017, tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh đạt 20.264 tỷ đồng, vượt 17,4% dự toán và tăng 12% so với năm 2016. Bao gồm: thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 6.320 tỷ đồng, vượt 32,4% so với dự toán và tăng 8,3% so với năm 2016; thu nội địa 13.764 tỷ đồng, vượt 10,2% so với dự toán và tăng 12,3% so với năm 2016. Có 14/18 khoản vượt dự toán, trong đó, những khoản thu vượt dự toán cao như: thu từ doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài vượt 6,3%; thu ngoài quốc doanh vượt 39,3%; thu từ phí, lệ phí tăng 45,3%; thu tiền sử dụng đất vượt 16,6%; thu tiền thuê mặt đất, mặt nước gấp 2,4 lần so với dự toán; thu khác ngân sách vượt 34,4%; thu tiền bán nhà thuộc sở hữu nhà nước vượt 22,2%; thu cấp quyền khai thác khoáng sản vượt 44,8%; thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế vượt 3,8 lần.


Bên cạnh đó, vẫn còn 4/18 khoản thu không hoàn thành dự toán: thu từ DN nhà nước Trung ương (đạt 89,4%), thu từ DN nhà nước địa phương (đạt 70,5%), lệ phí trước bạ (đạt 92,1%), thu thuế sử dụng đất nông nghiệp (đạt 22,3%).

 

 

- Năm 2017, thu NSNN của tỉnh vượt qua mốc 20.000 tỷ đồng. Theo đồng chí, vì sao trong điều kiện khó khăn, chúng ta vẫn đạt được kết quả cao như vậy?


- Trong quá trình điều hành ngân sách những tháng đầu năm 2017, thu NSNN gặp nhiều khó khăn do nguồn thu từ các DN địa phương chiếm tỷ trọng lớn trong thu nội địa, đạt thấp ngay từ những tháng đầu năm (kết thúc năm 2017 chỉ đạt 73,2% dự toán), vì vậy, ảnh hưởng lớn đến khả năng cân đối của ngân sách cấp tỉnh. Trước tình hình đó, tỉnh phải tính phương án cắt giảm 10% chi thường xuyên 7 tháng cuối năm 2017 (81 tỷ đồng); giảm 50% dự phòng ngân sách địa phương (91 tỷ đồng) và giảm chi đầu tư (300 tỷ đồng). Những tháng cuối năm, Khánh Hòa gánh chịu hậu quả nặng nề do cơn bão số 12 với thiệt hại khoảng 15.500 tỷ đồng. Trong điều kiện khó khăn nhưng thu NSNN vẫn vượt qua mốc 20.000 tỷ đồng. Để đạt được kết quả đó, theo tôi do các nguyên nhân sau:


Thứ nhất, tình hình kinh tế vĩ mô trong nước ổn định; các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế phục hồi và đang đà phát triển tốt; đặc biệt là lĩnh vực du lịch, dịch vụ đã có tốc độ tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ, có tác dụng lan tỏa kích thích các hoạt động kinh doanh dịch vụ khác phát triển.

 

Thứ hai, sự lãnh đạo sát sao của Tỉnh ủy, sự giám sát chặt chẽ của HĐND tỉnh, sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và sự phấn đấu, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, của các DN.


Thứ ba, tuy cơn bão số 12 ảnh hưởng nặng nề về người và tài sản nhưng thời điểm xảy ra vào đầu tháng 11-2017 nên sẽ tác động nhiều đến nguồn thu ngân sách trong năm 2018 hơn so với năm 2017. Bên cạnh đó, tỉnh đã có nhiều giải pháp, nỗ lực, cố gắng khắc phục nhanh hậu quả do cơn bão gây ra.


Thứ tư, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp trong điều hành thu ngân sách có hiệu quả như: các cơ quan thu như Thuế, Hải quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, tránh thất thu; tích cực thu hồi các khoản nợ đọng thuế, hạn chế tối đa phát sinh nợ thuế mới; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan trên tinh thần tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế. Bên cạnh đó, thực hiện quyết liệt cải cách thủ tục hành chính đối với các cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp tăng chỉ số hài lòng của người dân, DN. Từ đó, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh được nâng cao, thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước… Tỉnh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển DN thuộc các thành phần kinh tế, nhất là DN tư nhân, DN có vốn đầu tư nước ngoài, kinh tế hợp tác, DN nhỏ và vừa, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong DN, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, dịch vụ thông qua phát triển các công cụ hỗ trợ DN nhỏ và vừa. 

 

Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin.
Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin.

 

- Dự báo ảnh hưởng của cơn bão số 12 để lại vẫn còn nặng nề cho năm nay và những năm tiếp theo, trong bối cảnh ấy, xin đồng chí cho biết nhiệm vụ tài chính - ngân sách của tỉnh đề ra cho năm 2018? Dự báo những khó khăn và các giải pháp trong điều hành ngân sách năm nay?


- Để khắc phục hậu quả cơn bão số 12 cần nhiều thời gian và nguồn lực, vì vậy, nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2018 hết sức khó khăn. Trước tình hình đó, tại Nghị quyết số 12 ngày 6-12-2017 của HĐND tỉnh đã thông qua, phấn đấu thu với mức cao nhất để cố gắng đạt dự toán thu NSNN do Chính phủ giao và dự toán chi ngân sách địa phương năm 2018 chỉ bằng mức dự toán năm 2017 và tăng tiền lương theo quy định. Cụ thể, năm 2018, Trung ương giao dự toán thu NSNN trên địa bàn 14.665 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa 14.160 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 505 tỷ đồng; tổng chi ngân sách địa phương quản lý 10.884 tỷ đồng.


Nhằm hoàn thành được nhiệm vụ tài chính -  ngân sách năm 2018 đã được HĐND tỉnh thông qua và phấn đấu đạt dự toán Chính phủ giao, UBND tỉnh đã đề ra một số giải pháp như sau:


Đối với các cơ quan: Thuế, Ngân hàng, Bảo hiểm xã hội ưu tiên các các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, khách hàng, người dân bị thiệt hại do cơn bão số 12. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc hướng dẫn các thủ tục để xác định mức độ thiệt hại do bão, đồng thời đề xuất các giải pháp và chính sách hỗ trợ cho các ngành kinh tế khác ngoài lĩnh vực nông nghiệp để tham mưu UBND tỉnh báo cáo Chính phủ nhằm hỗ trợ người dân và DN sớm phục hồi sản xuất kinh doanh. Cụ thể: cơ quan Thuế thực hiện tiếp nhận và giải quyết dứt điểm các trường hợp có đề nghị gia hạn, miễn, giảm thuế theo đúng chính sách hiện hành. Đồng thời, tổ chức đối thoại với người nộp thuế ít nhất 2 lần/năm nhằm phổ biến cung thông tin, hướng dẫn giải đáp chính sách thuế và thủ tục hành chính thuế, kịp thời xem xét giải quyết tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho người nộp thuế. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất... Các DN bảo hiểm trên địa bàn tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan, chính quyền địa phương thu thập hồ sơ, tài liệu để tiến hành việc giám định tổn thất, xác định giá trị thiệt hại thuộc phạm vi bồi thường và tiến hành bồi thường cho các DN bị thiệt hại sau bão.


Đối với Sở Tài chính và Cục Thuế tỉnh, theo dõi diễn biến tình hình thực hiện thu NSNN, nắm chắc các nguồn thu và số người nộp thuế trên địa bàn; chú trọng công tác phân tích cụ thể nguyên nhân tác động làm tăng, giảm thu theo từng lĩnh vực, từng địa bàn; xác định được nguồn thu tiềm năng của tỉnh, các lĩnh vực thu và loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp quản lý hiệu quả; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, thu hồi nợ đọng thuế; cần triển khai quyết liệt các công tác quản lý nợ, cưỡng chế nợ, phấn đấu không để tăng nợ so với năm 2017.


Bên cạnh đó, thực hiện quản lý chặt chẽ các nguồn thu không thường xuyên và có phát sinh trong năm như: các cơ sở kinh doanh lưu động, vãng lai, xây dựng tư nhân, vận tải, kinh doanh mùa vụ, cho thuê nhà, cho thuê tài sản, khai thác tài nguyên khoáng sản, dịch vụ du lịch lữ hành...; thường xuyên theo dõi, kiểm tra xác định mức doanh thu khoán, doanh thu trên hóa đơn đối với cá nhân kinh doanh ở một số lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn trọng điểm; triển khai thu đủ thuế các hoạt động kinh doanh, bán hàng qua mạng Internet để bảo đảm việc quản lý thuế đúng chính sách, phù hợp, công bằng; tổ chức điều hành, quản lý chi NSNN đảm bảo chặt chẽ, đúng chính sách chế độ quy định; nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN; không đề xuất ban hành các chính sách làm tăng chi ngân sách khi chưa có nguồn cân đối. Tính toán tiết kiệm đối với chi sự nghiệp, không kể lương, hạn chế tối đa các khoản chi phát sinh ngoài dự toán ngân sách năm 2018 (trừ các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội và phát sinh cấp bách do thiên tai, địch hoạ); cắt giảm dự toán đối với những nhiệm vụ chi thường xuyên đã bố trí trong dự toán nhưng đến ngày 30-6-2018 chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện. Đồng thời, giảm tối đa và công khai các khoản chi hội nghị, hội thảo, khánh tiết, lễ hội, động thổ, khởi công, khánh thành công trình; hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu khảo sát nước ngoài; hạn chế mua sắm ô tô công và trang thiết bị đắt tiền không có trong dự toán đầu năm.


Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ về đất đai, chuyển cho cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính, kịp thời nộp đầy đủ các khoản thu từ đất đai vào NSNN. Sở Kế hoạch và Đầu tư tăng cường công tác quản lý, kiểm soát vốn đầu tư từ NSNN, trong đó ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng vào các địa bàn có tiềm năng phát triển để tăng năng lực sản xuất tạo nguồn thu mới.


Đối với cấp ủy, HĐND, UBND các cấp, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động đề ra các giải pháp quản lý chặt chẽ các nguồn thu hiện có; khai thác các nguồn thu mới phát sinh; tăng cường công tác thoái vốn nhà nước tại các DN nhà nước; kiểm soát có hiệu quả việc nợ đọng thuế; định kỳ hàng tháng thực hiện tốt công tác dự báo, phân tích những tác động của thay đổi chính sách đến nguồn thu; đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào NSNN; chủ động điều hành đảm bảo cân đối ngân sách địa phương, tổ chức chi ngân sách theo dự toán đã được HĐND cùng cấp thông qua…


- Xin cảm ơn ông!


K.Ninh (Thực hiện)