10:01, 15/01/2018

Người nuôi trồng thủy sản mong được hỗ trợ

Bị thiệt hại nặng nề do cơn bão số 12 nhưng hầu hết các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, nhất là huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa lại không đảm bảo điều kiện để được hỗ trợ theo quy định.

Bị thiệt hại nặng nề do cơn bão số 12 nhưng hầu hết các hộ nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, nhất là huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa lại không đảm bảo điều kiện để được hỗ trợ theo quy định. Người dân và chính quyền các địa phương đều mong tỉnh có chính sách hỗ trợ riêng đối với những hộ không có đủ hồ sơ.


Tại vùng nuôi tôm hùm lồng bè ở xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh), ông Trương Thái Hùng đang tất bật chuẩn bị cho vụ nuôi mới. Ông Hùng cho biết: “Cơn bão số 12 đã để lại hậu quả nặng nề đối với các hộ nuôi tôm hùm, cá biển tại khu vực xã Vạn Thạnh. Chúng tôi mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ để người dân có điều kiện tái đầu tư”. Nhiều hộ nuôi cá bớp, cá chim trên vịnh Vân Phong cũng cho hay, nếu so với quy định về đối tượng được hỗ trợ phải đảm bảo nuôi có kê khai ban đầu tại chính quyền cơ sở, nuôi đúng quy hoạch thì rất ít hộ đảm bảo. Do thiệt hại quá lớn nên các hộ mong muốn tỉnh xem xét, hỗ trợ để có điều kiện khôi phục sản xuất.

 

zzNgười nuôi trồng thủy sản mong được UBND tỉnh xem xét chính sách hỗ trợ để có thêm điều kiện tái đầu tư

Người nuôi trồng thủy sản mong được UBND tỉnh xem xét chính sách hỗ trợ để có thêm điều kiện tái đầu tư

 

Theo thống kê của UBND huyện Vạn Ninh, toàn huyện có 58.320 lồng tôm, cá và hơn 858ha ao đìa NTTS bị thiệt hại hoàn toàn. Riêng đối với NTTS, qua rà soát, số hộ đủ điều kiện hỗ trợ rất ít, tương đương khoảng 24 tỷ đồng, trong khi số không đủ điều kiện hỗ trợ theo Nghị định 02 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh lên đến hơn 1.163 tỷ đồng. Mới đây, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, ông Trần Kim Bảo - Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh kiến nghị: UBND tỉnh có ý kiến với các tổ chức tín dụng tạo điều kiện về thủ tục và hướng dẫn người dân giãn nợ, khoanh nợ, cho các hộ NTTS tiếp cận vốn vay để tái đầu tư. Bên cạnh đó, do thiệt hại về NTTS quá lớn, UBND tỉnh xem xét có chính sách hỗ trợ riêng cho các hộ bị thiệt hại nhưng hồ sơ không đủ điều kiện để được hỗ trợ theo Nghị định 02.


Các hộ NTTS ao đìa tại thị xã Ninh Hòa cũng chung cảnh ngộ. Ông Trần Văn Âu (phường Ninh Hà) cho biết: “Cơn bão vừa qua, gia đình tôi mất trắng 20 vạn con tôm thẻ chân trắng (kích cỡ 150 con/kg). Gia đình tôi đang tập trung cải tạo ao đìa để nuôi vụ mới nhưng tiền nợ thức ăn chưa trả hết, bây giờ thả nuôi, đại lý không cho nợ nữa, tôi chưa biết xoay sở ra sao. Nếu có được một phần hỗ trợ của Nhà nước thì việc tái đầu tư sản xuất của gia đình tôi và những hộ lân cận sẽ thuận lợi hơn rất nhiều”.

 

Người nuôi trồng thủy sản mong được UBND tỉnh xem xét chính sách hỗ trợ để có thêm điều kiện tái đầu tư.

 


Theo báo cáo của UBND thị xã Ninh Hòa, sau bão, qua rà soát, số hộ cần được hỗ trợ khoảng 137,9 tỷ đồng, số được hưởng hỗ trợ là 71 tỷ đồng, chủ yếu thuộc các hộ trồng trọt, lâm nghiệp. Còn các hộ chăn nuôi, NTTS, nếu chiếu theo quy định của Nghị định 02 thì gần như không được hỗ trợ. Ông Trần Văn Minh - Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa kiến nghị: “Bên cạnh các chính sách khoanh nợ, giãn nợ, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn để tái đầu tư sản xuất, tỉnh nên xem xét có sự hỗ trợ đối với các hộ NTTS bị thiệt hại do bão; đối với các hộ không đảm bảo điều kiện được hỗ trợ cũng nên xem xét. Tỉnh cũng nên xem xét chính sách hỗ trợ đối với các hộ sản xuất giống thủy sản bị thiệt hại nặng”.


Theo thống kê chưa đầy đủ từ các địa phương, toàn ngành sản xuất nông, lâm, thủy sản của tỉnh bị thiệt hại do bão, nếu được hỗ trợ toàn bộ theo Nghị định 02 thì số tiền hỗ trợ lên khoảng 1.400 tỷ đồng. Trong đó, số đủ điều kiện để hỗ trợ chỉ khoảng 300 tỷ đồng; số không đủ điều kiện hỗ trợ phần lớn rơi vào những hộ NTTS không có kê khai đăng ký ban đầu, không đảm bảo tuân thủ quy hoạch. Một vấn đề tồn tại hiện nay là nhiều địa phương vẫn chưa hoàn chỉnh hồ sơ, tờ trình gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét.


Qua làm việc với các địa phương: Ninh Hòa, Vạn Ninh, đồng chí Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chia sẻ với những thiệt hại của các địa phương, nhất là NTTS. Đồng chí yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh. Đồng chí lưu ý các địa phương cần phân loại nhóm đối tượng đủ điều kiện được hỗ trợ theo Nghị định 02, nhóm không đủ điều kiện; trên cơ sở đó UBND tỉnh cân đối nguồn lực, xin Trung ương hỗ trợ.


BÍCH LA