11:01, 07/01/2018

Năm 2018: Chú trọng chính sách hỗ trợ phát triển khu, cụm công nghiệp

Năm 2017 là năm ngành Công nghiệp chịu hậu quả nặng nề của cơn bão số 12. Tuy nhiên, với nỗ lực của các doanh nghiệp và cơ quan quản lý, công nghiệp Khánh Hòa vẫn có những bước tăng trưởng đáng khích lệ.

Năm 2017 là năm ngành Công nghiệp chịu hậu quả nặng nề của cơn bão số 12. Tuy nhiên, với nỗ lực của các doanh nghiệp và cơ quan quản lý, công nghiệp Khánh Hòa vẫn có những bước tăng trưởng đáng khích lệ.

Tăng trưởng khá


Theo thống kê của Sở Công Thương, năm 2017, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn tỉnh tăng 6,5% so năm 2016. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 47.551 tỷ đồng, tăng 6,8% so với năm 2016. Trong đó, có một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu như: nước yến và nước bổ dưỡng khác ước đạt 32,5 triệu lít, bia các loại ước đạt 68 triệu lít, thuốc lá điếu ước đạt 865 triệu bao, đường các loại ước đạt 110.000 tấn, chế biến thủy sản đông lạnh ước đạt 96.348 tấn, điện thương phẩm ước đạt 2.690 triệu kwh, điện sản xuất ước đạt 410 triệu kwh...

 

Việc phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp (KCN) và cụm công nghiệp (CCN) cũng có những tín hiệu đáng khích lệ. Đến thời điểm hiện tại, Khu kinh tế Vân Phong đã thu hút được 131 dự án đầu tư với 26 dự án đầu tư nước ngoài và 105 dự án trong nước. Trong đó, 74 dự án đã đi vào hoạt động với tổng vốn thực hiện hơn 13.000 tỷ đồng. KCN Suối Dầu với diện tích 136,7ha cũng đã lấp đầy hơn 83%, thu hút 52 dự án đăng ký đầu tư. Hiện nay, KCN này có 40 dự án đi vào hoạt động với tổng vốn đăng ký tương đương 189 triệu USD, tổng vốn thực hiện 98 triệu USD; giải quyết việc làm cho khoảng 12.000 lao động. KCN Ninh Thủy hiện nay cũng đã triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng giai đoạn 1. Toàn khu có 13 dự án đăng ký đầu tư, trong đó 5 dự án đã đi vào hoạt động với tổng vốn đăng ký 21,3 triệu USD, tổng vốn thực hiện 412 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 225 lao động. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 7 CCN đã được UBND tỉnh ra quyết định thành lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng; trong đó 3 CCN: Diên Phú (xã Diên Phú, huyện Diên Khánh), Đắc Lộc (xã Vĩnh Phương, TP. Nha Trang), Chăn nuôi Khatoco (xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa) đã đi vào hoạt động, thu hút 52 dự án và có 44 dự án đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho 4.520 lao động.


Ông Trần Văn Ngoạn - Phó Giám đốc Sở Công Thương đánh giá: “Năm 2017, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Một số ngành công nghiệp đã có sự phát triển cả về chất và lượng, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu công nghiệp của ngành, sản phẩm ngày càng tăng sức cạnh tranh trên thị trường như: ngành công nghiệp đóng tàu, bia - nước giải khát, chế biến thủy sản, vật liệu xây dựng…”.

 

Dệt may là ngành chịu nhiều ảnh hưởng bởi cơn bão số 12.

Dệt may là ngành chịu nhiều ảnh hưởng bởi cơn bão số 12.

 

Sẽ có chính sách thu hút đầu tư hạ tầng


Bên cạnh những thành tích đạt được, hiện nay, tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vẫn còn nhiều khó khăn. Một số dự án công nghiệp giãn tiến độ và kéo dài thời gian đầu tư do ảnh hưởng của bão lụt, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của ngành. Tiểu thủ công nghiệp tuy có sự tăng trưởng nhưng quy mô sản xuất còn nhỏ, năng suất chất lượng sản phẩm thấp, sức cạnh tranh yếu. Hoạt động khuyến công tuy có nhiều chuyển biến nhưng chưa thực sự là động lực để phát triển công nghiệp nông thôn. Công tác kêu gọi xúc tiến đầu tư còn nhiều hạn chế, việc phát triển các khu, CCN tạo mặt bằng cho sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn; các dự án hạ tầng CCN triển khai còn chậm nên ảnh hưởng đến tiến độ kêu gọi đầu tư…


Trong năm 2018, Sở Công Thương sẽ tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển KCN, CCN trên địa bàn tỉnh và tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết nhằm thu hút các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN, nhà đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN; tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình khắc phục thiệt hại do bão của các doanh nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong ngành Công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp sớm đi vào hoạt động ổn định, góp phần tăng trưởng công nghiệp.


Bên cạnh đó, sở chú trọng hơn nữa công tác kêu gọi đầu tư, lấp đầy KCN Suối Dầu, Ninh Thủy; triển khai thực hiện đầu tư dự án mở rộng cơ sở hạ tầng CCN Diên Phú. Năm 2018, sở phối hợp với các ngành và chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các CCN Trảng É, Sông Cầu, Diên Thọ, tạo mặt bằng cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất. Thông qua chương trình khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương để đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ ứng dụng các máy móc trang thiết bị tiên tiến, áp dụng công nghệ mới sản xuất sản phẩm mới, nâng cao năng lực quản lý, đào tạo nghề...


Theo ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, năm 2017, tuy ngành Công nghiệp bị thiệt hại nặng nề do cơn bão số 12, nhưng về cơ bản các chỉ tiêu tăng trưởng vẫn đảm bảo. Để công nghiệp tiếp tục tăng trưởng, ông chỉ đạo trong thời gian tới, cần đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh được thuận lợi, nhanh chóng; tiếp tục thực hiện đề án mô hình một cửa theo hướng hiện đại, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc cung cấp các dịch vụ hành chính công; tập trung chuyển đổi cơ cấu ngành hợp lý, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, phát triển các ngành có hàm lượng công nghệ cao, từng bước giảm tỷ trọng các ngành gia công, sơ chế và khai thác tài nguyên; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị, nhằm nâng tỷ lệ đổi mới công nghệ trong sản xuất, áp dụng công nghệ hiện đại, tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao.


Đình Lâm